Ngày 14/3, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) có thông báo về việc thực hiện xuất khẩu gạo theo Quyết định 1106/QĐ-BTC ngày 10/4 của Bộ Công Thương.
Tổng cục Hải quan cho biết trong khoảng thời gian từ 24h ngày 11/4 đến 19h34 ngày 12/4 đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 Chi cục Hải quan. Số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu là 399.999,73 tấn.
Việt Nam sẽ xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4, sau đó căn cứ để điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5. Ảnh: Việt Hùng. |
Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) mà Tổng cục Hải quan sử dụng để theo dõi do Chính phủ Nhật Bản viện trợ, được thiết lập các chỉ tiêu thông tin kể từ 24h ngày 11/4.
“Hệ thống tự động tiếp nhận, trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước, ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan", Tổng cục Hải quan cho biết.
Theo đó, hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan khi số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (là 400.000 tấn).
Trước đó, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về phương án, số lượng xuất khẩu gạo. Cụ thể, cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo trong thời gian tới nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng (tháng 4 và tháng 5).
Nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4, tháng 5 sẽ được Tổng cục Dự trữ Nhà nước mua vào 300.000 tấn gạo và giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong hai tháng là 700.000 tấn.
Lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 vào khoảng 800.000 tấn.
Trước mắt, trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5.