Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 dấu hiệu trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

Rối loạn tăng động giảm chú ý gây ảnh hưởng việc học và khả năng hòa nhập của trẻ. Cha mẹ cần sớm nhận biết các dấu hiệu để cho con điều trị kịp thời.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một dạng rối loạn thần kinh gây ảnh hưởng khả năng chú ý của con người. Những đứa trẻ mắc ADHD có thể bị ảnh hưởng khả năng học tập hoặc hòa nhập xã hội nếu không được quản lý, hỗ trợ, theo CNBC.

Nhà tâm lý học trẻ em Irina Gorelik cho biết ADHD cũng giống các chứng rối loạn khác, bác sĩ không thể chẩn đoán chỉ từ một cuộc trò chuyện thông thường.

Lý giải cho điều này, bà Gorelik cho biết những đứa trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có những biểu hiện khác nhau, khiến việc chẩn đoán có thể sai lệch. Nhà tâm lý học chỉ ra ba biểu hiện có thể gặp ở trẻ mắc ADHD như sau:

1. Tăng động: Trẻ thường cảm thấy bồn chồn và khó kiểm soát hành vi.

2. Khó tập trung: Các em dễ bị phân tâm.

3. Biểu hiện kết hợp: Một số trẻ có thể sở hữu cả hai biểu hiện trên.

dau hieu tre mac ADHD anh 1

Trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cần được phát hiện và điều chỉnh hành vi kịp thời. Ảnh: India Unimagined.

Bạn nên cho con gặp bác sĩ chuyên môn để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Nhưng trước đó, bạn có thể dựa trên một số dấu hiệu sau để xác định liệu trẻ có mắc ADHD và cần được điều trị hay không.

Dấu hiệu thứ nhất là trẻ gặp khó khăn khi hoàn thành bài tập ở trường. Bà Irina Gorelik nhận định trường học thường là nơi đầu tiên có thể phát hiện những triệu chứng của ADHD.

Trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý có thể gặp sự cố khi hoàn thành bài tập hoặc làm quen với bài tập mới, đặc biệt là những bài có nhiều bước. Các em cũng gặp khó khăn khi phải làm theo hướng dẫn và không thể hoàn thành bài tập, nhiệm vụ suôn sẻ, mà sẽ gặp một số gián đoạn.

Dấu hiệu thứ hai là trẻ không ngăn nắp. Bà Irina nói ADHD trông giống một đứa trẻ với chiếc cặp sách lộn xộn. Các em sẽ có những biểu hiện như người đãng trí, ví dụ thường xuyên cất, đặt đồ đạc nhầm vị trí hoặc phải vật lộn với việc phân loại đồ đạc.

Dấu hiệu thứ ba là trẻ không thể ngồi yên. Biểu hiện này có thể khiến trẻ bị tụt lại trong những trường học truyền thống và dễ bị cô lập. Nhà tâm lý học trẻ em Irina Gorelik cho rằng trẻ mắc ADHD khó kết bạn vì các em không thể tuân thủ những quy tắc trong xã hội.

Những đứa trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thường ngọ nguậy khi phải ngồi yên, không thể ngồi yên trong 20 phút, nói nhiều, hay chạy linh tinh khi không được phép, gặp khó khăn khi duy trì các cuộc trò chuyện, mất tập trung...

Nếu muốn cho con điều trị, bạn cần xem xét liệu những triệu chứng trên tác động thế nào đến con. Nếu triệu chứng đã xuất hiện trong 6 tháng và ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động thường ngày của trẻ, bạn nên cho con điều trị.

Ngoài ra, cha mẹ có thể áp dụng nhiều cách để hỗ trợ con khi ở nhà, ở trường. Ví dụ, bạn có thể áp dụng những thay đổi phù hợp với trẻ như cho các em thêm thời gian làm bài, thay đổi môi trường học tập phù hợp hoặc lập kế hoạch điều chỉnh hành vi cho con.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến từ các hội nhóm, hỏi xin kinh nghiệm từ những cha mẹ đang nuôi trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý. Nếu bạn quyết định cho con điều trị, bạn cần trao đổi thường xuyên với bác sĩ, chuyên gia phụ trách.

Điểm số giảm, bạo lực học đường tăng vì sóng nhiệt ở Mỹ

Trời nóng khiến trẻ mệt mỏi, giảm tập trung khi lên lớp. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy nhiệt độ trung bình tăng 1 độ C kéo theo tỷ lệ bạo lực tăng 6%.

Thái An

Bạn có thể quan tâm