Bế tắc trước lối phòng ngự triệt để
Thất bại trước Everton là trận thứ hai liên tiếp M.U thua trước cùng một lối chơi phòng ngự, nhưng tổng thể, đây là trận thứ ba họ không có giải pháp trước các đội bị cho là “đá rắn”.
Ngày 11/1, Louis Van Gaal và các học trò đã nhận một kết cục tương tự trước Southampton. Hôm đó, đội bóng của HLV Ronald Koeman làm khách tại Old Trafford với vị thế của kẻ “cửa dưới”.
Southampton nhập cuộc với hàng tiền vệ 5 người, phía dưới là 4 hậu vệ và chỉ cắm duy nhất Graziano Pelle phía trên. Họ đá rát từ phần sân nhà và cũng chủ động nhường quyền kiểm soát cho M.U.
Louis Van Gaal đốc thúc các học trò dâng cao nhưng lại thiếu giải pháp tiếp cận khung thành đối phương. Những đường lên bóng của họ cũng đơn điệu và bế tắc hệt như hai trận gặp Chelsea và Everton: ra biên, tạt vào và nếu không được thì… chuyển cánh, tạt vào.
Lối chơi ấy như con dao cùn không cứa nổi hàng thủ được bố trí nhiều lớp của Southampton. Đến phút 75, cầu thủ dự bị Tadic kết liễu De Gea bằng cú đệm cận thành. M.U thua trận trong bối cảnh cái gì cũng hơn đối thủ trừ bàn thắng.
Tuần trước, Chelsea cũng áp dụng lối đá “cửa dưới” và thành công với bàn thắng duy nhất của Eden Hazard. Còn hôm qua, lần thứ ba M.U bị đối thủ giăng bẫy kiểu như thế, nhưng Van Gaal đã không có giải pháp nào để tránh cho M.U khỏi một thất bại.
Rõ ràng, sau chuỗi thăng hoa bất ngờ, chiến lược người Hà Lan đã “không rút nổi kinh nghiệm” và hoàn toàn bó tay trước lối phòng thủ triệt để của đối thủ.
Với trận thua này, Quỷ đỏ thành Manchester khó lòng chen chân vào top vô địch tiềm năng. Thậm chí, họ còn đối mặt với nguy cơ bị đánh bật khỏi suất giành quyền dự vòng bảng Champions League (dành cho 3 đội dẫn đầu).
Tin dùng Patrick McNair
Những người yêu mến M.U có quyền đặt câu hỏi tại sao Van Gaal thường tin dùng trung vệ McNair trong những trận cầu quyết định? Sự có mặt của trung vệ này (ngay cả khi M.U) giành chiến thắng, cũng không mang lại sự an tâm cho các cổ động viên.
Tuần trước, McNair là nhân tố giúp hàng công Chelsea “tự tin” hơn, còn tuần này, trung vệ mang áo số 33 là tác nhân trực tiếp tạo ra 2 bàn thua đầu tiên của M.U.
Ở bàn thắng mở điểm của McCarthy, McNair đã có cú truy cản vô hồn, tạo điều kiện cho tiền vệ số 16 Everton băng xuống hạ thủ thành De Gea. Không hiểu, khi xem lại pha bóng này Van Gaal có nhận xét gì về tinh thần thi đấu và năng lực của McNair?
Còn tình huống Stones nâng tỷ số lên 2-0, người ta phải đặt câu hỏi: McNair đã đứng đâu trong pha phạt góc của Everton? Với các góc máy quay chậm, người ta “tìm mãi không thấy” trung vệ này. Đây thực sự là một dấu hỏi lớn về cách dùng người của HLV người Hà Lan.
Rất nhiều fan M.U cho rằng, nếu McNair vẫn tiếp tục nhận được sự ưu ái quá đáng của Van Gaal, M.U sẽ còn phải trả giá nhiều hơn nữa. Đơn giản, cầu thủ này chỉ thi đấu tốt khi phần còn lại của hàng phòng ngự M.U có phong độ “siêu nhân”. Nhưng hôm qua, De Gea, Valencia, Luke Shaw và Smalling lại không thực sự là chính mình.
Dùng Di Maria và Falcao thời điểm này là… vô vọng
Di Maria và Falcao là những cầu thủ lớn, là những người đã ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, thời điểm này cả hai đều không có sự sẵn sàng với phong độ trồi sụt, thể lực hạn chế và đặc biệt là sự thích nghi không tốt.
Sự thích nghi ở đây có thể hiểu là thích nghi với lối chơi chung của đội bóng, với tốc độ của giải Ngoại hạng và cuối cùng, là sự ăn ý với các đồng đội mới.
Di Maria chỉ còn một phần công lực so với thời khoác áo Real. Falcao đối mặt với di chứng chấn thương chưa biết đến bao giờ mới lấy lại phong độ.
Thế nên, việc tung họ vào sân thời điểm này là mạo hiểm, thậm chí, lối chơi thiên về cá nhân của Di Maria đôi khi còn khiến các đồng đội nhụt chí.