Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

4 vụ tranh chấp ồn ào giới kinh doanh năm 2012

Nhân viên cũ và công ty Tôn Hoa Sen "tố" lẫn nhau, Bản Việt và Vinaconex - Viettel dọa đưa đối tác ra tòa... là những vụ tranh chấp đình đám trong năm.

4 vụ tranh chấp ồn ào giới kinh doanh năm 2012

Nhân viên cũ và công ty Tôn Hoa Sen "tố" lẫn nhau, Bản Việt và Vinaconex - Viettel dọa đưa đối tác ra tòa... là những vụ tranh chấp đình đám trong năm.

1. Cựu CEO và Công ty Tôn Hoa Sen kiện cáo qua lại

Giữa năm 2011, sau 18 ngày được chọn giữ cương vị Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Tôn Hoa Sen), ông Phạm Văn Trung bất ngờ từ chức và xin thôi việc. HĐQT Tôn Hoa Sen đã chấp thuận đơn của ông Trung.

Gần một năm sau, tại ĐHCĐ Tôn Hoa Sen diễn ra ngày 22/3/2012, chủ tịch công ty thông báo lý do của quyết định bất ngờ này, đồng thời tố cựu CEO thiếu minh bạch trong điều hành. Những sai phạm về điều hành của ông Trung được ban giám đốc công ty này xác định là từ thời điểm năm 2008, khi vị này mới chỉ là phó tổng giám đốc phụ trách mua hàng, kinh doanh và là phó tổng giám đốc trực điều hành, chứ không phải khi mới lên vị trí CEO.

Ngay sau đó, cựu CEO nộp đơn khởi kiện Tôn Hoa Sen tại tòa án tỉnh Bình Dương với lý do đã "vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự", gây ảnh hưởng đến công việc hiện tại, đồng thời yêu cầu Tôn Hoa Sen phải cải chính thông tin sai sự thật và xin lỗi công khai. Đáp lại, phía Tôn Hoa Sen cũng khởi kiện ông Trung vì những sai phạm trong điều hành và vi phạm cam kết bảo mật thông tin khi làm việc cho đối thủ cạnh tranh của công ty cũ.

2. Đại gia thủy sản thua kiện nông dân hàng chục tỷ

Chỉ vài ngày sau khi tổ chức đám cưới rước dâu bằng đoàn siêu xe cho con trai và hot girl Quỳnh Chi, đại gia Phạm Thị Diệu Hiền và công ty Bianfishco đã bị hàng loạt đối tác, chủ nợ kiện đòi tiền với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Sự việc bùng nổ khi ngày 16/3, 2 nông dân bán cá tra cho Bianfishco đã kiện đòi 18 tỷ đồng và được xử thắng kiện.

Theo thống kê, số nợ tính đến tháng 3/2012 của công ty này lên tới 1.200 tỷ đồng. Để thanh toán hơn 200 tỷ đồng tiền nợ cá của nông dân, đại gia thủy sản đã phải bán biệt thự, xe hơi, nhà máy cũng như vay vốn của các ngân hàng. Đến ngày 7/12, cùng với cổ đông sáng lập mới là Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội - SHB, Bianfishco mới trả hết 221 tỷ đồng tiền nợ cho 50 nông dân từng bán cá cho công ty.

3. Bản Việt "dọa" khởi kiện Dragon Capital

Trong bản tin gửi cho các nhà đầu tư vào ngày 21/8, Dragon Capital phát đi thông báo ông Tô Hải, CEO Chứng khoán Bản Việt bị cơ quan công an triệu tập để điều tra sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt. Một ngày sau đó, trên trang web của quỹ đầu tư này xuất hiện dòng đinh chính với nội dung thừa nhận sai sót. Dragon Capital nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn sửa sai thông tin này và thành thật xin lỗi cá nhân ông Tô Hải và các đồng nghiệp tại Công ty Chứng khoán Bản Việt".

Nhận định đây là thông tin có tác động đến uy tín cá nhân ông Hải và thương hiệu Bản Việt, ngày 5/9, trong thông cáo trả lời, Bản Việt cho biết đã đánh giá thiệt hại và đang xem xét khởi kiện Dragon Capital ra tòa. Tuy nhiên, chưa đầy 1 tuần sau những phát ngôn cứng rắn này, phía Bản Việt lại bất ngờ thông báo chấp nhận hòa giải với Dragon Capital sau khi cân nhắc mối quan hệ nhiều năm của 2 bên và nỗ lực hòa giải của đối tác.

4. Vinaconex - Viettel "dọa" kiện SeABank hợp đồng bảo lãnh 150 tỷ đồng

Sự việc bắt nguồn từ thông báo vào tháng 11/2012 trên website của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) về việc từ chối thanh toán hợp đồng bảo lãnh 150 tỷ đồng trái phiếu Tập đoàn Vina Megastar mà Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (Công ty Vinaconex - Viettel) mua dưới chứng thư bảo lãnh của nhà băng này. Theo đó, chứng thư phát hành ngày 19/10/2011 có chữ ký của bà Nguyễn Thị Hương Giang - nguyên Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc SeABank Hai Bà Trưng dưới ủy quyền của Lê Thu Thủy - quyền Tổng giám đốc SeABank được bên Vinaconex - Viettel khẳng định là hợp pháp; trong khi phía SeAbank kiên quyết giữ quan điểm văn bản đó là vô hiệu do vi phạm quy định nội bộ của ngân hàng.

Theo SeABank, bà Giang đã vi phạm các quy định trong thẩm quyền ký chứng thư bảo lãnh thanh toán. Cơ quan điều tra cũng khởi tố bà Giang vì gây thiệt hại nghiêm trọng cho phía ngân hàng. Trong lúc đó, Vinaconex - Viettel cho rằng quy định của SeABank là chỉ là văn bản nội bộ, không được trích dẫn trong hợp đồng với đối tác và "dọa" rằng nếu ngân hàng không thực hiện nghĩa vụ sẽ tiến hành khởi kiện ra tòa. 

Hạ Minh

Theo Infonet

Hạ Minh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm