Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

30 ngày đối mặt làn sóng Covid-19 thứ 4 ở Việt Nam

Các ổ dịch lan nhanh, người mắc Covid-19 vượt ngưỡng 3.500 ca. Một tháng qua, Việt Nam đã phải chiến đấu với đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

30 ngay bung phat dot dich moi anh 1

Ngày thứ 10 cách ly,

Sáng, nhận được tin mẹ của một đồng nghiệp vừa qua đời đêm qua. Hai vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến hai đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng trĩu nặng…

Đang họp giao ban bệnh viện, nhận được tin một điều dưỡng bị bệnh nhân Covid-19 lao vào phòng hành chính khoa to tiếng, rồi bóp cổ. Nghĩ đến nữ điều dưỡng cao tầm 1,5 m, nặng khoảng 40 kg, bị bệnh nhân bóp cổ mà nước mắt không kìm lại được, cứ tuôn rơi…

Xử trí xong bệnh nhân, quay lại thấy các điều dưỡng lầm lũi đẩy xe cơm đi phát cho các bệnh nhân, cho cả người vừa bóp cổ đồng nghiệp của mình…

Làm sao để vững vàng bước tiếp đây?

Đó là những dòng tâm sự đầy nước mắt của một nữ bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Chị viết những dòng này vào sáng ngày 15/5, tròn 10 ngày “thành trì cuối cùng” bị Covid-19 tấn công.

Với chị, đó là 10 ngày đầy gian khó và nhọc nhằn, khi vừa phải điều trị cho bệnh nhân, vừa phải giữ thành trì này không bị sụp đổ.

Còn với Việt Nam, 30 ngày qua (từ 29/4 đến 28/5) là chuỗi thời gian bước vào làn sóng Covid-19 vất vả và căng thẳng hơn bao giờ hết. Số bệnh nhân mới tăng nhanh và được dự báo chưa có dấu hiệu giảm trong thời gian tới.

30 ngay bung phat dot dich moi anh 2


Những ổ dịch Covid-19 siêu lây nhiễm, đa nguồn lây

Sáng 29/4, người dân cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ dài 4 ngày. Nhưng đó cũng là lúc dịch Covid-19 tại Việt Nam bước sang giai đoạn mới mà chúng ta không thể lường trước mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng của nó. Ổ dịch tại Hà Nam chấm dứt chuỗi 37 ngày không xuất hiện bệnh nhân ngoài cộng đồng. Đặc biệt, virus còn tấn công vào hai "thành trì" y tế tuyến trung ương: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K.

Lần đầu tiên, Việt Nam rơi vào trạng thái dịch Covid-19 xâm nhập cùng lúc với nhiều ổ dịch, nguồn lây nhiễm và biến chủng. Đó là biến chủng B.1.1.7 (từ Anh); biến chủng kép B.1.6.17 (từ Ấn Độ). Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể lây lan trong không khí, đã rút ngắn chu kỳ lây nhiễm từ một tuần xuống còn 3-4 ngày, thậm chí 2 ngày.

Chỉ trong 30 ngày, số bệnh nhân mới được ghi nhận đã lên tới hơn 3.500 người, tại 34 tỉnh, thành phố, chiếm gần 70% trong tổng người mắc Covid-19 từ khi dịch bùng phát đến nay.

Tính đến tối 28/5, 12 bệnh nhân đã tử vong trong đợt bùng phát này. Hầu hết đều mắc bệnh lý nền nặng, sức khỏe suy kiệt trước khi nhiễm nCoV. Tuy nhiên, một nữ công nhân 38 tuổi, không có bệnh lý nền, đã tử vong.

30 ngay bung phat dot dich moi anh 3

Một tháng qua, chúng ta cân não vì số bệnh nhân lớn, xuất phát từ 3 nguồn lây.

Đầu tiên là ổ dịch lây từ những người kết thúc cách ly. Thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, trở thành "ổ dịch Covid-19 siêu lây nhiễm" do một người đàn ông trở về từ Nhật Bản dương tính với nCoV sau khi kết thúc cách ly tập trung. Đến ngày 28/5, tổng số bệnh nhân Covid-19 liên quan ổ dịch này đã lên tới 29 người. Hiện tại, ổ dịch này về cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện thêm bệnh nhân mới ngoài cộng đồng.

Ngày 30/4, 6 nhân viên tại quán bar Sunny mắc Covid-19 sau khi tiếp xúc nhóm chuyên gia Trung Quốc. Những nơi nhóm chuyên gia Trung Quốc từng ghé qua, chuyến bay họ đi đều trở thành "quả bom Covid-19" nổ chậm. Ổ dịch liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 105 người. Đến nay, nguồn lây này cơ bản cũng đã được kiểm soát.

30 ngay bung phat dot dich moi anh 4

Đội binh chủng hoá học phun khử khuẩn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sau hàng loạt ca mắc Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Việt Nam đối diện nguồn lây thứ 2 và cũng là ổ dịch nghiêm trọng của 15 ngày đầu đó là từ hai bệnh viện tuyến trung ương lớn nhất miền Bắc: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Hai cơ sở y tế quan trọng rơi vào tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập", hàng loạt bệnh viện khác bị ảnh hưởng, buộc phải phong tỏa toàn bộ hoặc một phần.

Nữ điều dưỡng Phạm Thúy Hạnh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ: "Giờ đây khi ra khỏi phòng bệnh, tôi cũng như các điều dưỡng, bác sĩ trong bệnh viện không thể biết chắc ai đang mang virus trong cơ thể. Chúng tôi gặp nhau phải đứng ở khoảng cách rất xa, không dám nói chuyện, chỉ đưa mắt cười chào hỏi vì sợ lây nhiễm. Nỗi buồn và lo lắng xen lẫn liên tục", điều dưỡng này nói.

Số bệnh nhân liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là 410 người; Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là 118 ca. Sau nhiều nỗ lực, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chùm ca bệnh này đã cơ bản được kiểm soát.

30 ngay bung phat dot dich moi anh 5

Mỗi ngày, nhân viên y tế tại Bắc Giang phải lấy và xét nghiệm tới 35.000 mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Phạm Thắng.

Nguồn lây thứ 3 và cũng là mối lo ngại lớn nhất trong thời điểm này đó là từ những khu công nghiệp. Kịch bản của Hải Dương một lần nữa tái diễn trong làn sóng Covid-19 sau kỳ nghỉ lễ. Ngành y tế phải chịu thêm áp lực tại cùng lúc ổ dịch ở 8 khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh và Đà Nẵng. Hơn 2.400 ca bệnh liên quan các ổ dịch tại khu công nghiệp, chiếm gần 70% tổng số người mắc Covid-19 trong làn sóng mới. Đặc biệt, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá tình hình dịch tại Bắc Giang nghiêm trọng và phức tạp nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, chúng ta còn phải đối mặt thêm hiểm nguy từ những ổ dịch không rõ nguồn lây, đặc biệt là TP.HCM với cùng lúc ba chùm ca bệnh. Đó là chùm ca bệnh liên quan người phụ nữ bán bánh canh ở quận 3 và thành viên nhóm tôn giáo ở quận Gò Vấp và vợ chồng thai phụ đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Trong đó, ổ dịch liên quan nhóm tôn giáo được bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đánh giá là "phức tạp nhất từ trước đến nay của thành phố". Những bệnh nhân này trải khắp 16 quận, huyện ở TP.HCM. Long An, Bạc Liêu, Bình Dương, Tây Ninh cũng ghi nhận F1 của chùm ca bệnh này có kết quả dương tính với nCoV.

"Chống dịch ở cấp độ cao nhất"

Trong cuộc họp với lãnh đạo các vụ, cục về việc rà soát công tác phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 12/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu tất cả địa phương "chống dịch ở cấp độ cao nhất". Covid-19 đã xâm nhập các bệnh viện nên Bộ trưởng Y tế và các chuyên gia đánh giá đợt dịch lần này phức tạp, nguy hiểm hơn.

Trong đợt dịch bùng phát mới, Bộ Y tế nhận định Việt Nam có 4 điểm cần phải chấn chỉnh ngay. Đầu tiên, đó là xét nghiệm, sàng lọc Covid-19 tại tất cả địa phương. Bộ liên tục nhắc nhở các tỉnh, thành vấn đề này.

Trước số ca mắc Covid-19 tăng vọt trong nhiều ngày, Bộ Y tế đã có những thay đổi trong chiến lược xét nghiệm, sử dụng nhiều loại sinh phẩm và cách thức tiếp cận như dùng kháng nguyên nhanh trong sàng lọc, gộp mẫu...

Trong thời gian rất ngắn, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng công suất xét nghiệm. Tính riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4 đến nay, tổng số mẫu xét nghiệm ngành y tế đã thực hiện là 1.132.626 cho hơn 2 triệu lượt người.

Nhờ tăng cường xét nghiệm và truy vết F1, các ổ dịch được khoanh vùng, cách ly như tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), Bắc Ninh (xã Mão Điền, Thuận Thành).

Lỗ hổng thứ 2 đó là việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện - môi trường có nguy cơ nhất. Tình trạng này khiến Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đánh giá đợt bùng phát dịch lần thứ 4 rất nghiêm trọng.

Hai ổ dịch Covid-19 tại 2 bệnh viện lớn tại miền Bắc cũng là bài học trong quản lý cách ly, người ra vào bệnh viện và minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định của nhiều chuyên gia "khi nCoV vào bệnh viện, mức độ lây nhiễm sẽ rất khủng khiếp".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, coi đây là một trong những điểm yếu, lỗ hổng trong vấn đề quản lý. Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả bệnh viện phải khám sàng lọc kỹ lưỡng, liên tục đối với nhân viên y tế và nhóm nguy cơ cao, triển khai biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo không có lây nhiễm trong các cơ sở y tế.

30 ngay bung phat dot dich moi anh 12

Tối 26/5, nhân viên y tế tiến hành cách ly tạm thời, lấy mẫu xét nghiệm và phun khử khuẩn Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) do ca mắc Covid-19 từng đến đây. Ảnh: Chí Hùng.

Thứ 3 đó là sai phạm trong cách ly. Thực tế đã chứng minh, từ lỗ hổng nhỏ này, chúng ta mất nhiều thời gian và công sức để phát hiện, truy vết F1, F2. Điển hình là tại Hà Nam, ngành y tế rất vất cả, ngày đêm sàng lọc, truy vết gần 10.000 người.

Từ một trường hợp đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nhưng không khai báo trung thực, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đã chỉ đạo xét nghiệm khẩn toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà ngay trong đêm.

"Chính những sai phạm, lỗ hổng trong cách ly sẽ phá hỏng mọi nỗ lực chống dịch Covid-19 của chúng ta từ trước đến nay", bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, nhấn mạnh.

Ngày 5/5, Bộ Y tế ra quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung đối với F1 và các trường hợp nhập cảnh lên ít nhất 21 ngày thay vì 14 ngày so với trước đây. Động thái này được đưa ra sau khi các địa phương ghi nhận một số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sau 14 ngày cách ly tập trung.

Tuy nhiên, để công tác này được thực hiện tốt, không bỏ sót bất kỳ bệnh nhân nào, điều quan trọng phải đến từ ý thức của người dân. Đồng thời, cơ quan y tế phải có trách nhiệm trong việc quản lý người cách ly.

Lỗ hổng thứ 4 là việc thiếu tuân thủ nguyên tắc phòng dịch tại nhiều nơi, đặc biệt ở các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm virus rất cao như quán karaoke, quán bar, vũ trường, công viên... Ổ dịch tại quán bar Sunny (Vĩnh Phúc), bar New Phương Đông (Đà Nẵng) đã chứng minh điều này. Trong dịp lễ 30/4-1/5, nhiều địa điểm du lịch đông người, dễ tạo cơ hội cho virus lan nhanh.

30 ngay bung phat dot dich moi anh 13

Bãi Sau tại TP Vũng Tàu đông nghẹt người sáng 1/5. Ảnh: Duy Hiệu.

"Chỉ một người lơ là, cả xã hội vất vả"

Đây là quan điểm Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra trong cuộc họp khẩn về phòng chống Covid-19 sáng 30/4. Theo ông, nguyên nhân khiến đợt dịch bùng phát là một số tổ chức, cá nhân có tâm lý chủ quan.

Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta kiểm soát đợt bùng phát lần này bằng cách tiếp cận mới: “Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”. Nghĩa là phải xét nghiệm chủ động, tích cực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tập trung cho công tác rất quan trọng này, từ đó phát hiện sớm ca bệnh. Đồng thời, phải ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết.

Chiến lược phòng, chống dịch xuyên suốt của Việt Nam là "5K + vaccine". Trong đó, Việt Nam đang tăng cường tiếp cận các nguồn, mua vaccine theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra, kể cả chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất; tổ chức tiêm hiệu quả.

Với tinh thần này, Việt Nam áp dụng lệnh cách ly, phong tỏa tại những ổ dịch, không "ngăn sông, cấm chợ", hạn chế ảnh hưởng, xáo trộn đến cuộc sống của người dân nhất.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, việc chống dịch tại nước ta vẫn luôn tuân thủ nguyên tắc “phát hiện sớm, truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch, cách ly và điều trị hiệu quả”. Chiến dịch này đã giúp Việt Nam thành công thời gian qua. Bằng chứng là những ngày gần đây số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước đến nay nhưng đều được ghi nhận trong khu cách ly, đã được khoanh vùng.

Đặc biệt, trong đợt bùng phát này, Bộ Y tế thay đổi về chiến lược xét nghiệm. Đó là khuyến khích xét nghiệm tầm soát trên diện rộng.

Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trước đây, chúng ta chỉ sử dụng phương pháp duy nhất là rRT-PCR. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế cấp phép thêm cho sinh phẩm kháng nguyên nhanh (test nhanh).

Ông Long nhận định: "Chiến lược xét nghiệm mới đã thay đổi cách thức tiếp cận, cách làm, huy động tổng lực xã hội trong vấn đề nâng cao xét nghiệm sàng lọc để đảm bảo an toàn cho sản xuất".

Nước ta có 175 phòng xét nghiệm với công suất gần 66.000 mẫu/ngày. Trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất tối đa lên 290.000 mẫu đơn/ngày, nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày. Tất cả nhân viên xét nghiệm, sàng lọc, truy vết trên các tỉnh, thành đều làm việc ngày, đêm, mục tiêu then chốt là không bỏ lọt bất kỳ người bệnh nào.

Việt Nam đẩy nhanh quá trình tiếp cận vaccine. Hiện nay, nước ta đặt mua tổng cộng 2 loại vaccine là của AstraZeneca và Pfizer. Việt Nam cũng đã triển khai 3 đợt tiêm chủng, với hơn 970.000 người được tiêm phòng. Ngày 16/5, Việt Nam tiếp nhận 1.682.400 liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca đợt 2 do Covax Facility tài trợ để tiêm chủng toàn quốc.

Chúng ta đã trải qua 30 ngày đêm với hàng loạt ổ dịch Covid-19 bủa vây. Tuy nhiên, để nhanh chóng dập dịch, ngành y tế, cơ quan chức năng cần có sự đồng hành, hợp tác từ tất cả người dân.

Đó cũng chính là điều mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh: "Không một quốc gia nào an toàn khi cả thế giới chưa an toàn. Không một người Việt Nam nào an toàn khi cả nước chưa an toàn. Mỗi người phải trách nhiệm trước hết với mình và người thân của mình, sau đó là với đất nước, với cộng đồng".

Bắc Giang thiết lập thêm đơn vị hồi sức tích cực điều trị Covid-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và đoàn công tác khảo sát 3 cơ sở y tế và dự kiến chọn Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang là nơi tiếp theo để điều trị ca mắc Covid-19 nặng.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm