Trở về Việt Nam tuần trước trong chương trình UberExchange nhằm tư vấn, chia sẻ với các startup và sinh viên công nghệ Việt, ông Thuận Phạm, Tổng giám đốc công nghệ của hãng Uber bật mí các bài học cho thành công.
1. Làm tốt công việc của mình, cơ hội sẽ tự đến
Theo ông Thuận Phạm, hãy làm thật tốt những việc của mình và cơ hội sẽ tự tìm đến.
“Lời khuyên của tôi là không nên nghĩ quá nhiều về con đường sự nghiệp vì bạn không thể biết con đường đó là gì. Trước đây 25-30 năm, khi mới tốt nghiệp, tôi hoàn toàn không biết rằng mình sẽ như bây giờ. Bốn năm trước tôi mới bất chợt có một ý tưởng và rồi tôi đang ngồi đây với Uber”, ông nói.
Ông Thuận Phạm cho biết mỗi ngày ông làm việc 12-14 giờ. Ảnh: Uber cung cấp. |
Theo ông Thuận Phạm, thay vì suy nghĩ về con đường sự nghiệp thì nên lên kế hoạch tìm cách học hỏi một cách tối đa. “Hãy nghĩ về công việc mà bạn đang làm. Liệu nó có đang thử thách bạn, bắt bạn học thêm những điều mới? Bạn có cảm thấy vui khi học thêm điều mới hàng ngày, hàng tuần?”, ông nêu vấn đề.
2. Khi công việc không còn thách thức, đó là lúc phải thay đổi
“Nếu công việc không tạo cho tôi những thách thức thì đó là lúc tìm công việc mới. Có thể là một start-up hoặc một công ty, không quan trọng miễn là nó tạo thử thách để học", vị giám đốc công nghệ của Uber khuyên.
Theo ông Thuận Phạm, ông đã chuyển từ một công ty có quy mô vài nghìn nhân viên sang công ty 1.000 nhân viên, rồi sang công ty có 10 nhân viên… vì cảm giác công việc không còn đủ thách thức này.
“Thời điểm duy nhất mà tôi cảm thấy dễ chịu là khi tôi hiểu về công việc mình làm, tôi có thể làm tốt nó, và đó cũng là lúc tôi bắt đầu nghĩ về một công việc mới”, ông Thuận Phạm nói.
Ông cũng khuyên để tối ưu hiểu biết của mình, khi chuyển sang công việc mới, hãy chọn công việc mà bạn có thể đóng góp dựa trên những kinh nghiệm đã có. Như thế bạn vừa có thể đóng góp cho công ty mà vừa học thêm những điều mới.
3. Thất bại đến khi không có sự thay đổi nhanh chóng, cần thiết
Theo ông Thuận Phạm, đôi khi chúng ta duy trì một cái gì đó quá lâu mà không nâng cấp lên, không kịp cải tiến. Nhân sự cũng vậy. Đôi khi ông gặp cảnh không có những người trình độ cao hơn thay thế những người hiện tại mà bản thân đang quý mến nhưng về lâu dài lại không phù hợp.
“Phải tính trước được chuyện đó. Khi giữ cái gì đó quá lâu thì sẽ không phát triển được những thứ mình cần, không giải quyết những vấn đề mà đáng lẽ mình có thể tránh được. Thất bại là vì thế”, ông Thuận Phạm chia sẻ.
Ông Thuận Phạm, CTO của Uber và ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG trong buổi nói chuyện trước giới startup tại TP.HCM sáng 27/7. Ảnh: Xuân Thành. |
Ông Thuận Phạm cho biết trong quá trình làm việc tại Uber, nếu có thất bại, ông thường đặt câu hỏi tại sao nó lại xảy ra mặc dù mình vẫn theo dõi. Có những lần, ông tưởng mọi việc đã hoàn hảo và không thể có điều gì xảy ra cả, nhưng thật bất ngờ, mọi thứ ập tới.
“Trên thực tế, chúng ta không thể dự đoán trước được mọi thứ. Những điều xảy ra chính là những điều tôi không dự báo được và lỗi của tôi chính là ở chỗ đó. Câu trả lời cho tất cả những vấn đề tôi gặp phải là tôi đã quá chậm khi đưa ra những thay đổi kịp thời và nhanh chóng”, Tổng giám đốc công nghệ Uber chia sẻ.
4. Biết cách cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc
Làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày, ông Thuận Phạm cho biết ông dành nhiều thời gian cuối tuần cho con gái mình.
“Bạn phải tìm cách để cân bằng. Trong tuần tôi cống hiến nhiều thời gian nhất có thể cho công việc, và cuối tuần thì tôi dành thời gian cho con gái mình.
Nhưng con gái tôi cũng bận theo cách của cô bé vì cháu đã 11 tuổi rồi. Con gái học vẽ và karate vào cuối tuần nên bố thường đưa đi học. Khi cô bé vào lớp là lúc ông vào một tiệm cà phê gần đó, mở laptop và làm việc.
"Tôi sẽ không phải là tôi nếu không có đam mê. Và đam mê đối với tôi là gia đình mình và làm những gì mình đang làm. Những việc này rất thú vị. Nếu nó không còn thú vị nữa thì tôi sẽ bỏ đi và làm việc khác”, ông Thuận Phạm chia sẻ.
Ông Thuận Phạm, sinh năm 1966 tại Việt Nam. Năm 1979, ông cùng gia đình qua Mỹ.
Năm 1986, ông Thuận Phạm được nhận vào chương trình cử nhân khoa học máy tính tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT). Ông tốt nghiệp vào năm 1991, khi mà Internet chỉ mới manh nha hình thành.
Ông Thuận Phạm gia nhập Uber vào năm 2013, thời điểm ứng dụng này mới chỉ có mặt tại 60 thành phố. Hiện tại, Uber đã có mặt tại 400 thành phố trên thế giới.