Trong loạt trận đầu tiên tại vòng bảng World Cup 2018, Lionel Messi một lần nữa khiến các CĐV Argentina phải thất vọng khi sút hỏng quả penalty, bỏ lỡ cơ hội giành 3 điểm trọn vẹn trước đội bóng "hạt tiêu" Iceland.
Ngược lại, đối thủ trực tiếp của Messi tại La Liga, Cristiano Ronaldo, lại có một màn trình diễn không thể khí thế hơn khi lập cú hat-trick vào lưới Tây Ban Nha.
Dù cả Argentia và Bồ Đào Nha đều chỉ giành được 1 điểm sau trận ra quân, rõ ràng Ronaldo đã thể hiện xuất sắc hơn hẳn so với "La Pulga".
Messi chưa thể đáp lại lời thách thức của Ronaldo sau loạt trận đầu. |
Sau khi lập hat-trick, Ronaldo ăn mừng bằng động tác bắt chước con cừu nhằm thách thức Messi. Tuy nhiên, ngôi sao của Barcelona lại không thể nào đáp lại bằng một màn trình diễn tương xứng.
Tại La Liga, Messi và Ronaldo vẫn luôn so kè cao thấp. Mỗi người đều đã có 5 Quả Bóng Vàng thể hiện đẳng cấp cá nhân. Nhưng lẽ gì Messi lại thể hiện trong màu áo ĐTQG yếu kém hơn Ronaldo?
Argen phụ thuộc quá nhiều vào Messi
Mọi đội bóng đều mơ ước sở hữu một tài năng như Messi. Bất kỳ CĐV nào trên thế giới cũng ghen tị với các fan của Barcelona khi chưa bao giờ phải nghi ngờ về lòng trung thành của "La Pulga".
Tuy nhiên, lợi bất cập hại. Có Messi trong đội hình cũng không phải là một lợi thế tuyệt đối. Chính vì luôn mặc định M10 là ngôi sao lớn nhất trong đội hình, các đồng đội của anh tại Argentina đều có tâm lý phụ thuộc quá lớn vào người đội trưởng.
Hiệu ứng này được gọi là "Messidependencia". Nói cách khác, các cầu thủ Argentina dần có xu hướng ít nhận trách nhiệm hơn trong tập thể, khi trách nhiệm đã thuộc về Messi.
Có thể lấy trận đấu gặp Iceland là một ví dụ. Trên hàng công cùng với "La Pulga" nhưng những Maximiliano Meza hay Angel Di Maria gần như không có cơ hội để ghi bàn.
Khi tìm địa chỉ nhận đường chuyền, các cầu thủ tuyến dưới thường không dám mạo hiểm đưa ra sự lựa chọn khác. Họ chỉ dồn bóng cho đội trưởng với niềm tin ngôi sao Messi sẽ tỏa sáng thắp lên bầu trời hi vọng cho "Albiceleste".
Messi luôn bị các cầu thủ Iceland theo kèm rất sát. |
Tuy nhiên, Iceland đã làm quá tốt trong việc khóa chặt Leo. Hàng phòng ngự của đại diện châu Âu được HLV Heimir Hallgrimsson bố trí chặt chẽ, luôn có 3-4 cầu thủ ngay lập tức "chăm sóc" Messi mỗi lần anh có bóng.
Kết cục, dù đã cố hết sức, Messi tạo ra 3 cơ hội và tung ra 10 cú sút vào khung thành, nhưng không có bàn thắng nào mang tên anh.
1 điểm trước Iceland là bài học "xương máu" để giúp đội tuyển Argentina "tỉnh" ra. Messi thực sự rất tài năng, nhưng các cầu thủ cần phải có sự quyết đoán cần thiết để chia sẻ vai trò trên sân, đừng nên ỷ lại vào một mình nhạc trưởng.
Suy cho cùng, Messi cũng chỉ là một người bình thường đầy đủ xương máu da thịt như bao kẻ khác. "Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân".
Áp lực khổng lồ trên vai
Messi càng xuất sắc bao nhiêu, người dân Argentina càng đặt nhiều kỳ vọng và áp lực bấy nhiêu. Trong những năm qua, nhiệm vụ phải giành được một danh hiệu với ĐTQG đã trở thành nỗi ám ảnh đối với chân sút đã 31 tuổi.
Từ năm 2014 trở lại đây, Messi cùng các đồng đội lọt vào đến 3 trận chung kết: World Cup 2014 gặp đội tuyển Đức và 2 lần tại Copa Ameria 2015 và 2016 cùng đối đấu với Chile. Trong cả 3 lần ấy, Argentina đều để vuột mất chức vô địch.
Bồ Đào Nha của CR7 chỉ có đúng một lần vào đến chung kết giải đấu lớn, đó là Euro 2016 gặp đội tuyển Pháp. Dù không giành được nhiều kỳ vọng, "Seleccao" lại đăng quang khi đánh bại nước chủ nhà sau 120 phút.
Không chỉ bị so sánh với những cầu thủ của thế hệ hiện tại, "La Pulga" còn thường xuyên bị đặt lên bàn cân với người của thế hệ trước, Diego Maradona. Huyền thoại của Argentina từng một mình "gánh" cả đội vô địch thế giới năm 1986, trong bối cảnh khó khăn hơn nhiều so với Messi hiện tại.
Điều đáng nói ở đây chính là áp lực. Chỉ khi không bị đặt nặng những vấn đề về chỉ tiêu, thành tích, kỳ vọng, cầu thủ mới có thể được chơi bóng thoải mái đúng với đẳng cấp và tài năng của mình.
Messi gục ngã sau khi sút hỏng penalty tại Copa America. |
Bồ Đào Nha của Ronaldo chưa bao giờ được đánh giá cao, họ thậm chí còn bị coi là "gây sốc" khi lên ngôi Euro 2016. Dù mang danh là nhà ĐKVĐ châu Âu, "Seleccao" cũng không thể xếp cùng hạng với những ứng cử viên vô địch World Cup năm nay như Đức, Brazil, Pháp hay Tây Ban Nha.
Bồ Đào Nha nếu không thể vô địch World Cup, CR7 dù có thua tại Nga năm nay, cũng chẳng ai có thể trách cứ họ.
Messi lại khác. Argentina còn có Di Maria, Higuain và nhiều tên tuổi khác đang tỏa sáng ở Ngoại hạng Anh hay Serie A. Sau khi về nhì cách đây 4 năm, không có gì ngạc nhiên nếu "Albiceleste" được dự đoán là nhà vô địch thế giới 2018. Các vũ công tango bị đặt nặng kỳ vọng hơn rất nhiều.
Hòa Iceland, hay thậm chí là gục ngã trong những trận chung kết trước đó đều không phải lỗi của một mình Messi. Nhưng dường như mỗi khi mổ xẻ sai lầm, các nhà phân tích chỉ nhớ mỗi tên anh. Messi luôn bị đổ lỗi cho mọi thất bại của ĐTQG.
Thiếu tư chất lãnh đạo và "cầm trịch" như Ronaldo
Khát khao chiến thắng đến mức trở thành nỗi ám ảnh của Ronaldo là một trong những yếu tố quan trọng giúp anh trở thành thế lực có tầm ảnh hưởng lớn nhất đội tuyển.
Ngay cả khi phong độ trồi sụt, ngọn lửa tham vọng trở thành số một của anh ta cũng chưa bao giờ nguội tắt. Và điều đó đã khiến Ronaldo trở thành một thủ lĩnh thực sự.
Messi thất thế trước Ronaldo trước khoản này, đó là điều không có gì phải bàn cãi. Tiền đạo của Barcelona dường như không thể vực dậy tinh thần của các đồng đội mỗi khi đội nhà bị dẫn trước. Đây lại chính là sở trường mà Ronaldo luôn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.
Nếu muốn khẳng định vai trò lãnh đạo trong lòng các đồng đội, số 10 cần phải thay đổi tính cách hướng nội của mình, học kỹ năng trở thành thủ lĩnh từ chính đối thủ của mình ở Real Madrid.
Vận may vẫn từ chối Messi
"Người chiến thắng tự tạo ra vận may cho riêng mình", một nhà hiền triết nào đó đã nói. Tuy nhiên, thực tế khốc liệt của thời hiện đại đã chứng minh một kịch bản ngược lại: Dù có muốn hay không, con người vẫn phải cúi đầu trước số phận.
Messi đã cùng ĐTQG lọt vào đến 4 trận chung kết nhưng đều gục ngã. "Thành tích" thất bại 100% này có thể hiện rằng Messi không phải là cầu thủ giỏi nhất trong thế hệ cùng thời với anh? Cậu trả lời dứt khoát là không.
Messi đã làm hết sức mình, đổ mồ hôi sôi nước mắt để mong một lần chạm đến chức vô địch với đội tuyển quê nhà. Nhưng nếu số phận vẫn nhất quyết không gọi tên Messi, M10 vẫn cứ là một cầu thủ trắng tay trong sự nghiệp quốc tế.