Cosa Nostra
Cosa Nostra từng giữ ngôi vị số một trong giới "hắc đạo" Italy. Ảnh minh họa. |
Cosa Nostra là tổ chức tội phạm bí mật của người Sicily. Nó hình thành vào giữa thế kỷ 19 ở đảo Sicillia, miền nam Italy. Tuy nhiên, hậu duệ của tổ chức này năng nổ tìm kiếm vùng đất mới để "lập nghiệp" và làm cho danh tiếng cũng như sức ảnh hưởng của nó nhanh chóng lan rộng khắp đất nước và ra toàn thế giới. Cosa Nostra từng giữ ngôi vị số một trong giới "hắc đạo" Italy.
Cosa Nostra là một liên minh lỏng lẻo giữa các nhóm tội phạm có chung một cấu trúc và quy tắc ứng xử. Mỗi nhóm của tổ chức này được biết đến như một "gia đình", "gia tộc" hoặc "cosca". Chúng tuyên bố chủ quyền trên một vùng lãnh thổ, thường là một thị trấn hay khu phố của một thành phố lớn. Các thành viên của tổ chức xã hội đen kiểm soát Sicillia bằng "pizzo". Đây là một loại "thuế" mà giới kinh doanh phải đóng để được yên thân. Ngoài thu thuế bảo kê, Cosa Nostra làm giàu nhờ buôn bán vũ khí, ma túy và vươn vòi bạch tuộc vào thị trường bất động sản...
Sau khi chế độ độc tài Mussolini sụp đổ, Mỹ và quân đồng minh chiếm đóng Italy. Quân đội Mỹ sử dụng Cosa Nostra để liên lạc trong giai đoạn nội chiến Italy (1943-1945). Thậm chí, đám ô hợp xã hội đen còn được Mỹ giao vũ khí kèm theo trọng trách bảo vệ các bến cảng và cơ sở của Mỹ khỏi bị quân phát xít phá hoại. Đây là bước ngoặt lớn đối với tương lai của tổ chức xã hội đen Cosa Nostra trên đất Italy.
Khi "đủ lông đủ cánh", Cosa Nostra thoát khỏi sự kìm kẹp của Mỹ và lao vào các hoạt động tội phạm. Từ việc thu tiền bảo kê, buôn bán hàng cấm, kinh doanh mại dâm, buôn ma túy tới kinh doanh ô tô, bất động sản… đều được các tổ chức Cosa Nostra thực hiện nhằm thu lợi nhuận. Thậm chí, những tổ chức mafia Italy còn ấp ủ giấc mộng buôn bán ma túy trên phạm vi toàn cầu bởi những khoản lợi nhuận khổng lồ mà nó mang lại.
Khi lớn mạnh tới mức cực thịnh, các tổ chức mafia Italy còn thâu tóm cả chính trị, mua chuộc quan chức để thỏa sức lộng hành trên khắp lãnh thổ Italy. Tuy nhiên, chính việc "coi trời bằng vung", sẵn sàng hạ sát những người chống đối, bao gồm cả cảnh sát và thẩm phán chính là nguyên nhân khiến Cosa Nostra bị lên án, tẩy chay và mất dần vị thế tổ chức khét tiếng nhất trong thế giới ngầm.
‛Ndrangheta
Cảnh sát Italy bắt tên đầu sỏ của băng đảng Ndrangheta tại khu vực Calabria, miền nam Italy trong một cuộc trấn áp hồi năm 2010. Ảnh: Elmago95 |
‛Ndrangheta là một băng nhóm xã hội đen tập trung ở vùng Calabria. Theo tiếng Hy Lạp, 'Ndrangheta có nghĩa là "quả cảm" hay "lòng trung thành". Theo The Voice of Russia, mặc dù không nổi tiếng bằng Cosa Nostra của vùng Sicilia và "dân dã" hơn so với các băng đảng Camorra (vùng Neapoli) và Sacra Corona Unita (vùng Apulia), 'Ndrangheta vẫn là tổ chức tội phạm hùng mạnh nhất Italy vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.
‘Ndrangheta bắt đầu nổi danh từ những năm 1980 bởi những vụ giết chóc tàn bạo và bắt cóc đòi tiền chuộc. 'Ndrangheta đặt ra quy tắc "vàng" hay còn gọi "omerta", nghĩa là các thành viên của băng nhóm tuyệt đối không hợp tác với chính quyền. Đây được coi là "bộ quy tắc danh dự" cho những kẻ gia nhập hàng ngũ của 'Ndrangheta. Nếu tên nào vi phạm, lập tức sẽ bị xử tử.
Từ những năm 1950, ‛Ndrangheta đã phát triển thành băng nhóm buôn bán ma túy ma mãnh hàng đầu châu Âu và bành trướng sang Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Australia. Thậm chí các thành viên của chúng còn tham gia vào các tập đoàn tội phạm kinh doanh như buôn bán vũ khí, chôn lấp hóa chất độc hại, rửa tiền và mua các hợp đồng xây dựng công trình công cộng.
'Ndrangheta là băng nhóm "độc quyền" về buôn bán ma túy ở châu Âu. Các quan chức Italy ước tính 80% ma túy tại châu lục này bắt nguồn từ Calabria. ‘Ndrangheta hiện là tổ chức tội phạm hùng mạnh nhất thế giới với doanh thu ở mức khoảng 72 tỷ USD mỗi năm.
Trong những năm gần đây, cảnh sát Italy đã phối hợp cùng cơ quan an ninh của các nước khác thực hiện nhiều chiến dịch bố ráp 'Ndrangheta ở Calabria, Milan hay ngoài biên giới Italy như Bỉ, Pháp, Serbia, Montenegro và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, thâm nhập và phá vỡ băng đảng này là điều không dễ bởi các thành viên của chúng ràng buộc với nhau bằng mối quan hệ gia đình và luôn trung thành với nguyên tắc "omerta". Cảnh sát khó có thể khai thác thông tin về 'Ndrangheta cho dù bắt giữ được thành viên của nhóm.
Camorra
Cảnh sát thẩm tra một thành viên của băng đảng Camorra năm 1983. Ảnh: Francesco Cito |
Mafia Camorra hình thành từ thế kỷ 18 ở thủ phủ Napoli của vùng Campania. Nó là một trong số các tổ chức tội phạm lâu đời và lớn nhất ở đất nước hình chiếc ủng. Tên gọi Camorra là từ kết hợp giữa từ "capo" (ông chủ) và "morra" (một trò chơi cờ bạc tại Napoli).
Không giống cấu trúc quyền lực theo hình kim tự tháp như băng đảng Sicilia, Camorra được tổ chức theo chiều ngang, với sự nắm quyền của các dòng tộc. Phe cánh của nhóm hoạt động độc lập. Do Camorra không có "bố già" nắm quyền kiểm soát, các cuộc ẩu đả đẩm máu giữa các dòng tộc thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, điều này lại khiến Camorra trụ vững khi những tên trùm hàng đầu bị bắt hoặc giết. Hoạt động của Camorra khá rộng, từ buôn bán vũ khí, ma túy, tống tiền, cho vay nặng lãi hay cá cược.
Năm 1983, cơ quan luật pháp Italy ước tính Camorra chỉ có khoảng 10 dòng tộc. Tuy nhiên, năm 1987, con số này đã tăng lên 26 và một năm sau là 32. Hiện nay, tổ chức Camorra có khoảng 111 dòng tộc và hơn 6.700 thành viên ở Napoli và các vùng lân cận. Nhà báo điều tra Roberto Saviano cho rằng, mạng lưới Camorra hiện nay lớn mạnh hơn cả 3 băng đảng khét tiếng khác của Italy về số lượng, sức mạnh kinh tế và mức độ tàn bạo.
Một cuộc "thanh trừng đẫm máu" với hơn 100 vụ bắn giết trên phố, giữa hai dòng tộc của Camorra là Di Lauro và Scissionisti đã diễn ra vào năm 2004 và 2005. Cuối tháng 10/2006, một loạt vụ sát hại diễn ra ở Napoli suốt 10 ngày giữa 20 dòng tộc tranh chấp. Bộ trưởng Nội vụ Ý Giuliano Amato phải quyết định huy động hơn 1.000 cảnh sát và quân cảnh tới Napoli để chống lại tội ác và bảo vệ du khách. Tuy nhiên, lực lượng này không đủ sức ổn định trật tự. Chỉ một năm sau đó, 120 vụ giết người xảy ra tại Napoli.
Sacra Corona Unita
Cảnh sát thu giữ súng, tiền, ma túy sau một vụ trấn áp hoạt động của Sacra Corona Unita năm 2011. Ảnh: TMnews |
Sacra Corona Unita (SCU) là tổ chức tội phạm đóng đô ở Puglia - khu vực phía nam Italy và hoạt động mạnh ở vùng Brindisi, Lecce và Taranto. SCU hình thành vào cuối thập niên 70 dưới bàn tay của Raffaele Cutolo, một "bố già" của băng đảng Camorra. Tuy nhiên, sau khi Cutolo bị hạ bệ, SCU hoạt động độc lập dưới sự chỉ huy của tên trùm Giuseppe Rogoli.
SCU là một băng đảng liên kết của 50 dòng tộc với khoảng 2.000 thành viên. Buôn lậu thuốc lá, ma túy, vũ khí và con người là những hoạt động chủ yếu của tổ chức tội phạm này. SCU thường thu chiến lợi phẩm từ các băng nhóm khác tại bờ biển phía đông nam của Italy, cửa ngõ cho hoạt động buôn lậu xuất sang các nước như cộng hòa Montenegro và Albania.
Thành viên của SCU cũng tham gia vào hoạt động rửa tiền và tống tiền. Thậm chí, SCU còn móc nối với các tổ chức tội phạm quốc tế như mafia Nga, Albania, các băng nhóm buôn lậu ma túy ở Colombia, Hội Tam Hoàng của Trung Quốc và Yakuza Nhật Bản để cùng đẩy mạnh hoạt động.