Từ nhiều giờ trước đó, người thân của 3 thuyền viên Phan Xuân Phương (27 tuổi, quê Nghệ An), Nguyễn Văn Hạ và Nguyễn Văn Xuân (cùng 35 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã có mặt tại sân bay Nội Bài để chờ đón người thân.
“Lúc đầu biết tin các anh bị hải tặc bắt, gia đình ngày ngày cầu mong các anh sớm được thả về. Nhưng 1 năm, 2 năm, 3 năm trôi qua, tới nay đã 4 năm rồi, cả gia đình như tuyệt vọng thì tin vui dồn tới. Lúc nghe tin anh ấy được hải tặc trao trả gia đình như vỡ òa, ai cũng thao thức để mong chờ ngày hôm nay”, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, người nhà thuyền viên Nguyễn Văn Xuân nghẹn ngào.
Chị Bùi Thị Lệ (vợ thuyền viên Nguyễn Văn Hạ) cho biết gia đình biết thông tin anh Hạ được cướp biển thả qua tivi từ thứ 7 tuần trước (ngày 22/10), tới tối thì nhận được điện thoại của anh gọi về báo đã an toàn và đang ở khách sạn. Được biết, vợ chồng chị Lệ có 3 con, nhưng người con út chưa một lần nhìn thấy mặt cha. Khi cháu sinh ra, anh Hạ đã đi xuất khẩu lao động được nửa tháng. Đây là lần đầu tiên cháu được gặp cha.
Ông Phan Xuân Linh (Nghĩa Đàn, Nghệ An), bố thuyền viên Phan Xuân Phương cho biết: “Tôi ra sân bay đợi con từ sáng, đứng chờ con mà đếm từng giờ. Tôi vừa vui, vừa hồi hộp vì sắp gặp được lại đứa con tưởng chừng như mất đi mãi. Máy bay hạ cánh, tôi ôm nó bằng da, bằng thịt chứ không phải mong đợi như trước, hạnh phúc lắm, cha già này mãn nguyện lắm rồi. Nó gầy và đen hơn, chắc giờ này mẹ nó ở nhà vui lắm”.
Thuyền viên Nguyễn Văn Xuân và người thân sau 4 năm cách biệt.
|
Anh Nguyễn Văn Hạ, một trong ba thuyền viên trở về từ tay cướp biển chưa hết bàng hoàng nói: “Giờ đặt chân xuống đây tôi mới thật sự tin mình đã được tự do. Không còn gì hạnh phúc hơn sau bao nhiêu năm mong được về nhà. Tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn mọi người”. Anh Hạ bế người con gái út lần đầu 2 bố con gặp nhau dù cháu đã 4 tuổi.
4 năm khổ cực
Chia sẻ với Tiền Phong, thuyền viên Phan Xuân Phương kể trên tàu tôi phụ trách phần câu hải sản. Khi mọi người đang hăng say làm việc thì tàu của người Somalia bám theo rồi áp sát bắt tàu chúng tôi dừng lại, nhiều người trên tàu của họ có súng nên không ai dám phản kháng.
Chúng bắt thuyền trưởng hướng tàu chạy về đất liền Somalia. Trói và bịt mắt tất cả thuyền viên lại, khi gần đến bờ thì mới được mở mắt, tháo dây trói. Mọi người ai cũng hoang mang, sợ hãi, không ai nghĩ rằng sẽ sống sót.
Anh Phương và toàn bộ thuyền viên bị cướp biển nhốt trên tàu, chỉ khi lương thực trên tàu hết bọn chúng mới cho lên bờ. Chúng tôi ăn uống và sinh hoạt dưới một mái nhà, không được đi ra ngoài, ăn uống thường ngày có bọn cướp biển chu cấp. Họ đưa gạo, nước đến cho mình tự sinh hoạt.
“Bọn chúng ra lệnh không được rời khỏi nơi giam hãm, nếu không sẽ bị giết. Xung quanh luôn có người cầm súng canh giữ.
Sở dĩ lúc tôi gọi điện về nhà là do bọn chúng ra lệnh gọi về gia đình để đòi tiền chuộc. Điện thoại chúng đưa cho và lời nói cũng phải theo hướng dẫn, ai trái lệnh là bị đánh đập, có thể bị bắn ngay”, anh Phương nhớ lại.
Thời tiết cũng là “cực hình” với các thuyền viên bị bắt, mặt trời vừa lên đã nóng rát. Mỗi ngày, bọn cướp biển cho một lít nước, ai dùng hết thì thôi. Không có nước tắm rửa, sinh hoạt. Mọi việc hàng ngày đều bị giám sát, chỉ đạo.
Thuyền viên Nguyễn Văn Hạ.
|
Theo anh Phương, khi được thả ra anh cũng không biết điều gì sẽ xảy ra, chỉ theo những người lớn tuổi, họ làm sao thì mình làm vậy. Khi ra khỏi khu vực bị giam cầm, các thuyền viên được đưa về khách sạn. Đại sứ quán Việt Nam tới gặp động viên, kiểm tra sức khỏe và làm thủ tục, mua vé máy bay cho mọi người về nước. Sau chặng bay 1 ngày thì tới Nội Bài.
Anh Nguyễn Văn Tý, em trai anh Hạ cho biết hơn 4 năm xa cách, gặp lại anh Hạ, anh em mừng mừng tủi tủi. Theo anh Tý, sau khi xuống sân bay, anh Hạ được Tổng công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam (Vinamotor) - đơn vị đưa lao động đi, đưa về bệnh viện khám bệnh. Bước đầu kết quả các bác sĩ thông báo sức khỏe ổn định, không có vấn đề gì phải lo lắng.
“Anh Hạ đang phải làm việc với công ty, các bác sĩ nên anh em chưa nói chuyện được với nhau nhiều, mà chỉ nhìn nhau rồi nước mắt cứ trào ra. Mong sao anh ấy khỏe mạnh để về quê tiếp tục làm ăn nuôi vợ con và mẹ già”, anh Tý cho biết.
Theo lịch trình được người nhà anh Hạ dự kiến trong 2 ngày tới, anh Hạ tiếp tục ở lại Hà Nội để làm việc với công ty đưa các anh đi xuất khẩu lao động. “Dự kiến tối ngày kia anh Hạ và mọi người mới trở về quê”, anh Tý nói.
Trước đó, tháng 2/2012, tàu cá FV Naham 3 của Đài Loan đã bị cướp biển Somalia bắt giữ tại quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương). Trên tàu có các thuyền viên đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Đài Loan và Việt Nam.
Chiều 25/10, ông Trần Hữu Hưng, Phó tổng giám đốc Vinamotor cho biết công ty chắc chắn sẽ có hỗ trợ các thuyền viên nhưng hiện chưa đưa ra được mức cụ thể.
Trong khi đó, trả lời báo chí tại sân bay Nội Bài, ông Đỗ Tuấn Anh, Trưởng phòng Bảo hộ Công dân (Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao) cho biết khi nhận được thông tin 3 thuyền viên Việt Nam được giải cứu, trong suốt 2 tuần qua, cơ quan ngoại giao Việt Nam nỗ lực phối hợp với nước bạn để tạo điều kiện tốt nhất đảm bảo an toàn và sức khỏe các thuyền viên.
Ngay khi được Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) trao thuyền viên cho phía Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán tại Tanzania cử người sang Kenya để đón các thuyền viên.
“Kiểm tra sức khỏe các thuyền viên cho thấy đều đảm bảo, chiều tối 24/10 các thuyền viên lên máy bay về nước”, ông Tuấn Anh nói.