Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

30 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội

Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho biết TP đã tiếp nhận 72 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có 30 người tự ứng cử.

Sáng 15/3, Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức lễ bàn giao hồ sơ, danh sách người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết đến ngày 14/3, Ủy ban Bầu cử TP đã tiếp nhận 72 hồ sơ ứng cử ĐBQH, trong đó có 42 hồ sơ được các cơ quan, tổ chức giới thiệu và 30 hồ sơ tự ứng cử. Còn trong 188 hồ sơ ứng cử HĐND TP, có 3 người tự ứng cử.

danh sach ung cu DBQH Ha Noi anh 1

Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn (trái) bàn giao hồ sơ người ứng cử. Ảnh: Hà Nội mới.

Theo đó, 72 hồ sơ ứng cử ĐBQH gồm: Thông tin trích ngang, lý lịch ứng cử, tiểu sử tóm tắt, kê khai tài sản thu nhập cá nhân. Đối với 188 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP gồm: Danh sách trích ngang, tiểu sử tóm tắt và kê khai tài sản, thu nhập cá nhân.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương, sau khi nhận bàn giao hồ sơ người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND TP, Ủy ban tiếp tục thực hiện các bước theo đúng tiến độ, yêu cầu và hướng dẫn của Trung ương và TP.

Ngày 17 và 18/3, Ủy ban MTTQ TP sẽ tổ chức Hội nghị hiệp thương lần 2 để thống nhất danh sách ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026.

Tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND là một giai đoạn quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử được tiến hành thông qua 5 bước cụ thể như sau:

Bước 1: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

Bước 2: Tổ chức giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người của các đơn vị hành chính cấp dưới, của thôn, tổ dân phố để đưa vào danh sách ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.

Bước 3: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.

Bước 4: Lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử.

Bước 5: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

Ủy ban MTTQ TP báo cáo tình hình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người được giới thiệu ứng cử ĐBQH để hội nghị thỏa thuận về việc lập danh sách sơ bộ những người ứng cử. Hội nghị cũng bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người trong danh sách sơ bộ những người ứng cử.

Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi biên bản và danh sách những người ứng cử đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai sẽ diễn ra chậm nhất ngày 19/3. Hà Nội được bầu 29 ĐBQH và 95 đại biểu HĐND TP. Ngày bầu cử toàn quốc là chủ nhật 23/5.

Hà Nội lập nhiều đoàn kiểm tra công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội

Thành viên các đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm đối với kết quả bầu cử từ cấp quận, huyện tới xã, thị trấn, thôn, xóm.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm