Tết Nguyên đán là dịp lễ hội quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Ảnh: Phương Lâm. |
Với người Việt, Tết Nguyên đán là dịp lễ hội quan trọng nhất. Đây là cơ hội để mọi thành viên trong gia đình gác lại công việc, cùng tề tựu, sẻ chia và chăm sóc lẫn nhau.
Bên cạnh đó, những hoạt động ngày Tết còn có ý nghĩa tâm linh, giúp mang lại may mắn, bình an cho mỗi cá nhân trong năm mới.
Để hiểu thêm về Tết Nguyên đán, Zing News giới thiệu một số đầu sách giúp độc giả có cái nhìn sâu hơn vào phong tục, tập quán và nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Hội hè lễ Tết của người Việt
Đây là tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của cố học giả Nguyễn Văn Huyên về lễ-tết-hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống.
243 trang sách sẽ giúp bạn đọc cảm nhận được Tết có một ý nghĩa thiêng liêng với người Việt. Những hoạt động, phong tục truyền thống như lễ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp, đón Tết, vui Tết, suy nghĩ của người dân về Tết… được tác giả kể lại một cách chi tiết và thi vị.
Bên cạnh đó, sách cũng cung cấp thông tin một cách khoa học về các dịp Tết khác của Việt Nam như Thanh minh, Đoan ngọ, Trung thu.
Những nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Huyên cho thấy Việt Nam là một nền văn minh với những giá trị riêng, không sao phỏng hay cần được khai hóa từ bất kỳ một nền văn minh nào khác.
Do vậy, dù đã ra đời được 70 năm, quyển sách vẫn phù hợp với độc giả ngày này.
Tết Việt Nam xưa
Tết Việt Nam xưa được PGS Nguyễn Mạnh Hùng (Viện Nghiên cứu Việt Nam học) sưu tầm và lưu giữ trong nhiều năm qua.
Cuốn sách tập hợp bài viết của nhiều học giả như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet, Georges Pisier, Nguyễn Tiến Lãng, Mạnh Quỳnh…
200 trang sách được chia thành 3 phần chính: Nghi lễ Tết, Phong tục Tết và Thú chơi Tết. Đặc biệt, các bài viết được minh họa bằng hơn 50 bức tranh Tết với phong cách mỹ thuật dân gian đặc sắc, sống động.
Qua đó, Tết Việt đã hiện lên đầy màu sắc trong tâm cảm của người Việt Nam, trong con mắt của các du khách, nhà truyền giáo nước ngoài, dưới nhãn quan của nhà sử học Pháp và Việt Nam.
Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!
Tác phẩm tập hợp nhiều mẩu truyện tranh 4 ô, xoay quanh câu chuyện của một gia đình phố thị về quê ăn Tết. Đan xen vào đó là những hoạt động gặp gỡ họ hàng, đi biếu quà Tết, nấu bánh chưng, hỏi han chúc Tết...
Thoạt nghe, bạn dễ cảm thấy nội dung này đã quá quen nhàm. Song, tác giả Mèo Mốc đã khéo léo lồng ghép những yếu tố rất gần gũi với người trẻ: mua sắm trực tuyến, săn sale Tết hay tình huống đối phó với lời thăm hỏi “bao giờ lấy chồng” gây bối rối.
Không chỉ tái hiện lại câu chuyện ngày lễ cổ truyền thông qua góc nhìn của những đứa trẻ, Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! còn là một cuốn sổ tay sinh động về văn hóa ăn Tết của người Việt.
Cuối mỗi chương truyện, tác giả đều dành 2-3 trang để các nhân vật tìm hiểu phong tục truyền thống. Đây cũng chính là yếu tố giúp quyển sách này không đơn thuần để giải trí, mà còn giúp độc giả hiểu và yêu hơn truyền thống văn hóa nước nhà.
Sách Tết Quý Mão
Sách Tết Quý Mão là tuyển tập văn, thơ và họa phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng đương đại tại Việt Nam. Điểm đặc biệt của quyển sách này là hướng đến độc giả ở mọi lứa tuổi.
Nội dung sách có kết cấu 6 phần, các tác phẩm được chia theo từng chủ đề nghệ thuật: Văn, Thơ, Nhạc, Họa và hai phần “Khúc dạo đầu” và “Vĩ thanh”.
Ấn phẩm đưa bạn đọc về với Tết của những ngày xưa cũ.
Chẳng hạn, ở phần đầu, tác giả Xuân Phượng kể lại ký ức khám phá phong tục đón Tết xưa trong gia đình hai vị quan nhà Nguyễn ở Huế, Phan Rí.
Còn trong Theo bà nội về quê ăn Tết, tác giả Nguyễn Thị Minh Thái kể lại những ngày đón Tết ở Hà Đông và nước Nga xa xôi. Trải nghiệm gói bánh chưng, chơi tam cúc của các cây bút Ý Nhi, Trung Sỹ cũng giúp tái hiện phong tục đẹp ngày Tết.
Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội như nỗi niềm đón Tết của những người tha hương hay đón Tết khi thất nghiệp do dịch bệnh cũng được các tác giả tái hiện qua từng trang sách.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.