Đến ngày 14/3, dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhập vào 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị tiêu hủy là 23.442 con.
Trong bối cảnh dịch có diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị bàn giải pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi. Buổi họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở, Chi cục Chăn nuôi và Thú y 17 tỉnh có dịch, và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các địa phương khẩn trương áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để khống chế loại dịch này. Đây được đánh giá là có con đường lan truyền phức tạp nên khó kiểm soát một cách triệt để. Trong khi bệnh dịch này không có vắc-xin để phòng bệnh hay thuốc điều trị. Vì thế, giải quyết an toàn sinh học là phương án tối ưu và phải thực hiện triệt để.
"Nếu chúng ta không quyết liệt, ráo riết, thì không biết sẽ thiệt hại đến đâu", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị bàn giải pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi lây lan. Ảnh: www.mard.gov.vn. |
Trong bối cảnh dịch có diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ Nông nghiệp cũng đưa ra cảnh báo cho 3 khu vực trọng điểm có nguy cơ đối diện với dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới.
Các khu vực bao gồm: vùng Đồng bằng sông Hồng với số lợn bệnh đang ở mức cao nhất, miền núi phía Bắc với địa hình phức tạp, các tỉnh miền Nam với hệ thống sông nước dày đặc, xung quanh là thị trường khổng lồ TP.HCM.
"Nếu để lây lan sang các khu vực này thì thiệt hại vô cùng lớn, phải mất thời gian dài mới có thể khôi phục được ngành chăn nuôi”, Bộ trưởng Nông nghiệp nói.
Cục Thú y cũng cho biết nguy cơ dịch tiếp tục được phát hiện ở nhiều địa phương khác là rất cao. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Dịch cũng chưa xuất hiện tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Theo Cục Thú y, dịch chủ yếu xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ảnh: Nongnghiep.vn. |
Trên cơ sở đó, Cục đã đưa ra các giải pháp cho các địa phương khống chế sự lây lan nhanh của loại dịch này.
Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, phải lấy nhóm giải pháp xử lý an toàn sinh học bằng vôi bột đặt lên hàng đầu, xử lý môi trường triệt để ngay từ hộ chăn nuôi. Việc sử dụng vôi bột không những tốt cho đàn lợn mà còn mang lại lợi ích cho các vật nuôi khác. Ngoài ra, người dân phải xử lý thức ăn nuôi lợn bằng phương pháp xử lý nhiệt. Xử lý an toàn sinh học ngay cả người chăn nuôi ngay sau khi di chuyển từ vùng có dịch về.
Đối với các trang trại lớn, Cục Thú y yêu cầu áp dụng khẩn trương các biện pháp an toàn sinh học tăng cường hơn nhiều lần so với trước. Lãnh đạo các tỉnh cần quán triệt đến các trang trại chăn nuôi lớn nâng cao cảnh giác, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh lây lan.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đặc biệt lưu ý truyền thông cần tuyên truyền để người dân, xã hội, thị trường không quay lưng lại với thịt lợn.
"Ổ dịch xảy ra đâu thì đã được kiểm soát ngay và về bản chất bệnh này không lây sang người", Bộ trưởng khẳng định.
Từ 1/2 - 14/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhập và lây lan ra 17 tỉnh, thành phố bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An.
Loại dịch này có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Lợn bị bệnh có biểu hiện là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết đồng loạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Hiện nay, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% vì chưa có thuốc chữa.