Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra nhận định về tình hình khí tượng thủy văn tại Tây Nguyên và Nam Bộ trong các tháng cuối năm. Dự báo cho thấy khu vực này có thể hứng chịu những loại hình thiên tai như bão, lũ, ngập úng, triều cường cao ngay cả khi mùa mưa kết thúc.
Cụ thể, cơ quan khí tượng cho biết từ nay đến hết năm, 7-9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông. Trong đó, 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở Trung Bộ và Nam Bộ.
Tháng 10-11, mưa lớn dồn dập và kéo dài xuất hiện ở Nam Trung Bộ. Trong khi đó, các đợt mưa trái mùa sẽ đến khi Tây Nguyên và Nam Bộ bước vào thời kỳ mùa khô.
Lũ trên sông Mekong năm nay đến muộn. Từ cuối tháng 8 đến tháng 10, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mekong thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 10-30%.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lũ lớn ít có khả năng xuất hiện. Tuy nhiên, lũ có nguy cơ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn.
Đầu mùa khô, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như 2 năm gần đây.
Cơ quan khí tượng cảnh báo các địa phương ở đồng bằng Nam Bộ sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Những trận mưa lớn, kết hợp triều cường dâng có thể gây ngập úng nặng nề tại TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ dịp cuối năm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Về hải văn, vùng biển phía nam cần đề phòng sóng cao 2-3 m do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Sóng lớn ven biển miền Trung do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão có thể gây sạt lở đê sông, đê biển.
Đáng chú ý, ven biển Nam Bộ được dự báo xuất hiện 4 đợt triều cường cao vào các ngày 18-19/9, 15-19/10, 14-18/11 và 13-17/12. Độ cao của triều cường có thể chạm mốc kỷ lục vào ngày 18/10, trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió Tây Nam. Điều này khiến ven biển Nam Bộ có nguy cơ ngập lụt.
Trao đổi với Zing, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ), cho biết Nam Bộ hứng chịu cao điểm mưa vào tháng 9 và tháng 10. Lúc này, nhiều hình thái cực đoan trên Biển Đông tác động khiến gió Tây Nam mang theo nhiều hơi ẩm vào đất liền, mưa lớn sẽ xuất hiện tại khu vực.
Bà Lan nhắc đến trận mưa trên 200 mm tại TP.HCM vào tối 6/8 và lưu ý trận mưa này xảy ra không phải vào cao điểm của triều cường nhưng đã khiến nhiều tuyến phố ngập nặng. Trong khi đó, đỉnh triều trong năm ở TP.HCM thường xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11.
Tổng hợp những phân tích trên, chuyên gia cảnh báo mưa lớn cực đoan kết hợp triều cường có thể khiến nhiều nơi ở TP.HCM tiếp tục ngập nặng thời gian tới.
Những ngày tới, TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ duy trì kiểu thời tiết sáng nắng, chiều mưa với nền nhiệt dao động 24-33 độ C. Các ngày 19-21/8, khu vực có thể đón thêm một đợt mưa diện rộng mới, cục bộ mưa to kèm theo nguy cơ lốc, sét và gió giật mạnh.