Hơn 30 năm qua, hai vợ chồng ông Dương Kiên lặng thầm thức khuya, dậy sớm cần mẫn chở nước thuê cho người dân ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sinh hoạt hàng ngày.
Huyện Lý Sơn bốn bề biển cả mênh mông nên việc tìm mạch nước ngọt, đào giếng gặp nhiều khó khăn. Giếng nước Xó La (thôn Đông, xã An Vĩnh) từ lâu trở thành nơi cung cấp nguồn nước ngọt quý giá cho toàn huyện đảo, nhất là mùa khô hạn.
Từng chở đất, cát cho người dân làm rẫy, chở đá cho các công trình xây dựng, trước nhu cầu sử dụng nước ngọt từ giếng nước Xó La quá lớn của dân đảo Lý Sơn, năm 1984 vợ chồng ông Kiên quyết định dùng xe đạp thồ chở nước thuê kiếm sống.
Mùa khô hạn, vợ chồng ông dậy sớm từ 4h sáng dắt xe đạp thồ cũ kỹ đến giếng Xó La lấy nước. "Dân quanh đảo chỉ dùng nước ngọt từ giếng này để nấu ăn, pha trà hay nấu chè. Mới đó mà vợ chồng tôi làm nghề chở nước thuê cho bà con đã 33 năm rồi", ông nói.
Dù ngoài 70 tuổi, hai vợ chồng ông Kiên - bà Ý vẫn gắn bó với công việc này.
Bà Ý bộc bạch, 33 năm trước mỗi can nhựa nước được bà con trả tiền công chỉ vài xu, giờ đây lên đến 8.000 đến 10.000 đồng tùy theo đoạn đường xa hoặc gần trên đảo.
Hai vợ chồng già hợp sức đẩy xe thồ chở các can nhựa đầy nước vượt con dốc gần khu vực giếng Xó La. "Lúc trước còn khỏe, mỗi ngày vợ chồng vận chuyển 20 can nước (khoảng 600 lít) từ giếng Xó La đến các hộ gia đình. Giờ tuổi cao sức yếu, mỗi ngày giỏi lắm chỉ chở được khoảng 10 can", ông Kiên thổ lộ.
Trung bình mỗi ngày họ đi bộ vận chuyển bốn chuyến vượt đường dài tổng cộng khoảng 30 km đưa hàng trăm lít nước ngọt bán ở khắp ngõ ngách trên đảo Lý Sơn.
Lão phu nước khệ nệ khiêng can 30 lít nước từ ngoài đường vào tận nhà dân.
Ông cẩn thận giữ can nhựa đổ nước vào những thùng nhựa không cho rơi vãi ra ngoài. "Nước ngọt ở đảo quý lắm nên ngày nào vợ chồng cũng thức dậy sớm đến giếng để kịp lấy cho đầy các can nhựa chở đi cung cấp cho bà con", ông Kiên cho hay.
Vợ chồng lão phu nước cười vui khi nhận tiền bán nước từ người dân trên đảo. Ông Nguyễn Chí, chủ nhà hàng Phát Hải, bộc bạch gia đình thường gọi điện nhờ vợ chồng chú Kiên chở nước ngọt chế biến món ăn hàng ngày phục vụ du khách. "Vợ chồng chú ấy hiền lành, chịu khó. Cuộc sống của họ dẫu còn nhiều vất vả nhưng đậm đà tình cảm, lúc nào cũng vui vẻ khiến chúng tôi luôn nể trọng", ông Chí tâm sự.
Sau ngày lao động mệt nhọc, vợ chồng ông Kiên quây quần bên mâm cơm cùng đứa cháu mồ côi tên Thành. "Cuộc sống khó nghèo, các con lớn lên cưới vợ, chồng làm ăn xa. Con trai đầu không may gặp nạn tử vong trên biển, sau đó vợ nó đi lấy chồng khác để lại con trai nhỏ sống cùng chúng tôi", bà Ý ngậm ngùi.
Thương cháu trai sớm chịu cảnh mồ côi, ngoài giờ phụ chồng thồ nước bán trên đảo, bà Ý dành nhiều thời gian chăm sóc. Thương nội tuổi cao nhưng vẫn hàng ngày chở nước thuê vất vả, Thành học hành chăm chỉ hy vọng mang lại niềm vui cho ông bà.
Bà Ý chăm sóc chồng sau một ngày mưu sinh nhọc nhằn. "Mong sao giếng nước Xó La mãi ngọt mát lành đừng nhiễm mặn để dân đảo Lý Sơn được nhờ. Từ bao đời, nhiều thế hệ nơi đây quý trọng giếng nước Xó La như là vị cứu tinh giúp nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên đảo", bà chia sẻ.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn nhấn mạnh, giếng nước Xó La dù ở sát biển nhưng nước ngọt nhất ở địa phương.
Theo ông, một số hộ dân đã gắn chặt đời mình với giếng cổ này làm nghề phu nước mưu sinh, trong đó vợ chồng ông Kiên lâu nhất. "Dẫu cuộc sống của ông còn nhiều khó khăn nhưng lúc nào cũng lạc quan, chí thú cần mẫn nên được nhiều người dân địa phương kính trọng, quí mến”, Phó chủ tịch huyện Lý Sơn nói.
Tương truyền sau khi lên ngôi, vua Gia Long đi thăm các hòn đảo dọc bờ biển miền Trung và ghé Cù Lao Ré (nay là đảo Lý Sơn). Thương cho dân tình gặp "đại hạn", vua Gia Long cho lập đàn tế trời cầu mưa. Hôm sau vua sai quân đào giếng xuống hơn một mét đã thấy mạch nước phun trào. Nhớ ơn vua, nhân dân đã đặt tên là “giếng Gia Long” hay giếng "Vua ban".
Trước khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 85, nghệ nhân Võ Hiển Đạt (huyện đảo Lý Sơn) vẫn đau đáu sưu tầm tư liệu, góp phần bảo tồn quần thể di tích Hải đội Hoàng Sa cho đời sau.
Vị trí tìm thấy hai thi thể trong vụ xe chở rác rơi xuống sông tại xã Bình Thành (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế), cách cầu treo Bình Thành hơn 6 km về phía hạ lưu.