2017 chứng kiến sự xuất hiện rầm rộ của các dòng TV OLED với thiết kế siêu mỏng, cũng là năm đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của dòng TV này với hàng loạt sản phẩm đình đám từ LG, Sony hay Panasonic.
Thực tế, phải mất vài năm để công nghệ mới mẻ này trở nên ngày một phổ biến và đánh chiếm nhóm TV cao cấp. Vậy đâu là điểm nhấn của các dòng TV OLED?
Thiết kế đột phá
Với bất cứ một sản phẩm nào, thiết kế chính là một trong những yếu tố đầu tiên đánh vào quyết định chọn mua của người dùng. Về thiết kế, TV OLED thực sự tỏ ra vượt trội so với đối thủ, ít nhất trong năm vừa qua.
Lấy chiếc Signature W của LG làm ví dụ. TV này được thiết kế dạng dán tường (wallpaper) với độ mỏng chỉ 2,57 mm, tương đương với 2 đồng xu hoặc 4 chiếc thẻ tín dụng xếp chồng lên nhau.
Thiết kế mỏng giúp Signature W trông giống một bức tranh khi treo lên tường. |
Đúng như tên gọi của nó, người dùng có thể dễ dàng dán lên tường, dùng hệ thống dây nối tất cả-trong-một khá đơn giản, tạo ra sự đơn giản, tinh tế cho căn phòng hoặc sử dụng một bộ chân đế có sẵn để đặt bất cứ đâu.
Mỏng 2,57 mm, có thể uốn cong để dán tường khiến chiếc Signature W trở thành một trong những TV độc đáo nhất hiện nay. Ảnh: Chanel Post MEA. |
Ngoài Signature W, chiếc Bravia A1 của Sony cũng chỉ có độ mỏng khoảng 4 mm, sử dụng chân đế như một chiếc khung ảnh rất độc đáo.
Rõ ràng so với những chiếc TV truyền thống, các mẫu TV OLED hiện nay đang phá vỡ mọi giới hạn về độ mỏng cũng như cách sắp đặt trong phòng khách.
Chất lượng hiển thị ấn tượng
Từ lâu, OLED nổi bật với khả năng hiển thị màu đen sâu nhất nhờ sử dụng các điểm ảnh tự phát sáng. Các điểm ảnh này có thể bật hoặc tắt để cho ra màu đen sâu hơn 200 lần so với màu đen trên TV LED/LCD.
TV OLED cho khả năng hiển thị ấn tượng. |
Trên các mẫu TV OLED thế hệ mới, tất cả dải màu đều được mở rộng hơn, độ sắc nét cao hơn cho dù bạn xem từ góc độ nào.
Sau nhiều năm, đây vẫn là điểm mạnh của TV OLED mà các dòng TV khác chưa bắt kịp.
Giá ngày một giảm
Những năm trước đây, nói đến TV OLED người ta nghĩ ngay đến các sản phẩm có giá cả trăm triệu đồng. Giá thành cao là rào cản lớn khiến dòng TV này khó tiếp cận với nhóm người dùng phổ thông.
Bên cạnh những mẫu TV siêu cấp có giá cả trăm triệu, người dùng vẫn có thể chọn mua một số TV OLED giá khoảng 50 triệu đồng. |
Tất nhiên, những tùy chọn này vẫn còn nguyên, chẳng hạn Signature W giá 300 đến 650 triệu, Bravia A1 giá 100 triệu, Panasonic EZ1000 giá 100 triệu, nhưng người dùng đã có thể chọn những model có giá hợp lý hơn như mẫu LG G9 55 inch giá 40 triệu, C7 giá 57 triệu.
Dự kiến, giá của TV OLED sẽ ngày một rẻ hơn trong tương lai gần, mang đến nhiều lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm này so với TV LED và LCD.
Giao diện thân thiện
Smart TV bị chỉ trích khá nhiều trong các năm trước vì các tính năng chưa đủ thông minh. Tuy nhiên, trong các bản nâng cấp gần đây, có thể thấy LG cực kỳ chú trọng cho WebOS, khiến giao diện này trở nên thuận tiện, trực quan hơn hẳn.
TV OLED 2017 sử dụng WebOS 3.5. |
Với WebOS 3.5 sử dụng trên các dòng TV OLED 2017, chiếc remote có thể vận hành linh hoạt không kém con chuột điều khiển máy tính là bao. Việc truy cập các ứng dụng phổ biến như YouTube, Netflix hay duyệt web cũng thân thiện hơn rất nhiều.