Quá trình giảm mỡ bị dừng lại hay chững cân là vấn đề rất phổ biến với những người đang nỗ lực từng ngày để thay đổi vóc dáng. Trước đó, họ đạt được một phần mục tiêu khi có thay đổi nhất định về cân nặng, tỷ lệ mỡ hay vẻ ngoài. Tuy nhiên, khi họ chưa thực sự hài lòng với kết quả hoặc muốn hơn, mọi thứ bỗng dừng lại và khiến chúng ta lúng túng với sự điều chỉnh tiếp theo trong tập luyện, ăn uống.
Theo huấn luyện viên Hồ Khánh Thiện (Hà Nội), đây là tình trạng khá bình thường ở những người mới tập luyện và có 4 nguyên nhân chính dẫn đến cảm giác hụt hẫng này.
Lượng calo nạp vào vẫn quá cao
Nguyên tắc cơ bản của giảm cân là năng lượng nạp vào thấp hơn phần tiêu thụ. Tuy nhiên, năng lượng tiêu thụ thường chỉ được tính toán một cách ước lượng và dễ khiến chúng ta ăn sai.
"Nhiều người hỏi tôi về vấn đề chững cân đều chia sẻ họ tính toán chỉ số TDEE (tổng calo tiêu thụ) bằng công thức trên Internet dựa trên chiều cao, cân nặng và độ tuổi. Tuy nhiên, công thức này hiện không còn đáng tin cậy. Thay vào đó, việc tính toán calo tiêu thụ bằng khối lượng cơ nạc và tỷ lệ mỡ sẽ chính xác hơn", Khánh Thiện chia sẻ.
Bạn có thể kiểm tra sự phù hợp của mức ăn hiện tại bằng cách theo dõi cân nặng và mức độ vận động của mình. Ảnh minh họa: Medical News Today. |
Nguyên nhân của sự sai lệch này đến từ thực tế các công thức trên mạng đều dựa trên người Âu Mỹ với mức độ trao đổi chất cao do gene, khí hậu lạnh và đặc trưng về lối sống. Do đó, người Việt khi áp dụng thường tính sai TDEE và đặt ra lượng ăn cao hơn mức cần thiết, dẫn đến chưa đủ thâm hụt, không thể giảm cân.
Để giải quyết tình trạng này, huấn luyện viên Khánh Thiện khuyên mọi người nên đo cường độ hoạt động hàng ngày của bản thân bằng các thiết bị, ứng dụng đếm bước chân và hoạt động thể dục. Bên cạnh đó, chúng ta cần kiểm tra lại mức calo nạp vào bằng việc theo dõi cân nặng thường xuyên và thay đổi ngay khi cần.
Lượng calo nạp vào quá thấp
Nguyên nhân này có thể khiến nhiều người bất ngờ nhưng là thực tế đã xảy ra. Cơ thể là bộ máy thông minh và có khả năng thích ứng nhanh. Việc ăn quá ít có thể không giúp bạn giảm cân, thậm chí phản tác dụng.
Khánh Thiện giải thích: "Khi bạn ăn quá ít, 'chế độ sinh tồn' sẽ được cơ thể khởi động và báo hiệu nó cần giảm mức trao đổi chất bằng cách tắt đi một số chức năng được đánh giá là không thiết yếu (như tình dục, dẫn đến giảm ham muốn), đồng thời gia tăng tích mỡ - nguồn năng lượng dự trữ lâu - để nuôi cơ thể".
Huấn luyện viên này khuyến cáo người tập không nên đẩy mức calo nạp từ thức ăn xuống quá thấp. Lượng thực phẩm phù hợp với mục tiêu giảm cân sẽ nằm trên mức BMR (chỉ số trao đổi chất - năng lượng tiêu hao khi chúng ta không làm gì) và dưới mức TDEE.
Ăn kiêng quá lâu
Ăn kiêng cũng như giữ sự thâm hụt năng lượng là cách duy nhất để giảm cân. Tuy nhiên, việc ăn kiêng trong thời gian quá dài có thể trở thành nguyên nhân khiến chúng ta chững cân, thậm chí tăng mỡ trở lại.
Ăn kiêng quá lâu có thể dẫn đến hiện tượng chững cân. Ảnh minh họa: Eating Disorders. |
Nguyên nhân là việc để cơ thể ăn ít quá lâu khiến khả năng trao đổi chất giảm, thiếu hụt năng lượng dẫn tới cảm giác thèm ăn. Đồng thời, khả năng xây dựng cơ bắp của cơ thể cũng bị suy giảm, nguy cơ dị hóa cơ bắp (cơ thể sử dụng cơ bắp làm năng lượng thay vì mỡ) cao hơn.
Đây là lý do khiến những bữa ăn hoặc ngày cheat/refeed (ăn lệch so với chế độ) rất quan trọng. Tất nhiên, ngưỡng ăn sai lệch như thế nào sẽ cần chúng ta tính toán kỹ lưỡng.
Tỷ lệ dinh dưỡng chưa phù hợp
Dù việc ăn ít ở ngưỡng thâm hụt calo sẽ giúp chúng ta giảm mỡ, khả năng giảm, kéo dài như thế nào lại phụ thuộc vào chế độ cụ thể và các chất dinh dưỡng trong đó. Theo Khánh Thiện, điều này mang tính cá nhân cao và thường nằm ở tỷ lệ tinh bột.
"Một số người béo, tỷ lệ mỡ cao, các hormone như leptin, insulin..., có độ nhạy kém dẫn đến khả năng xử lý tinh bột không tốt. Họ có thể phải bắt đầu với low carb, keto để cải thiện trong thời gian đầu. Tuy nhiên, những người stress nặng không thể cắt bỏ tinh bột bởi sẽ phản tác dụng. Tinh bột còn là giải pháp tốt giúp họ ngủ ngon hơn", huấn luyện viên này đưa ví dụ.
Ngoài ra, một số yếu tố khác như tỷ lệ mỡ, gene, lối sống, bệnh lý..., khiến chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng. Đặc biệt, việc quyết định tỷ lệ dinh dưỡng còn phụ thuộc vào chương trình tập. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên hướng đến tỷ lệ dinh dưỡng cân bằng trong tương lai dù bắt đầu với chế độ nào.