57 là số người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tính đến tối 15/3, trong đó có 16 bệnh nhân đã được chữa khỏi.
Những ngày qua, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành và địa phương đã có những chỉ đạo, hành động mạnh mẽ, khẩn trương. Bên cạnh đó, sự đồng lòng, chung tay và ý thức của người dân đang nỗ lực góp phần vào công cuộc chặn dịch tăng nhanh.
Chỉ đạo quyết liệt, kịp thời
Với nhiều ca nhiễm là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, các nhà chức trách nhận định nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ nước ngoài rất lớn, nhất là trong bối cảnh các ca nhiễm ở châu Âu đang tăng vọt từng ngày.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố rà soát tất cả chương trình, kế hoạch đi công tác nước ngoài. Thủ tướng đề nghị cân nhắc, tạm hoãn các chuyến đi công tác nước ngoài trong thời gian này để tập trung chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn nắm rõ mọi tình hình, vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, có phương án, kịch bản chủ động chứ không để bị động trên mặt trận bảo vệ sức khỏe người dân. Việt Nam đủ năng lực, đủ nguồn lực và tinh thần, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh, nhưng không ai được chủ quan, lơ là.
Thủ tướng yêu cầu tất cả địa phương phải nghiêm ngặt, chặt chẽ, kiểm soát tốt hơn nữa nguồn lây từ ổ dịch trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng Việt Nam sẽ chiến thắng dịch bệnh. Ảnh: VGP. |
Đặc biệt, từ thực tế ca bệnh thứ 17 “lọt” cửa khẩu vào Việt Nam, thậm chí biết mình có thể nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo khi nhập cảnh vào Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo để răn đe những cá nhân vi phạm.
Mặt khác, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo phải tìm và cách ly tất cả khách du lịch trong chuyến bay VN54. Đây được xem là chuyến bay mang dịch Covid-19 trở lại Việt Nam.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia ngày 8/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói ta đang phải ngăn dịch từ trăm ngả thay vì vài ngả như trước đây. Nếu không làm tốt sẽ gặp tình huống “trong đánh ra, ngoài đánh vào”.
Theo ông, Việt Nam đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó, ngay cả khi có hàng nghìn ca nhiễm. Vì vậy, nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm cũng không có gì bất ngờ.
Tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch ngày 11/3, ý kiến của Ban chỉ đạo thống nhất rằng với tất cả trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự nếu gây hậu quả lây nhiễm trong cộng đồng.
Chính phủ Việt Nam lúc này cũng quyết định đơn phương tạm dừng chính sách miễn thị thực đối với công dân 8 nước châu Âu (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha) từ 0h ngày 12/3.
Các hãng hàng không của Việt Nam thống nhất quy định bắt buộc khách đeo khẩu trang từ khi ngồi trên máy bay cho đến khi làm thủ tục nhập cảnh và khuyến nghị giải pháp này với các hãng hàng không nước ngoài.
Địa phương phối hợp
Nhằm hạn chế tụ tập đông người, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19, UBND TP.HCM đã chỉ đạo 24 quận, huyện tạm ngừng hoạt động rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu từ 18h ngày 15/3 đến hết ngày 31/3.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quán bar, karaoke, các chương trình ca nhạc, các di tích trên địa bàn Hà Nội (kể cả ngoại thành) phải phun khử khuẩn và tạm thời đóng cửa đến hết tháng 3. Ông Chung kêu gọi thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa dịch trên diện rộng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế và nhiều tỉnh, thành khác cũng đã ký văn bản gửi các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu tạm dừng các dịch vụ karaoke, quán bar, game online, phòng gym, yoga, đóng cửa các rạp chiếu phim, điểm massage... cho đến khi không còn người nhiễm virus corona...
TP Phan Thiết cách ly tuyến phố trong đêm 13/3. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Năm học này sẽ kết thúc trước ngày 15/7. Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến 11/8. Hầu hết tỉnh, thành phố đã thông báo lịch nghỉ học mới.
Trong ngày 15/3, Sở Y tế Quảng Ninh thực hiện cách ly toàn bộ nhân viên y tế, cùng 113 bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh từ 23h ngày 13/3 để rà soát. Đây là nơi bố mẹ bệnh nhân số 52 đang làm việc.
Bệnh viện cũng dừng tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến, bệnh nhân mới đến khám. Quảng Ninh đã tổ chức điều tra, giám sát các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 52, đánh giá tình trạng các nhân viên y tế tại Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh.
Ngoài ra, hệ thống Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) các tỉnh thành hoạt động rất hiệu quả, phối hợp cùng cơ quan chức năng tìm kiếm, khoanh vùng, tổ chức cách ly những người tiếp xúc ca bệnh kịp thời.
Ý thức người dân
Thông tin từ đội ngũ phát triển ứng dụng NCOVI (ứng dụng khai báo y tế toàn dân) cho hay tính đến sáng 15/3, đã có 234.577 người đăng ký khai báo sức khỏe tự nguyện và có gần 50.000 lượt đăng ký bản ghi theo dõi sức khỏe.
Về tự điều tra dịch tễ, đội ngũ phát triển ứng dụng cho biết có hơn 1.200 người khai đã tiếp xúc với người bệnh, 1.651 người khai đi về từ vùng dịch và gần 1.200 người khai tiếp xúc với người về từ vùng dịch.
Ứng dụng cũng nhận được 1.894 phản ánh, kiến nghị của người dân về việc phát hiện các trường hợp nghi nhiễm xung quanh mình.
Hành khách trên các chuyến bay được thông báo cần khẩn trương liên hệ cơ quan y tế. Ảnh: Trung Phong. |
Song song đó, khi nhận được thông báo về các ca bệnh nhiễm Covid-19 cùng thông tin về các chuyến bay do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật phát đi, nhiều người đã chủ động liên hệ cung cấp thông tin, cách ly tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm kịp thời.
Đơn cử như 2 ca bệnh số 45, 48 ở TP.HCM đã tự nguyện đi cách ly khi biết thông tin bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận dương tính với Covid-19.
Tại những nơi công cộng như sân bay, nhà ga, bến xe... mọi người cũng đều chủ động đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay thường xuyên để phòng tránh dịch bệnh. Các nhà hàng, quán ăn cũng đều nhắc nhở khách hàng vệ sinh tay trước khi bước vào quán.
Sau khi có chỉ đạo đóng cửa quán bar, nhiều hàng quán trên phố Tạ Hiện (Hà Nội) đã tạm đóng cửa và treo bảng bằng tiếng Việt và tiếng Anh để thông báo cho du khách, không quên gửi lời chúc quý khách giữ sức khỏe, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Việc một người trở về từ vùng dịch, chủ động khai báo y tế và cung cấp cụ thể lịch trình là cách góp phần giúp ngành chức năng kiểm soát kịp thời sự lây lan của virus corona. Tránh trường hợp như bệnh nhân số 34 cung cấp thông tin nhỏ giọt, vòng vo khiến công an phải vào cuộc điều tra lịch trình.
Đồ họa: Minh Hồng. |