Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 chợ lãng mạn, giá rẻ hút khách ở Hà Nội

Nhờ hàng rẻ và sự lãng mạn riêng, chợ cốm Mễ Trì, chợ hoa Quảng Bá, chợ gốm Bát Tràng là những điểm đến hút khách thăm quan, mua bán khi tiết trời Hà Nội vào thu.

Chợ cốm Mễ Trì

Chợ cốm Mễ Trì (xã Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1999, mở bán từ 2h đến khoảng 4h sáng mỗi ngày. Nhiều năm về trước, chợ là nơi tập trung hàng trăm gánh hàng bán cốm các loại và những phụ liệu liên quan như lá sen, lá ráy, rơm xanh dùng để gói thứ quà hút khách mùa thu này.

Chợ cốm Mễ Trì họp từ 2 đến 4h sáng mỗi ngày, thu hút nhiều khách Hà Nội tới chơi chợ, thưởng thức cốm mới và mua hàng. Ảnh: Duy Hiếu.

Chị Dương Ngọc Lan (Bùi Thị Xuân, Hà Nội) là khách quen của chợ cốm Mễ Trì. Hàng năm, khi mùa cốm vào chính vụ, chị lại rủ chồng và vài người bạn thân dành ra một buổi dậy sớm đi chơi chợ cốm. Ngọc Lan chia sẻ, thường chị mua cốm ăn luôn tại chợ, sau đó mua thêm một, hai gói về cho người thân, bạn bè. “Ăn cốm non còn nóng hổi với chuối trứng cuốc lúc trời vừa rạng sáng bên những người bạn thân là cảm giác sung sướng, lãng mạn không gì bằng", chị Lan chia sẻ. 

Duy trì thói quen đi chợ từ chục năm nay, nhưng chị Lan cũng tỏ sự nuối tiếc về chợ cốm Mễ Trì đông đúc khi xưa và chợ hiện nay chỉ còn lại vài gánh hàng lèo tèo. Trong sân chợ giờ đã trở thành bãi để xe và những chủ hàng nóng tính, không “thanh lịch” như xưa.

Cốm được các hộ sản xuất tại Mễ Trì mang ra bán trực tiếp tại chợ cho khách mua buôn, mua lẻ có giá rẻ hơn nhiều thị trường. Ảnh: Ngọc Lan.

Chị Hạnh, chủ một gánh cốm tại chợ cho biết, những năm đầu mới xây dựng, chợ khá đông khách. Người mua người bán gặp nhau trò chuyện rất cởi mở, vui vẻ. Nhưng những năm gần đây, do nhiều thông tin tiêu cực về ATVSTP trong việc sản xuất cốm ở một nơi đã khiến cả làng cốm Mễ Trì lao đao, mất khách. 

Những gia đình trụ lại được phần lớn là do tiếc nghề chứ không phải vì lợi nhuận. “Nếu chỉ vì lợi nhuận có lẽ gia đình tôi đã chuyển sang nghề khác từ lâu. Làm cốm phải thức khuya dậy sớm, giá gạo nhập vào thì cao mà giá bán ra bao năm vẫn vậy, thậm chí mất giá. Khách mua lại ngày càng khó tính. Vất vả vô cùng mà thu nhập thấp hơn nhiều nghề lao động khác”, chị tâm sự.

Chợ hoa Quảng Bá

Chợ hoa Quảng Bá nằm trên đường Nghi Tàm (Quảng An, Tây Hồ) là chợ hoa đêm duy nhất ở Hà Nội. Đây cũng là đầu mối cung cấp hoa tươi cho cả thành phố và các tỉnh lân cận. Hoa ở chợ Quảng Bá được đánh giá là đẹp và tươi nhất, chuyển về từ khắp các vùng lân cận Hà Nội như Tây Tựu, Đông Anh, Gia Lâm, Phúc Yên…

Chợ hoa Quảng Bá là chợ hoa đêm duy nhất ở Hà Nội hút mạnh khách mua buôn, mua lẻ và khách thăm quan khi tới thủ đô.

Chợ họp mỗi ngày từ 2 đến 4h sáng cho khách mua buôn, và từ khoảng 5h đến gần trưa cho khách lẻ. Khách tới chợ đông quanh năm, không chỉ là dân buôn bán mà còn có người dân thủ đô và du khách nước ngoài tới thưởng hoa, cảm nhận không khí mua bán, sinh hoạt giữa rừng hoa với đủ loại hương thơm, màu sắc quyến rũ. Khi tiết trời chuyển từ thu sang đông cũng là lúc hoa vào độ đẹp nhất, lại là dịp có nhiều ngày lễ lớn như 20/10, 20/11 nên lượng khách tới chợ đông hơn hẳn.

Tới chợ Quảng Bá, khách hàng có thể tìm thấy bất cứ loài hoa nào mình yêu thích với giá rẻ, tươi đẹp. Ảnh: HanoiTV

Quỳnh Mai và Ngọc Linh (SV năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tới chợ để tìm đầu mối nhập hoa bán vào dịp 20/10 tới. Mai cho biết, do nhà gần chợ Quảng Bá nên đi chợ hoa vào sáng sớm đã là thói quen của cô từ nhiều năm nay. Từ khi còn học phổ thông, vào trước những ngày lễ lớn, Mai thường rủ bạn chung vốn nhập hoa về bán. “Ở chợ Quảng Bá có tất cả những loại hoa bạn cần, và nếu đi chợ vào thời điểm bán buôn thì sẽ thỏa thuận được mức giá rẻ nhất, nhập được nguồn hoa tươi và đẹp nhất. Các shop hoa trong thành phố cũng chỉ nhập hoa ở chợ đầu mối này mà thôi”, Quỳnh Mai chia sẻ.

Chợ gốm Bát Tràng

Chợ gốm Bát Tràng nằm tại trung tâm làng nghề làm gốm truyền thống Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Chợ gốm sứ quy tụ từ những con thú đất nung nhỏ xíu vài ngàn đồng/ con, những chiếc vòng tay bằng gốm độc đáo cho đến những lục bình có giá cả chục triệu đồng.

Chợ gốm sứ Bát Tràng là một trong những điểm du lịch hút khách du lịch khi đến Hà Nội.

 Không chỉ đến mua bán, du khách còn được các nghệ nhân làng cổ giới thiệu công nghệ, tinh hoa của sản phẩm gốm truyền thống, được tham gia nặn đất, tạo hình, vẽ, nung… Tất cả các công đoạn cho ra một sản phẩm gốm có “học phí” chỉ vài chục nghìn đồng.

Kiểu bán hàng kèm chờ đợi, chửi mắng độc nhất Hà Nội

Để người mua xếp hàng chờ hoặc tự phục vụ, yêu cầu trả tiền trước, thậm chí khách gọi ít đồ ăn không bán... là những kiểu kinh doanh không giống ai ở một số hàng quán tại Hà Nội.

Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm