Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào do Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an tổ chức tại TP HCM sáng 14/1.
Tham dự hội nghị có đoàn đại biểu của Bộ An ninh Lào, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia. Bộ Công an Việt Nam do trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát làm trưởng đoàn, cùng đại diện bộ đội biên phòng, Công an TP HCM và Công an 19 tỉnh giáp Lào, Campuchia.
Tại hội nghị, ba nước đã ký kết biên bản ghi nhớ trong việc phối hợp trao đổi thông tin, kinh nghiệm phòng chống tội phạm buôn bán người.
Phụ nữ, trẻ em bị ép làm mại dâm, lao động khổ sai
Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - Cục trưởng cục hình sự (C45, Bộ Công an) cho biết số vụ mua bán người trên tuyến hàng năm chiếm khoảng 6% tổng số vụ mua bán người được phát hiện trong toàn quốc.
Nạn nhân của các vụ mua bán người qua Campuchia và Lào chủ yếu tập trung ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam…
Những nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em khi sập bẫy của đường dây buôn người sẽ bị ép làm mại dâm trong các tiệm cắt tóc, gội đầu, massage trá hình hoặc bị bóc lột sức lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, công trường và khu công nghiệp khai thác khoáng sản.
Các băng nhóm tội phạm này có sự móc nối cấu kết chặt chẽ với nhau, tạo thành một đường dây xuyên quốc gia với quy trình khép kín từ khâu tuyển chọn, lừa gạt, vận chuyển, giao dịch và bóc lột.
Thượng tá Lê Tiến Nam - Phó trưởng phòng PC45 (Công an Nghệ An) cho biết thêm trong số những người buôn bán người đặc biệt có cả những người từng là nạn nhân bị buôn bán.
Đại diện công an ba nước ký kết bản ghi nhớ phối hợp trao đổi thông tin, kinh nghiệm phòng chống tội phạm buôn bán người . |
“Họ là những người nắm được phương thức, thủ đoạn lừa gạt phụ nữ và trẻ em, am hiểu địa bàn và nhu cầu của “con mồi”. Bản thân họ có nhiều mặc cảm với xã hội, thoái hóa về đạo đức nên đã móc nối, liên hệ với số người từng buôn bán mình hình thành các đường dây buôn người. Để khống chế nạn nhân, các đối tượng tịch thu giấy tờ, không cho nạn nhân mang theo tiền, tài sản có giá trị. Chúng thường che đậy nhân thân bằng tên tuổi khác gây khó khăn trong việc điều tra”, thượng tá Nam nói.
Theo đánh giá của C45, trong ba tháng triển khai cao điểm (từ 1/7 đến 30/9/2015), tình hình tội phạm mua bán người dọc biên giới các nước cơ bản được kiềm chế, nhiều vụ được điều tra, phá án.
Theo báo cáo của công an, 20 địa phương và lực lượng Bộ đội Biên Phòng đã phát hiện 22 vụ buôn bán người do 43 người điều hành và giải cứu thành công 40 nạn nhân. Trong đó, số lượng nạn nhân bị dụ dỗ bán qua biên giới Lào chiếm tỷ lệ cao, 18/22 vụ với 36 nạn nhân. Tất cả các vụ buôn bán người này đều đã được khởi tố.
Gần 3.000 người nghi bị mua bán
Theo C45, để triển khai hiệu quả đợt cao điểm, lực lượng cảnh sát hình sự đã điều tra cơ bản xác định, tuyến địa bàn biên giới Việt Nam - Campuchia gồm 21 tuyến, 49 địa bàn xuất hiện 70 tụ điểm, 56 casino và 36 trường gà thường xuyên thu hút người Việt Nam đánh bạc, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi.
Đặc biệt, xuất hiện 87 đường dây với 235 đối tượng. Tuyến địa bàn Việt Nam - Lào với 17 tuyến, 35 địa bàn trọng điểm xuất hiện 50 đường dây với 120 đối tượng. Trong đó, có 200 cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán bar…có biểu hiện hoạt động mại dâm, mua bán người.
Cơ quan điều tra đã lập danh sách gần 3.000 người bỏ nhà đi khỏi địa phương không rõ lý do nghi bị mua bán, hơn 3.500 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài.
C45 rà soát lên danh sách 87 đối tượng liên quan đến mua bán người, dựng hồ sơ ba đường dây, tổ chức có nghi vấn hoạt động mua bán người.
Đồng thời, lập danh sách 26 nạn nhân bị mua bán và 121 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương không có lý do, không có tin tức nghi bị mua bán.
Theo C45, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số hạn chế trong việc chia sẻ thông tin tội phạm buôn bán người của một số đơn vị.
Việc cập nhật tình hình tội phạm trên tuyến Việt Nam - Campuchia - Lào chưa phản ánh đúng thực trạng, đặc biệt số lượng phụ nữ, trẻ em được đưa sang Lào, Campuchia lao động khổ sai, mại dâm.
Mặt khác, do nghiệp vụ cơ bản điều tra chưa cao nên số vụ phát hiện cũng như số nạn nhân được giải cứu còn xa so với thực tế.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát, Bộ Công an phát biểu chị đạo tại hội nghị. |
Các băng ổ, đường dây chưa được phát hiện, bóc gỡ để điều tra. Đặc biệt, quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện ở khu vực biên giới còn sơ hở dẫn đến tình trạng hành vi vi phạm đưa người qua biên giới chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Phát biểu chỉ đạo, trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát nói, tội phạm buôn bán người gần đây đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trên tuyến biên giới trọng điểm.
Để đạt mục đích, các đối tượng sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt như ép nạn nhân hoạt động mại dâm, ép làm vợ bất hợp pháp, cưỡng bức lao động, mua bán nội tạng, mua bán người thông qua hình thức cho nhận con nuôi, môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ, trẻ em.
Với kết quả đạt được và với vai trò nòng cốt trong các đợt tấn công cao điểm tội phạm buôn bán người, trung tướng Vĩnh biểu dương và chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với Công an hai nước Lào, Campuchia.
Tập trung công tác phòng ngừa, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hồi hương, không để xảy ra các vụ án lớn, đường dây tội phạm phức tạp ảnh hưởng tới quan hệ ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Bị nhốt không cho ăn uống, đòi tiền chuộc
Tham luận của đại tá Trần Văn Luận - Trưởng phòng PC45 (Công an Tây Ninh) khẳng định tội phạm buôn bán người trên địa bàn Tây Ninh xảy ra nhiều, chủ yếu đưa sang Trung Quốc bán làm vợ. Đường dây hoạt động xảo quyệt theo hình thức chụp hình gửi qua mạng xem mặt.
Những cô gái “trúng tuyển” sẽ xuất cảnh dưới hình thức du lịch, hợp tác lao động, thăm thân nhân. Nhưng thực tế không như lời hứa, qua Trung Quốc họ sẽ bị thu hết giấy tờ trở thành một “món hàng” để trao đổi, bán làm vợ hoặc vào các điểm mại dâm.
“Nếu không đồng ý họ sẽ bị nhốt không cho ăn uống, nếu muốn về Việt Nam thì điện thoại gọi gia đình gửi tiền chuộc từ 40 - 60 triệu đồng mới thoái thân” - đại tá Luận nhấn mạnh.