Tòa tháp 102 tầng PVN Tower
Được bình chọn là một trong những dự án nổi bật nhất năm 2010, đến nay, sau 4 năm, tòa nhà PVN Tower do tập đoàn Đại Dương và tổng công ty Xây lắp dầu khí hợp tác đầu tư xây dựng vẫn còn là bãi đất hoang. Trong ảnh: Tòa tháp PVN Tower hoành tráng trên phối cảnh thiết kế và thực tế hiện tại (ảnh chụp vào tháng 9/2014). |
Trước đó, vào năm 2010, hai đơn vị nói trên đều công bố những số liệu “khủng” về công trình dự kiến sẽ “vượt mặt” tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay là Keangnam. Tòa nhà ban đầu dự kiến cao 102 tầng, vốn đầu tư là hơn 1 tỷ USD, do 3 kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thiết kế. Sau đó không lâu, lãnh đạo cao nhất tại Petro Việt Nam công bố sẽ rút khỏi dự án nói trên, theo chỉ đạo từ Chính phủ liên quan đến việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn Nhà nước. Nhưng thực tế hiện tại, trong khi hàng loạt dự án khác cùng địa bàn đã và đang hoàn thiện, thì chủ đầu tư tòa tháp này vẫn "dậm chân tại chỗ". Trong ảnh: Thiết kế hoành tráng của PVN Tower và thực tế cỏ dại mọc trên khu đất lẽ ra là nơi thực hiện dự án. |
Rồi đến tháng 3/2011, chủ đầu tư tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng để được “cắt ngọn” tòa nhà, từ 102 tầng xuống chỉ còn 79 tầng, đồng thời giảm số tiền đầu tư từ 1 tỷ USD xuống còn 600 triệu USD. Theo kế hoạch, dự án sẽ động thổ năm 2011 và hoàn thiện vào năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những gì có thể thấy ở dự án “khủng” cả về quy mô lẫn số tiền đầu tư này vẫn chỉ là một bãi đất trống, được quây tạm bợ bằng tôn, cỏ dại mọc xanh rì. Trang web chính thức của PVC - chủ đầu tư tòa nhà PVN cũng không truy cập được. |
Khách sạn 5 sao Lotus - siêu dự án tỷ đô
Cũng trong năm 2010, tập đoàn Kinh Bắc của đại gia Đặng Thành Tâm tuyên bố xây dựng dự án khách sạn 5 sao. Khách sạn mang tên Lotus với chiều cao lên đến 400 mét nếu được xây dựng xong sẽ là đối thủ cạnh tranh với tòa Keangnam và PVN Tower. Theo thông tin từ đơn vị đầu tư, phần diện tích xây dựng lên tới hơn 19.000 m2, tổng diện tích sàn là 640.000 m2. Trước đó, dự án này do tập đoàn của Nhật Bản làm chủ đầu tư với số vồn 500 triệu USD. Về sau, đơn vị đầu tư gặp khó khăn về tài chính, dự án được chuyển giao cho tập đoàn Kinh Bắc. Từ 15 tầng theo thiết kế ban đầu, dự án nâng lên 35 tầng và sau đó được đề xuất lên 100 tầng với số vốn khoảng 1 tỷ USD. Dự kiến, dự án này sẽ được khởi công vào quý I/2011 và hoàn thiện vào năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu đất dự kiến sẽ mọc lên tòa nhà 100 tầng đang mọc đầy… rau muống. Nhìn từ trên cao, thay vì độ hoành tráng của tòa nhà 100 tầng cao nhất Việt Nam là một màu xanh rì của rau muống, cỏ dại. Trong ảnh là thiết kế dự án khách sạn Lotus theo phương án của công ty Foster + Partners và thực tế hiện nay, phần đất dùng để làm nơi trồng... rau muống (ảnh chụp vào tháng 9/2014). |
Tòa tháp 400 triệu USD của VietinBank
Với số vốn đầu tư lên đến 400 triệu đôla Mỹ, dự án tòa tháp VietinBank tại khu đô thị Ciputra tại quận Tây Hồ (Hà Nội) được cho là tổ hợp tài chính ngân hàng, khách sạn đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tổ hợp công trình nói trên có 2 thòa tháp: một cao 68 tầng, là trụ sở chính của ngân hàng Công thương (VietinBank), một cao 48 tầng là khu tổ hợp của khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp cho thuê. Điểm nhấn của công trình này là quán bar kim cương trên nóc tòa nhà và thiết kế các tầng phía trên theo hình chữ V - biểu trưng của VietinBank. Ngân hàng Công thương cũng chính là chủ đầu tư dự án. |
Được khởi công năm 2010, VietinBank Tower dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014 và trở thành tòa nhà cao thứ hai Hà Nội, sau Keangnam. Tuy vậy, đến thời điểm này, sau gần 4 năm thi công, công trình này vẫn đang ngổn ngang, dang dở. Trong ảnh là phối cảnh tòa tháp và thực tế hiện tại. |
Dự án BIDV Diamond tại “đất vàng” Phạm Hùng
Tháp BIDV Diamond nằm trên khu đất rộng hơn 3.300 m2 tại đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Chủ đầu tư là ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Dự kiến sau khi hoàn thiện, BIDV Diamond sẽ có 4 tầng hầm và 30 tầng là khu tổ hợp chung cư cao tầng. Thời điểm chủ đầu tư công bố quy mô dự án năm 2002 đã gây được ấn tượng mạnh trên thị trường bởi quy mô cũng như độ “chịu chơi” của đơn vị đầu tư là ngân hàng BIDV. Tính đến thời điểm hiện tại, BIDV Diamond Tower đã có 12 năm nằm “đắp chiếu”. Dự án nói trên cũng vừa lọt vào danh sách những công trình lọt vào “tầm ngắm” thu hồi, theo thông tin công bố từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mới đây. Trước đó, đã nhiều lần các cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư cần nhanh chóng đưa vào thực hiện dự án nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Thời điểm hiện tại, công trình này vẫn chỉ nằm trong… kế hoạch. Mảnh đất vàng rộng hơn 3.000 m2 hiện nay trở thành nơi trông giữ xe tạm thời. |