Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, nguy cơ lây nhiễm cao, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra 11 nội dung yêu cầu, chỉ đạo cần triển khai tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch chiều 9/3.
Theo ông Chung, cả nước nói chung và Hà Nội đang bước vào giai đoạn thách thức, phức tạp hơn, có nhiều diễn biến khó lường.
Lãnh đạo rời Hà Nội phải báo cáo
Thứ nhất, tất cả cá nhân và đoàn công vụ có lịch công tác nước ngoài hay đi theo diện giấy mời của các tổ chức quốc tế phải tạm dừng. Trường hợp đặc biệt phải được Thủ tướng đồng ý mới được đi.
Hai là 100% cán bộ công chức từ phường xã cho đến các sở, ngành phải túc trực cho công tác phòng chống dịch, luôn mở điện thoại và lên đường ngay khi được yêu cầu.
“Các lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành khi rời Hà Nội phải báo cáo lãnh đạo thành phố”, ông Chung yêu cầu. Theo ông, đây là giai đoạn rất quan trọng, việc lãnh đạo, chỉ đạo cần nhanh, chặt chẽ và thận trọng.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: KTĐT. |
Thứ ba, Chủ tịch Hà Nội đề nghị giảm tối đa các hội nghị không cần thiết, không tổ chức các cuộc họp đông người.
Thứ tư, giao Sở Nội vụ và Cơ quan thi đua khen thưởng tổ chức biểu dương, khen thưởng người dân ở các cơ quan, đơn vị, tổ dân phố có việc làm tốt trong phòng, chống dịch nhằm động viên, khích lệ tinh thần.
Năm là yêu cầu tất cả trụ sở, cơ quan trên toàn TP trang bị đủ nước sát trùng, rửa tay và yêu cầu những người đến trụ sở trước khi vào làm việc phải sát khuẩn, rửa tay. Các trường học cũng phải chuẩn bị nội dung này.
Sáu là Sở Y tế chủ trì phối hợp Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương bố trí cách ly các ca tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh theo đúng quy định, có thể đưa vào cách ly ở các bệnh viện Trung ương để giảm tải cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
“Như vừa qua, mới có 4 ca trên địa bàn Hà Nội mà có 800 người phải cách ly. Bài học thực tiễn khác ở Vũ Hán là bệnh viện dã chiến phải lấy hết các trụ sở, cơ quan cũng không xuể, nên vẫn phải cách ly tại nhà. Vì thế, nhận thức của người dân rất quan trọng”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Rút kinh nghiệm từ ca thứ 17, khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, cô gái tìm đến bệnh viện đã cho lái xe chở đi khiến lây nhiễm cho cả tài xế, ông Chung yêu cầu khi có dấu hiệu dịch bệnh phải gọi đến cơ sở y tế và di chuyển bằng xe cấp cứu.
Tuyệt đối không nể nang trong cách ly
Thứ bảy, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu rà soát, kiểm tra số cách ly tập trung đã đủ 14 ngày và có kết quả âm tính để cho về gia đình. Nhưng sau khi về vẫn phải hướng dẫn họ giữ vệ sinh, ăn uống đảm bảo, vì vẫn có xác suất đến ngày 27 mới phát bệnh.
Hà Nội vừa tiến hành cách ly, vừa phun khử khuẩn ở các khu phố có người nhiễm Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tám là yêu cầu các đơn vị có số hành khách thuộc diện phải cách ly trên chuyến bay VN0054 giám sát chặt chẽ, yêu cầu những người này phải cách ly nghiêm túc.
Theo ông Chung, qua báo cáo cho thấy có một số trường hợp cách ly không nghiêm túc, vẫn đi ra khỏi nhà. Vì vậy, cần thông báo để người dân cùng giám sát, không để người trong diện cách ly tại gia đi ra khỏi nhà.
“Giai đoạn này rất dễ phát bệnh nên không chủ quan được. Tuyệt đối chính quyền phường không được nể nang, phải giải thích cho mọi người nguy cơ cho chính mình, gia đình và xã hội”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu.
Chín là đảm bảo việc cung ứng thực phẩm, đáp ứng nhu yếu phẩm cho những người bị cách ly. Đặc biệt, cơ quan chức trách chuẩn bị nguồn hàng, không để thiếu thực phẩm cung cấp cho dân.
Nội dung thứ mười chủ tịch thành phố đề cập là yêu cầu tất cả chủ tịch quận, huyện kêu gọi người dân trên toàn địa bàn dọn vệ sinh nhà cửa, khu phố vào thứ 7, chủ nhật, để đảm bảo môi trường sống sạch sẽ.
Cuối cùng, ông Chung yêu cầu các cơ sở y tế có khu khám riêng cho người có biểu hiện nhiễm Covid-19. Nhắc lại ca thứ 17 đến khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc khiến gần 20 nhân viên y tế tại đây phải cách ly, Chủ tịch Hà Nội phê bình bệnh viện này không chấp hành nghiêm yêu cầu dù thông tin tuyên truyền rất nhiều.
Ông Chung cho biết tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 9/3, Bộ Y tế phê bình Bệnh viện Hồng Ngọc chủ quan, thiếu trách nhiệm trong phòng dịch. Từ đó ông đề nghị các cơ sở y tế công lập và cả tư nhân phải chấp hành nghiêm, kiểm tra và xử lý những nơi có vi phạm.