Galaxy S20 Series được ra mắt với khả năng hỗ trợ 5G, cảm biến vân tay trong màn hình, camera nâng cấp. Thậm chí, Galaxy S20 Ultra cao cấp nhất còn được trang bị cảm biến ảnh độ phân giải 108 MP.
Đây được xem là những cải tiến mà đối thủ iPhone không có. Ngược lại, có những tính năng trên iPhone 11 “giá rẻ” được trang bị mà S20 Series lại thiếu sót.
Màn hình chỉnh màu theo môi trường
Năm 2017, Apple đã ra mắt tính năng có tên True Tone. Nó cho phép màn hình thiết bị tự điều chỉnh nhiệt độ màu phù hợp với ánh sáng xung quanh. Nói cách khác, tính năng này sẽ giúp màn hình iPhone trông ấm hơn và loại bỏ ánh sáng xanh có hại cho mắt.
Tự động điều chỉnh màu màn hình theo môi trường giúp mắt người dùng dễ chịu hơn. Ảnh: Busisnes Insider. |
Apple bắt đầu cung cấp True Tone kể từ đời iPhone 8 cho đến nay. Ngoài ra, còn có các thiết bị như iPad Pro và iPad Air cũng được trang bị tính năng hữu ích này.
Trên Galaxy S20, Samsung chỉ cung cấp bộ lọc ánh sáng xanh, chuyển màu màn hình sang tông cam mà không dựa theo ánh sáng môi trường để cho ra tông màu thích hợp.
Bộ lọc cho chế độ chụp chân dung
Trước đây, các smartphone Galaxy lẫn iPhone đều có thể chụp chân dung xóa phông. Đến năm 2017, Apple giới thiệu Portrait Lighting trên thế hệ iPhone 8 Plus và iPhone X.
Đúng như tên gọi, tính năng này giúp thêm bộ lọc ánh sáng cho chế độ chụp Portrait Mode với 5 hiệu ứng cơ bản: Natural, Studio, Contour, Stage Light và Stage Light Mono.
iPhone 11 có nhiều tùy chọn ánh sáng trong chế độ chân dung hơn Galaxy S20. |
Nhưng đến iPhone XR, do không có camera tele và chụp chân dung bằng phần mềm nên chỉ còn 3 hiệu ứng. Trong khi iPhone XS, XS Max, 11, 11 Pro và 11 Pro Max được tăng lên 6 hiệu ứng.
Samsung chỉ trang bị cho Galaxy S20 vài bộ lọc Live Focus, tạo hiệu ứng bokeh xóa phông và không cho phép điều chỉnh ánh sáng như trên iPhone.
iMessage bảo mật cao
Gần đây, Google đã đưa công nghệ Rich Communication Services (RCS) vào ứng dụng nhắn tin trên các smartphone Android trong đó có Galaxy S20. Tính năng này giúp các thiết bị Galaxy có thể nhắn tin với nhau tương tự như iMessage trên iPhone.
Nhưng đáng tiếc, RCS không cung cấp mã hóa đầu cuối như nền tảng của Apple. Mã hóa đầu cuối sẽ giúp tin nhắn không thể lọt vào tay bất kỳ ai ngoài người nhận và người gửi, đảm bảo tính riêng tư và bảo mật cho đoạn hội thoại. Cả công ty vận hành nền tảng cũng không thể truy cập tin nhắn người dùng.
Cập nhật hệ điều hành nhanh chóng
Một điểm cộng lớn của iOS là cập nhật lâu dài và nhanh chóng cho nhiều thiết bị iPhone. Lợi thế này xuất phát từ việc Apple làm chủ cả phần cứng lẫn phần mềm nên có thể chủ động triển khai các bản cập nhật.
Trong khi với Android, do có quá nhiều nhà sản xuất cùng dùng chung một hệ điều hành nên thời gian cập nhật cũng phụ thuộc vào từng hãng.
70% iPhone trên thế giới đang dùng iOS 13. |
Hiện có 70% thiết bị iPhone đang chạy trên iOS 13 mới nhất. Trong khi, dù ra mắt từ năm 2018 nhưng Android 9 Pie chỉ có 10,4% thiết bị được cập nhật.
Từ trước đến nay, Apple luôn quan tâm đến việc trau chuốt phần mềm, cũng như trở thành người làm tốt nhất trong giới smartphone, thay vì tranh nhau để trở nên dẫn đầu.