Chính sách tiền lương xuất hiện từ năm 1953. Trải qua hơn 60 năm, chính sách này đi qua 4 lần cải cách.
4 lần cải cách tiền lương, 16 lần tăng lương cơ sở
Lần đầu tiên manh nha từ năm 1957 và triển khai vào năm 1960 sau khi hoàn thành cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Lần thứ hai là vào năm 1985 với cải cách “giá-lương-tiền” trước thềm đổi mới. Năm 1993 được ghi nhận là lần cải cách tiền lương lớn nhất với việc với mở rộng quan hệ tiền lương cùng hệ thống thang, bảng lương, đặt nền móng cho sự hình thành tiền lương theo quy tắc thị trường.
Lần cải cách mới nhất năm 2003 điều chỉnh một số nội dung trên nền tảng chính sách năm 1993.
Song hành với cải cách chính sách tiền lương trong 60 năm qua là 16 lần tăng của lương cơ sở.
Cũng theo báo cáo cộng đồng ASEAN của tổ chức lao động thế giới ILO, mức lương trung bình của Việt Nam, dù nhỉnh hơn Lào và Campuchia, vẫn thuộc nhóm thấp trong khu vực.
25 năm từ lần cải cách cuối cùng, mặc dù đã có nhiều cải thiện như thu gọn hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương hay đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, chính sách tiền lương hiện nay vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng 4 lần cải cách chưa thành công, hay có thể gọi là thất bại.
Còn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong bài viết của mình cũng đánh giá chính sách tiền lương sau 4 lần cải cách vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đời sống của đa số người hưởng lương còn khó khăn. Tiền lương trong khu vực doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường lao động; tiền lương trong khu vực công vẫn còn thấp so với khu vực doanh nghiệp…
2 nguyên nhân làm cải cách thất bại
Trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của những lần cải cách tiền lương trước.
Thứ nhất, vấn đề cải cách lương nhưng không đi kèm việc tinh gọn bộ máy và hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước. Ông nêu lên thực trạng, khi cải cách, số lượng biên chế không những không giảm mà còn phình to ra. Từ đó, lương trung bình phải chia nhỏ dần, khó thực hiện cải cách. “Biên chế thì cứ tăng, trong bối cảnh hạn hẹp sao mà cải cách nổi”, ông nói.
Thứ hai là vấn đề nguồn tiền để cải cách. Ngân sách trung ương và địa phương có nhiều việc phải chi, không có nhiều nguồn tiền để chi cho cải cách.
Biên chế cứ tăng, trong bối cảnh hạn hẹp thì sao mà cải cách nổi.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp
Để khắc phục 2 điểm hạn chế này, Thứ trưởng Diệp nói cải cách tiền lương phải đi kèm với tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công.
“Lần này thuận lợi ở chỗ bên cạnh cải cách tiền lương, Hội nghị Trung ương 5 trước đây đã có 2 nghị quyết về “tinh gọn bộ máy, tinh gọn biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước”, và “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Sắp xếp lại như vậy thì đội ngũ sẽ tinh giản, các đơn vị sự nghiệp tự chủ”, ông nói.
Với khó khăn về nguồn tiền cải cách, Thứ trưởng Diệp cho biết cải cách lần này có cơ chế quản lý tài chính được tiến hành song song với cải cách tiền lương.
Với lần này, dự kiến có nguồn tiền từ tăng thu ngân sách và từ địa phương. Đa phương được giữ lại 50% nguồn thu ngân sách để làm nguồn cải cách tiền lương.
Thứ trưởng Diệp cho rằng nguồn tiền để cải cách tiền lương cũng là một vấn đề quan trọng. Ảnh: Báo Công Thương. |
“Như vậy giải quyết được cả số lượng con người và cả về tiền. Tiền mà dùng cho cải cách năm nay không hết thì được dùng cho năm sau. Những cái mắc trước kia về biên chế và bộ máy, nguồn kinh phí, trong đề án này đã có, hy vọng là có thể cải cách thành công”, ông nói.
Chính sách bảo hiểm “phòng ngừa”
Với chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), những tồn tại được Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chỉ ra là diện bao phủ hẹp, chính sách chưa hợp lý.
Hiện nay, BHXH diện bao phủ rất hẹp, chỉ đạt 29%. Trong khi đó rất nhiều đối tượng có nhu cầu tham gia, khả năng tham gia không được quy định vào trong luật. Ông lấy ví dụ như người điều hành doanh nghiệp, những người làm cho hợp tác xã, người tự do kinh doanh…
Ngoài ra, những thiết kế trong chính sách BHXH vẫn chưa hợp lý.
“Ví như lương hưu, có người nhận đến 100 triệu đồng, có người nhận 1,3 triệu đồng/tháng. Mỗi lần điều chỉnh lương, như tăng 7%, lại làm cho khoảng cách lớn ra. Người 100 triệu đồng thì thêm 7 triệu đồng, trong khi người nhận 1,3 triệu đồng chỉ tăng thêm 91.000 đồng/tháng. Thiết chế đó, vì thế không hợp lý”, ông nói.
Thứ trưởng Diệp cho rằng cần có chính sách "phòng ngừa" khi cải cách bảo hiểm xã hội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thứ trưởng Diệp nhấn mạnh lần cải cách này phải chú trọng nguyên tắc đóng - hưởng. Có đóng, có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Ông cũng cho rằng cần có các chính sách, nguyên tắc chia sẻ chính trong số những người hưởng lương hưu.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay mới nặng về giải quyết hậu quả, thiếu phòng ngừa, giảm thiểu.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp
Ông cũng chỉ ra chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay mới nặng về giải quyết hậu quả. Ví dụ, quỹ chỉ chi trả trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp, chứ chưa có chính sách nào để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.
“Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để họ không sa thải, duy trì việc làm, tuyển dụng những lao động thất nghiệp dài hạn mà khó tìm việc làm… Rồi cũng phải tính đến sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách. Nếu chính sách bảo hiểm thất nghiệp duy trì hỗ trợ người lao động có việc làm, tránh sa thải những người trên 35 tuổi trở lên, để chính những lao động khi có việc, họ lại đóng bảo hiểm, từ đó bảo hiểm được duy trì, hỗ trợ lại cho chính quỹ bảo hiểm”, ông chia sẻ.