4 ngày ác mộng trong vòng vây cá mập của cựu binh Mỹ
Khi con tàu USS Indianapolis bị ngư lôi Nhật Bản đánh trúng trong những tuần cuối của Thế chiến thứ 2, hàng trăm thủy thủ đã nhảy xuống nước để thoát chết. Tuy nhiên, họ không ngờ rằng, đàn cá mập hung dữ đang trực chờ ăn thịt họ.
USS Indianapolis năm 1945. |
4 ngày ác mộng đó vẫn hiện hữu rất rõ trong tâm trí của cựu binh Loel Dean Cox năm nay 87 tuổi.
Cuối tháng 7/1945, USS Indianapolis đang thực hiện một nhiệm vụ tối mật, đó là chở các bộ phận của quả bom nguyên tử đầu tiên đến đảo Tinian trên biển Thái Bình Dương, nơi bố trí các máy bay B-29 của Mỹ. Công việc chuẩn bị đã hoàn thành, con tàu với 1.197 thủy thủ, tiến về Leyte ở Philippines nhưng khi đang trên đường thì bị ngư lôi của Nhật đánh phá.
Loel Dean Cox hồi còn trẻ. |
Ông Cox năm nay 87 tuổi và là một nhân chứng sống trong vụ chìm tàu USS Indianapolis. |
Loạt ngư lôi đầu tiên của Nhật đánh vào tàu USS Indianapolis mà không có chút tín hiệu cảnh báo nào vào sau nửa đêm ngày 30/7/1945. Ông Cox nhớ lại: “Bùm, tôi bị hất tung lên không trung. Nước, rác, lửa, mọi thứ như bị hất tung lên cách mặt nước khoảng 25 m. Đó là tiếng nổ quá lớn”.
Sau đó là loạt tấn công thứ 2. Sau lần thứ 2 bị ngư lôi của tàu ngầm Nhật tấn công, USS Indianapolis dường như bị xé làm đôi. Lửa cháy rừng rực phía dưới tàu và USS Indianapolis bắt đầu bị nghiêng sang một phía. Những người trên tàu được lệnh tháo chạy. Cox leo lên phía đầu tàu và cố gắng nhảy xuống nước. Anh va vào vỏ tàu và rơi tùm xuống.
Cox kể: “Tôi quay lại và nhìn về phía sau. Con tàu đang chìm dần và nhiều người vẫn đang tiếp tục nhảy xuống nước. 4 động cơ cánh quạt vẫn quay. 12 phút, bạn có thể tưởng tượng con tàu dài gần 190 m dài bằng 2 sân bóng đá chìm nghỉm trong vòng 12 phút. Nó bị lật rồi chìm xuống”.
USS Indianapolis là một tàu tuần dương hạng nặng thuộc lớp Portland của Hải quân Mỹ, là chiếc tàu chiến thứ 2 của Hải quân Mỹ được đặt theo tên thành phố Indianapolis thuộc tiểu bang Indiana.
Con tàu không có hệ thống định vị phát hiện tàu ngầm. Charles McVay, thuyền trưởng của tàu, đã xin một nhóm hộ tống nhưng yêu cầu của ông không được chấp nhận. Phía Hải quân Mỹ cũng không truyền được thông tin là tàu ngầm Nhật đang định vị trong khu vực. Indianapolis hoàn toàn đơn độc ở Thái Bình Dương khi nó gặp nạn.
Theo lời kể của Cox, anh không nhìn thấy thuyền cứu hộ. Cox nghe thấy tiếng rên rỉ, la hét, anh bơi qua thấy một nhóm khoảng 30 người đàn ông và ở luôn đó với họ. Lúc đó, Cox cùng mọi người nghĩ rằng nếu họ có thể sống qua vài ngày thì sẽ có người đến cứu.
Tuy nhiên, chẳng ai đến cứu Cox và những người xung quanh. Dù Indianapolis đã phát đi tín hiệu cầu cứu trước khi bị chìm nhưng dường như Hải quân Mỹ không để ý.
Khoảng 900 người còn sống sau vụ ngư lôi đầu tiên của Nhật tấn công. Họ trôi nổi trên sóng của Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, nguy hiểm nữa đang rình rập họ. Những con cá mập đói mồi đang chờ đón. Những mảnh vỡ của tàu gây chú ý với lũ cá nên hàng trăm con đang tiến về những người sống sót.
Cox nhớ lại: “Chúng tôi bị chìm vào nửa đêm. Ngay khi có ánh sáng đầu tiên của ban ngày, tôi đã nhìn thấy một con cá mập. Chúng rất to lớn. Tôi thề là một vài con có thể dài tới 4-5 m. Chúng cứ quanh quẩn quanh đó, chủ yếu ăn xác chết”.
Thế nhưng sau đó, đàn cá mập tìm đến những người sống. Cox kể: “Chúng tôi mất 3 hoặc 4 người mỗi ngày đêm. Bạn sẽ luôn sống trong lo sợ vì nhìn thấy chúng suốt ngày. Chỉ vài phút, bạn sẽ thấy vây của cá mập, một vài chục chiếc vây trong nước”.
Khi những con cá mập tấn công, một vài người đàn ông đập nước, đá và kêu la. Mọi người đều quyết định chụm lại thành một cụm để phòng vệ. Thế nhưng mỗi lần cá mập tấn công, máu lại lênh láng trên mặt nước. Họ la hét, đập nước và cá mập kéo đến càng nhiều.
Cox hồi tưởng: “Trong làn nước trong xanh, bạn có thể nhìn thấy cá mập lượn quanh. Nhanh như chớp, một con kéo một thủy thủ xuống nước. Một con khác lại đến và kéo một người khác cạnh tôi".
Tuy nhiên, cá mập không phải là thủ phạm giết người chính. Dưới cái nắng cháy da cháy thịt, ngày qua ngày, không thức ăn nước uống, nhiều người chết dần vì kiệt sức hoặc mất nước. Áo phao của từng người bị sũng nước. Nhiều người quá mệt mỏi và chết đuối. Trời quá nóng nên Cox cầu nguyện cho đến tối nhưng khi trời tối, Cox lại cầu nguyện cho đến sáng. Lý do vì tối quá lạnh đến mức răng đập vào nhau.
Vật lộn với sự sống, khát nước, sợ hãi vì cá mập, một số người còn lại bị mê sảng. Nhiều người bắt đầu hoang tưởng, họ tưởng tượng ra hòn đảo bí mật đang ở phía chân trời hoặc họ đang liên lạc với những tàu ngầm đến cứu họ. Cox vẫn còn nhớ, một trong số người tin rằng Indianapolis không bị chìm mà vẫn đang nổi trên mặt nước.
Một người trong số họ bị ảo giác và quyết định xuống tầng 2 của con tàu để uống nước ngọt. Sau đó, anh này lên lại và nói về nguồn nước ngọt mát mà anh ta vừa uống. Anh ta còn khuyên Cox và những người còn sống uống. Tất nhiên là anh ta vừa uống nước biển mặn và sau đó qua đời. Mỗi ngày mỗi đêm qua, người sống sót lại giảm dần.
Ngày thứ 4, một máy bay của Hải quân Mỹ tình cờ phát hiện thấy người dưới nước. Lúc đó, cả nhóm của Fox chỉ còn ít hơn 10 người.
Ban đầu những người trong nhóm của Cox nghĩ rằng máy bay đã bay qua nhưng trước hoàng hôn một chiếc máy bay xuất hiện, đổi hướng và bay đến nhóm của Cox. Người đứng trên máy bay vẫn chào nhóm của Cox. Những giọt nước mắt sung sướng và Cox thấy đó là khoảnh khắc hạnh phúc trong đời anh.
Tàu của Hải quân Mỹ đến hiện trường nơi USS Indianapolis bị tấn công và bắt đầu tìm kiếm những người sống sót.
Đoàn thủy thủ gần 1.200 người chỉ còn lại 317 người sống sót, trong đó có Cox.
Hải quân Mỹ sau đó đổ trách nhiệm cho thuyền trưởng McVay, người may mắn sống sót. Trong nhiều năm, ông Vay nhận nhiều email chỉ trích và năm 1968, ông đã tự vẫn kết thúc cuộc đời. Những người còn sống sót, trong đó có Cox, đã nhiều thập kỷ thanh minh để thuyền trưởng được xá tội.
Sau khi được cứu, Cox nằm trong viện. Tóc, móng chân, móng tay của anh đều rụng. Những vết sẹo tinh thần vẫn theo ông đến tận bây giờ.
Cựu binh 87 tuổi chia sẻ: “Hằng đêm, tôi vẫn mơ. Tôi không phải ở dưới nước nhưng vẫn cố gắng tìm đồng đội. Tôi luôn lo lắng mỗi ngày, đặc biệt là vào ban đêm nhưng tôi chấp nhận nó, ngủ với nó và sống cùng nó”.
đỗ quyên
Theo Infonet