Nghề săn trùn đất khởi đầu dọc sông Trường Giang của huyện Núi Thành. Từ một vài người ban đầu, dần dà đến nay có cả trăm người của huyện Núi Thành theo nghề này. Hiện trùn ở Núi Thành ngày một cạn kiệt, người làm nghề này phải mở rộng địa bàn đến các huyện lân cận, thậm chí ra cả tỉnh ngoài.
Chúng tôi may mắn được một nhóm thợ săn trùn đất cho đi theo một chuyến vào Quảng Ngãi. Sau khi chuẩn bị đồ nghề kỹ càng, nhóm gồm 5 người ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, phóng xe vào sông Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Đồ nghề chỉ là chiếc xẻng dài chưa đầy 1 mét, cái xô nhỏ thắt ngang lưng, và túi nylon lớn để đựng trùn.
Đào bắt trùn đất ở huyện Núi Thành, Quảng Nam. |
Anh Nguyễn Hải Triều (45 tuổi), người có thâm niên hơn chục năm trong nghề, cho biết: "Công việc này tương đối khỏe, những lúc rảnh rỗi, việc đồng áng xong, chỉ cần vài giờ đồng hồ là có tiền ngay. Dân chúng tôi vẫn gọi đó là nghề, bởi nhờ nó mà không ít người có của ăn, của để. Nhiều người đi làm công nhân ở xa quyết về quê "cắm sào" để theo nghề săn trùn. Loại trùn này có rất nhiều tên gọi- trùn đất, trùn sông, sâm đất, sá sùng...
Thời điểm đi săn trùn bắt đầu từ tháng Chạp kéo dài đến tháng 8, nhưng 3 tháng đầu người dân chủ yếu săn vào ban đêm. Trùn đất tập trung ở những nơi nhánh sông nước lợ, gần cửa biển. Trong vòng 1 tháng, nhóm thợ săn đi khoảng 10-15 ngày, và mỗi lần chỉ đào từ 3-5 tiếng đồng hồ.
Anh Triều chỉ những lỗ kim trên mặt cát nói: "Đây là hang trùn". Và anh dùng xẻng xúc mấy xẻng đất chỗ "hang", lôi lên những con trùn đất dài mọng. Anh chỉ dẫn: "Mình phải nhanh tay để trùn không lủi đi chỗ khác, những người tay ngang không dễ chi bắt được. Khi lôi trùn lên động tác phải mềm mại nếu không trùn sẽ bị đứt đoạn..."
Anh Dương Đình Ngọn 43 tuổi, một dân săn trùn, cho biết: "Trước kia, trùn nhiều mà người đi đào ít nên chưa đầy một buổi có thể bỏ túi cả triệu đồng. Hiện nay trùn khan hiếm dần, nhưng bù lại giá cao ngất ngưởng, nên rảnh rang là chúng tôi kéo nhau đi đào kiếm thu nhập. Nghề này cũng mang tính hên xui, lúc trúng có thể đào hơn chục ký nhưng cũng có hôm đi chỉ đủ tiền xăng xe. Anh em còn cơm áo ra tận Đà Nắng, Huế để đào trùn".
Theo chân các thợ săn khoảng 4 giờ đồng hồ, ai cũng mướt mồ hôi, nhưng bù lại ai cũng trúng đậm. Mỗi người bắt được trên dưới 10kg trùn tươi. Anh Ngọn nói thêm, khoảng chục ký trùn tươi này đem về huyện Núi Thành, có thương lái đến nhà thu mua ngay với giá dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Trùn được các thương lái mua rồi đem phơi khô, xuất bán ra Hà Nội với giá khoảng 1 triệu đồng/kg để làm thuốc Đông y, vì loại trùn này rất có công dụng "ông ăn bà khen", bồi bổ sức khỏe".