Về lâu dài, những cách đối phó thường thấy dưới đây gây hại nhiều hơn là lợi. Ảnh: Getty Images. |
Khi gặp những người đang phải đối phó với đồng nghiệp khó chịu, Amy Gallo rất thích hỏi: Bạn sẽ làm gì với đồng nghiệp đó nếu bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn? Trong quá trình nghiên cứu và viết cuốn sách Tạo dựng mối quan hệ hòa hợp: Cách để làm việc với bất kỳ ai (kể cả những người khó chịu), Amy Gallo - tác giả sách và là người viết trên Harvard Business Review - có cơ hội hỏi hàng chục người câu hỏi trên.
Có rất nhiều câu trả lời khác nhau, từ thực tế đến giải trí đến một chút đáng sợ (có rất nhiều người muốn đấm vào mặt người đồng nghiệp khó chịu đó). Nhiều người mơ tưởng về việc bỏ việc đột ngột. Những người khác chỉ muốn nói thẳng với đồng nghiệp cảm giác của họ mà không cần dùng lời lẽ thô thiển.
Trong những câu trả lời đưa ra, có nhiều chiến thuật thực sự sẽ hiệu quả nhưng cũng có một số chiến thuật kém hiệu quả hơn.Tránh những cách đối phó phổ biến dưới đây sẽ giúp bạn không làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Kìm nén cảm xúc
Khi bạn cảm giác như bạn đã thử mọi cách để đối phó với người đồng nghiệp khó chịu kia, những người bạn và đồng nghiệp khác có thể khuyên bạn hãy mặc kệ người kia đi. Đây là lời khuyên tốt nếu bạn thực sự ngó lơ người đồng nghiệp đó và tiếp tục cuộc sống của mình.
Nhưng khi chúng ta nghĩ mình sẽ không làm gì về tình trạng này thì thực ra ta sẽ làm rất nhiều việc, cho dù đó là làm rối tung mọi thứ lên, phàn nàn không ngừng với người yêu hay trở nên hung hăng thụ động. Vậy nên, kìm nén cảm xúc hiếm khi hữu ích.
Trên thực tế, nhà tâm lý học Susan David viết: “Kìm nén cảm xúc và quyết định không nói gì khi bạn buồn có thể dẫn đến kết quả tồi tệ”. Cô ấy giải thích nếu bạn không chủ động bày tỏ cảm xúc của mình, chúng có khả năng bộc phát ở những nơi không mong muốn.
Các nhà tâm lý học gọi đây là sự rò rỉ cảm xúc. David chia sẻ: “Bạn đã bao giờ quát tháo vợ chồng hoặc con mình sau ngày làm việc mệt mỏi chưa? Dù sự bực tức đó không liên quan gì đến người thân cả? Khi bạn kìm nén cảm xúc, bạn có thể bộc lộ cảm xúc theo những cách không chủ ý".
Kìm nén cảm xúc còn có thể dẫn tới trí nhớ kém, các mối quan hệ rạn nứt và chi phí sinh lý (chẳng hạn để chữa trị vấn đề sức khỏe tim mạch).
Caroline Webb, tác giả cuốn sách Làm thế nào để có một ngày tốt lành, chỉ ra rằng mặc dù ý bạn giả vờ không bực bội với đồng nghiệp khó tính có lẽ vì muốn duy trì mối quan hệ, họ vẫn cảm nhận được sự tức tối của bạn.
Nghiên cứu chỉ ra nếu bạn che giấu sự tức giận hoặc thất vọng, huyết áp của những người xung quanh cũng có khả năng tăng cao. Họ có thể không biết chính xác những gì bạn đang nghĩ, nhưng họ vẫn cảm nhận được căng thẳng ẩn giấu.
Trả đũa
Nếu đồng nghiệp mỉa mai ý tưởng của bạn rất nhiều, tại sao bạn không gạt bỏ ý tưởng của họ mỗi khi họ đề xuất điều gì đó mới? Thật không may, hạ mình cùng cấp độ của họ là cách không hiệu quả. Việc trả đũa thường khiến bạn trông xấu xa hoặc tệ hơn vì nó vi phạm các quy tắc giá trị của bạn.
Để tránh nảy sinh mong muốn trả thù, hãy kiên định với cách cư xử phù hợp với giá trị bản thân. Hãy xem xét các giá trị chung và xem giá trị nào phù hợp với bạn, liệt kê chúng theo thứ tự quan trọng. Khi bạn lên kế hoạch về cách bạn muốn đối phó với người sếp tự ti hoặc đồng nghiệp thiên vị, đảm bảo rằng các chiến thuật bạn sử dụng phù hợp với danh sách giá trị bạn đề ra.
Có một số chiến thuật chúng ta thường làm khi gặp đồng nghiệp xấu tính, nhưng chúng chỉ xoa dịu trong thời gian ngắn và gây hại cho chúng ta nhiều hơn. Ảnh Pexels/Mart Production. |
Sỉ nhục đồng nghiệp
Khi ai đó chọc tức cô Amy Gallo, cô thường mơ tưởng về việc gửi email cho tất cả người quen biết để vạch trần bộ mặt thật của họ. Theo logic sai lầm đó, nếu người đồng nghiệp kia bị sỉ nhục đến mức nào đó, họ sẽ buộc phải thay đổi.
Bà Brené Brown phân biệt giữa xấu hổ và tội lỗi như sau. Cảm giác tội lỗi rất hữu ích, nó kiềm chế những việc làm trái với giá trị của bạn.
Sự xấu hổ là cảm giác hoặc trải nghiệm đau đớn tột độ khi tin rằng chúng ta là sai lầm và không xứng đáng để yêu thương.
Do đó, bà không tin rằng việc sỉ nhục là cách hiệu quả, thậm chí có thể là nguồn gốc của hành vi phá hoại, gây tổn thương.
Làm cho đồng nghiệp cảm thấy như thể họ là người xấu, gán cho họ cái nhãn kẻ xấu tính không cải thiện mối quan hệ của bạn.
Hy vọng đồng nghiệp sẽ rời đi
Nhiều người mong chờ đồng nghiệp bị sa thải hoặc chuyển việc. Ông Bob Sutton, tác giả cuốn Quy tắc nói không với lũ khốn chốn công sở, cảnh báo đôi khi loại bỏ một đồng nghiệp khó chịu không thay đổi được vấn đề cốt lõi, đặc biệt nếu hành vi đáng ghét của đồng nghiệp được văn hóa tổ chức chấp thuận.
Ông nói, trong trường hợp đó, thứ cần phải thay đổi là “hệ thống khen thưởng, cách tổ chức cuộc họp và áp lực mà mọi người phải chịu”.
Cách đây vài năm, trưởng phòng nhân sự của một công ty bảo hiểm y tế muốn cô Amy Gallo huấn luyện nhân viên của họ về cách đối thoại trong tình huống khó khăn. Cô giải thích rằng công ty có nền văn hóa thứ bậc và mọi người gặp khó khăn trong việc thể hiện ý kiến.
9 năm trước, họ thực hiện cuộc khảo sát cho thấy các nhân viên cảm thấy đây là một môi trường rất “độc đoán và kiểm soát”. Các giám đốc điều hành đã đưa ra một số sáng kiến thay đổi văn hóa và thuê các nhà lãnh đạo mới, những người được biết là có phong cách hợp tác và ít chuyên quyền hơn. Nhưng khi tiến hành khảo sát văn hóa một lần nữa, họ nhận được kết quả gần như y hệt.
Đôi khi vấn đề là do hệ thống tổ chức khuyến khích sự thù địch hơn là hợp tác. Và rất khó để thay đổi cả hệ thống. Ước mơ đồng nghiệp khó tính của bạn bước ra khỏi cửa có thể trở thành hiện thực, nhưng không có gì đảm bảo văn hóa công ty sẽ thay đổi hoặc bạn sẽ hòa hợp với người thay thế họ.
Cô Amy Gallo khuyên ta nên tham khảo ý kiến của sếp, bạn bè hoặc đồng nghiệp chung đưa ra giải pháp khả quan hơn. Hãy nhớ rằng: Ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.