Sau trận đấu giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản, một số nhà môi giới của Nhật Bản và Hàn Quốc đã điện thoại trực tiếp cho trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh để đặt vấn đề chuyển nhượng Công Phượng. Sự kiện này đem lại sự bình luận sôi nổi trong các fan bóng đá. Đa phần họ ủng hộ việc Công Phượng đá cho đội bóng nước ngoài, vì đây là cơ hội nghìn năm có một để cầu thủ trẻ này mang về niềm tự hào cho người Việt Nam.
"Bắt cá lớn ở biển hơn là bắt tép ao làng"
Lý do mà nhiều người muốn Công Phượng “xuất ngoại” trước tiên là để cầu thủ này có cơ hội vươn ra biển lớn, tham gia đội bóng tầm châu lục thay vì quanh quẩn trong nước và Đông Nam Á, nơi mà các fan vẫn nói vui là “ao làng”.
Với nhiều người, Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 cái nôi đào luyện các cầu thủ chuyên nghiệp. Đây là cơ hội vàng cho bất cứ cầu thủ Việt Nam nào nâng cao trình độ và kỹ thuật chơi bóng của mình. Họ suy nghĩ, "đi một ngày đàng học một sàng khôn", các cầu thủ nổi tiếng trên thế giới có được thành công hiện tại cũng nhờ việc đi nước ngoài thử sức, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nền bóng đá trên thế giới.
“Theo tôi, nên để một số cầu thủ được cọ xát với môi trường bóng đá chuyên nghiệp, với những giải đấu chất lượng và khắc nghiệt, các em sẽ trưởng thành nhanh hơn. Nếu đá ở V.League, e rằng các em khó có thể phát triển đến tầm châu lục được”, Duy Hùng nhận xét. Hùng cũng thấy nếu đá ở giải đấu này, các cầu thủ sẽ phải nỗ lực hết mình khẳng định bản thân để có suất đá chính.
Thậm chí, fan bóng đá Hà Vũ cũng nói vui, nếu bầu Đức cứ khư khư giữ cầu thủ của mình ở nhà thì họ sẽ trở thành con ếch ngồi đáy giếng: “Cho ra cái ao làng Đông Nam Á đã ngợp, ra cái ao hơn một tí là châu Á, các em lại tưởng là ra tới biển. Không ra ngoài thì mãi tưởng cái cổng làng mình là to nhất”.
Công Phượng luôn là cái tên được các đôi bóng được ngoài mong muốn có được. |
Tránh những tiêu cực từ bóng đá trong nước
Bên cạnh đó, nhiều người lo sợ, một số tiêu cực trong V.League sẽ ảnh hưởng đến các cầu thủ trẻ, bởi “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Họ nghĩ, không ai đảm bảo rằng một số cầu thủ lứa trước liệu có “phương hại” gì đến những cầu thủ này không.
Bạn Duy Khánh chia sẻ, việc để Công Phượng đi là một quyết định hợp lý. Lấy ví dụ về Lee Nguyễn, Khánh thấy thời điểm đó cầu thủ này đá cho HAGL giảm sút phong độ rõ rệt, còn khi về lại Mỹ thì được là chính mình, thi đấu tốt hơn. Theo Khánh, đừng để những tài năng như Phượng chết dần chết mòn ở V.League.
Tách mình khỏi những lời tung hô có cánh
Bạn Lan Ngọc, áp lực từ phía người hâm mộ nước nhà và một số sự tung hê quá đà có thể ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu của các cầu thủ U19. Theo Linh, họ thực sự cần môi trường thoải mái hơn, giải tỏa căng thẳng và đôi chân sẽ trở nên thanh thoát hơn để chơi đúng là mình.
Khi nhắc đến những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh… nhiều người đều chung suy nghĩ là tài năng của họ cũng đủ đẳng cấp khu vực. Điều này không khỏi ảnh hưởng tới lối suy nghĩ của cầu thủ. Sau trận thua đậm trước Hàn Quốc, nhiều người đã phải thừa nhận rằng: "Sự ảo tưởng đang làm hại U19 Việt Nam". Vì vậy, việc thi đấu ở nước ngoài sẽ mang lại một khoảng lặng cho Công Phượng, để cầu thủ này tự đánh giá được thực lực của mình đang ở đâu.
Làm tiền đề nâng tầm bóng đá Việt Nam sau này
Đặt ra giả thiết nếu Công Phượng được đi lần này, một số người nêu quan điểm, việc đi ra nước ngoài không phải là đi hẳn, mà khi cần họ vẫn có thể về đá cho giải quốc gia. Thêm vào đó, khi có nhiều kinh nghiệm và thể lực tốt, mọi thứ đã ổn thì “kéo” về cũng chưa muộn.
Cùng suy nghĩ, bạn Đặng Phương Nam thấy rằng, khi có thêm kiến thức và hiểu hơn về bóng đá quốc tế, các cầu thủ tài năng sẽ trở về và gây dựng cũng như tạo sự thay đổi lớn cho nền bóng đá Việt Nam. Họ cũng có thể trở thành huấn luyện viên cho các thế hệ trẻ sau này. Với những người hâm mộ như Nam, việc cầu thủ mình yêu thích đá cho những đội bóng tầm châu lục và quốc tế là niềm vinh dự lớn, nhất là khi xem một trận bóng, các cầu thủ nước nhà được các fan nước ngoài nhớ mặt, điểm tên.