Năm 1987, nhà sáng lập Samsung qua đời. Chỉ hai tuần sau, con trai ông lên nắm quyền và giữ chức Chủ tịch cho tới ngày hôm nay – ông Lee Kun-hee, tạp chí Economist gợi lại.
Mới nhậm chức, ông đặt ra mục tiêu có vẻ bất khả thi: Đưa một tập đoàn Hàn Quốc từ quy mô trung bình lên tầm cỡ quốc tế, sánh ngang với IBM và General Electric.
Ông có tầm nhìn rõ ràng về kế hoạch này. Ông sẵn sàng đặt cược tất tay vào các công nghệ mới nổi, và tái cơ cấu với bất cứ giá nào.
Mặc dù chưa ngồi trong ban lãnh đạo của Samsung Electronics, Lee Jae-yong vẫn có ảnh hưởng trong những bước đi lớn của tập đoàn gần đây. |
Phong cách quản lý của ông mang hơi hướng của một nhà độc tài. Vài năm một lần, ông lại xáo trộn trụ sở tập đoàn tại Seoul, nơi chẳng mấy khi ông lui tới.
Ví dụ năm 1993, ông yêu cầu mọi quản lý cấp cao ngừng việc và đáp máy bay ngay lập tức tới Frankfurt. Tại đây, ông có bài thuyết trình kéo dài ròng rã ba ngày.
Tua nhanh về 30 năm sau, Samsung ghi nhận doanh thu hơn 300 tỷ USD. Gần 70% doanh thu tập đoàn đến từ smartphone, chip bán dẫn và các linh kiện khác, đưa Samsung trở thành nhà sản xuất đồ điện tử lớn nhất thế giới.
Chủ tịch Lee Kun Hee (trái) và con trai độc tôn Lee Jae-young (phải). |
Lại một lần nữa, tượng đài công nghệ của Hàn Quốc lại phải đối mặt với chu kỳ thừa kế. Ông Lee giờ đã 73 tuổi, nằm liệt giường sau cơn đau tim vào năm 2014. Hiện tình trạng sức khỏe của ông đã bình ổn, nhưng ông không thể nói chuyện bình thường, càng khó có khả năng quay lại với công việc.
Dần dần, con trai 46 tuổi duy nhất của ông là Lee Jae-yong (tự gọi bản thân là Jay) bước lên chiếm “ánh đèn sân khấu”.
Lãnh đạo mềm dẻo
Ngày 15/5, Samsung thông báo Jay sẽ trở thành chủ tịch hai quỹ từ thiện của tập đoàn. Hai quỹ nắm giữ nhiều cổ phần nhỏ trong các công ty thuộc Samsung, cho phép Jay điều khiển tập đoàn mặc dù chỉ sở hữu một phần nhỏ.
Chưa kể, hai quỹ từ thiện còn được coi như bộ mặt của Samsung tại Hàn Quốc. Chúng phục vụ mục tiêu nhân văn như giúp các hộ gia đình có thu nhập thấp, nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả chăm sóc người già.
Lãnh đạo quỹ từ thiện củng cố hình ảnh của Jay như một lãnh đạo mềm dẻo, linh hoạt hơn cha. Jay được dự đoán sẽ lãnh đạo bộ phận quan trọng nhất của tập đoàn là Samsung Electronics trong những tháng tới.
Cho đến nay, mọi người không biết nhiều về lãnh đạo sắp tới của Samsung. Các bài báo nhắc đi nhắc lại một số thông tin như ông mềm mỏng hơn cha, ông có một dự án thương mại điện tử đã sụp đổ trong bong bóng dotcom thời thập niên 90, và khả năng quản lý của ông chưa được công nhận.
Ba mối quan hệ
Những người đã gặp Jay đều công nhận ông khá khiêm tốn và có phần e dè. Nhưng đôi lúc ông cũng tỏ ra sâu sắc, hài hước và nồng nhiệt. Nhất là khi ông nói về kế hoạch đưa Samsung thành nhà sản xuất hợp đồng lớn cho các công ty dược, dự án được ông gọi là “con cưng”.
Mặc dù chưa ngồi trong ban lãnh đạo của Samsung Electronics, ông vẫn có ảnh hưởng trong những bước đi lớn của tập đoàn gần đây.
Ví dụ, ông được đánh giá cao khi một năm trước, Jay đích thân xin lỗi những công nhân bị mắc bệnh máu trắng trong khi làm việc lại tại nhà máy sản xuất chip bán dẫn.
Chiếc Samsung Galaxy S6 được báo chí Hàn Quốc gọi là “điện thoại Lee Jae-yong”. |
Gần đây hơn là đợt ra mắt smartphone Galaxy S6 trong năm nay. Khi S6 ra mắt, truyền thông Hàn Quốc gọi nó là “điện thoại Lee Jae-yong”, giống chiếc “điện thoại Lee Kun-hee” trước đây - SGH-T100.
Đây là chiếc được cha Jay tung ra năm 2002. SGH-T100 trở thành cú nổ lớn đầu tiên của Samsung, bán được hơn 1 triệu sản phẩm.
Thời Jay lên cầm cương tại Samsung, thế cờ đã thay đổi nhiều so với thời cha ông nhậm chức. Mặc dù con đường ông Lee Kun-hee chọn khá chông gai, nhưng ít nhất nó đã được vạch ra rõ ràng.
Giờ đây, ngoài việc cai quản một tập đoàn quy mô hơn – bao gồm 80 công ty con, tuyển mộ 500.000 nhân viên – sếp mới còn phải cùng lúc cân bằng ba mối quan hệ: Đối thủ và đối tác, phần cứng và phần mềm, quan trọng nhất là quá khứ và tương lai của Samsung.