Trang National Interest giới thiệu 4 cường quốc quân sự ở châu Âu và những điểm mạnh, yếu trong lực lượng từng nước:
Nga
Nga tiếp tục giữ vững danh hiệu cường quốc quân sự hàng đầu châu Âu ngay cả khi quân đội và các căn cứ quân sự của nước này đã suy giảm đáng kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Nga vẫn duy trì kho sức mạnh hạt nhân với hàng nghìn đầu đạn, do vậy quân đội Nga vẫn là một trong những lực lượng hùng mạnh trên thế giới. Đối thủ duy nhất có thể đối trọng với sức mạnh hạt nhân của Nga là Mỹ.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M của Nga. Ảnh: NYPost |
Trong khi đó, đội vũ khí thông thường của Nga không còn hiện đại như thời Liên Xô. Quân đội Nga cũng không còn dồi dào tài chính, nhân lực và các căn cứ như trước đây. Dẫu vậy, Nga vẫn là một trong những cường quốc châu Âu duy trì tốt khả năng tự phát triển những "phần cứng" vũ khí quan trọng, từ tàu ngầm, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình đến xe tăng, máy bay chiến đấu, vệ tinh... mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Một điểm đáng chú ý nữa về quân đội Nga chính là số lượng binh sĩ hùng hậu và chuyên nghiệp.
Pháp
Pháp vẫn là một trong những lực lượng quân sự đáng nể ở châu Âu do nước này duy trì một khả năng răn đe hạt nhân hoàn toàn độc lập cùng một cơ sở công nghiệp quốc phòng tự chủ. Pháp sở hữu một đội tàu ngầm chở các tên lửa và đầu đạn tự chế tạo, phi đội máy bay ném bom Mirage 2000N và tên lửa ASMP, xe tăng chủ lực LeClerc và trực thăng Tiger. Ngoài ra, lực lượng quân đội chính quy của Pháp lên tới 215.000 quân, còn đội đặc nhiệm đã trải qua thời gian chinh chiến ở Afghanistan và Mali.
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles De Gaulle của Pháp. Ảnh: Wikipedia |
Hải quân Pháp cũng sở hữu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, quy mô lực lượng hải quân cũng lớn và mạnh hơn đối thủ truyền thống là nước Anh. Tàu sân bay của Pháp là căn cứ nổi để xuất phát của nhiều máy bay như chiến đấu cơ Rafale và máy bay không kích Super Etendard. Ngoài ra, hải quân Pháp còn có đội 6 tàu ngầm tấn công, 3 tàu tấn công đổ bộ, 21 tàu tấn công trên mặt biển.
Không quân Pháp xây dựng đội 220 máy bay chiến đấu, gồm các tiêm kích Rafale và Mirage 2000, 4 máy bay cảnh báo sớm, 14 máy bay tiếp nhiên liệu trên không và một phi đội máy bay vận tải chiến thuật.
Anh
Nước Anh đã là một lực lượng quân sự đáng gờm trên thế giới từ hàng trăm năm trước. Hải quân hoàng gia Anh thống trị trên nhiều vùng biển, quân đội Anh chiếm đóng lãnh thổ cả một vùng rộng lớn trên địa cầu. Ngày nay, sức mạnh quân sự Anh vẫn hùng hậu nhưng không còn giữ vị trí độc tôn như trước. Anh duy trì đội vũ khí hạt nhân nhưng tên lửa chủ yếu do Mỹ cung cấp.
Một tàu ngầm lớp Astute của hải quân hoàng gia Anh. Ảnh: Daily Mail |
Ngành công nghiệp quốc phòng Anh cũng không còn huy hoàng như thời xưa. Ngành hàng không Anh từng sản xuất tiêm kích Spitfire và Gloster Meteor (sử dụng trong Thế chiến 2) nay đã không còn. Thay vào đó, Anh phải trông cậy vào các đối tác ở Mỹ và châu Âu để nâng cấp kho vũ khí. Ngay cả ngành công nghiệp đóng tàu cũng không duy trì đẳng cấp hàng đầu thế giới như xưa. Trong quá trình đóng tàu ngầm lớp Astute, Anh buộc phải đề nghị sự hỗ trợ từ công ty General Dynamics (Mỹ) để hoàn thành.
Ngày nay, Anh duy trì hạm đội gồm 19 tàu tấn công mặt nước, 4 tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo, 6 tàu ngầm tấn công và một tàu đổ bộ. Tuy nhiên, Anh không có tàu sân bay nào cho đến khi các tàu sân bay lớp Queen Elizabeth hoàn thành. Hai hàng không mẫu hạm mới sẽ chở chiến đấu cơ F-35B do Mỹ chế tạo.
Quân đội Anh quy tụ những binh sĩ chuyên nghiệp và thiện chiến, trang bị xe tăng chủ lực Challenger 2 và các xe chiến đấu Warrior, máy bay vũ trang hạng nặng Apache. Còn lực lượng không quân sở hữu khoảng 220 máy bay chiến đấu, gồm 120 máy bay Typhoon và 100 máy bay ném bom Tornado, nhiều tiêm kích F-35B, các máy bay giám sát mặt đất và máy bay cảnh báo sớm. Tuy nhiên, nhìn chung, những ngày huy hoàng của quân đội Anh đã không còn.
Đức
Nền quân sự Đức chứng kiến sự suy giảm sau khi trải qua những thất bại trong các cuộc chiến hồi thế kỷ 20. Giai đoạn nước Đức còn chia cắt thành hai miền, cả hai vùng vẫn duy trì một lực lượng đáng gờm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Tây Đức có phần nhỉnh hơn Đông Đức. Sau khi hai miền thống nhất, nước Đức chỉ duy trì sức mạnh quân sự ở mức tối thiểu.
Xe tăng Leopard 2. Ảnh: Blogspot |
Tuy nhiên, Đức vẫn sở hữu nền công nghiệp quốc phòng vững chắc để chế tạo loại xe tăng tốt nhất thế giới, Leopard 2, và đang phát triển Leopard 3. Đức cũng là nước đã đóng nhiều tàu ngầm thông thường hàng đầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hàng không của Đức, vốn từng được đánh giá tốt nhất thế giới, gần như đã tan rã phần lớn sau Thế chiến 2.
Quân đội chính quy của Đức là một trong những lực lượng chuyên nghiệp và vũ trang hùng hậu. Nhưng Đức luôn hạn chế tham dự vào những chiến dịch quân sự quy mô lớn, Đức chỉ điều binh tham gia ở một số mặt trận tại chiến trường Afghanistan. Đức vẫn là một trong những thế lực quân sự chủ chốt ở châu Âu, nhưng những lý do từ lịch sử kiềm chế sức mạnh này.