Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

3 cách giúp trẻ 'cai nghiện' thiết bị điện tử

Để giúp trẻ "cai nghiện" thiết bị điện tử, cha mẹ cần có những biện pháp phù hợp. Trang Conversation chỉ ra 3 cách hiệu quả mà cha mẹ có thể áp dụng.

Chuyển đổi công nghệ có vẻ khó khăn hơn các hoạt động khác vì thiết bị điện tử rất "gây nghiện". Ảnh: Pexels.

Lo ngại về thời gian trẻ em sử dụng màn hình điện tử đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều phụ huynh.

Không thể phủ nhận việc sử dụng các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại, máy tính... có thể giúp ích cho học tập vả giải trí, nhưng việc kéo trẻ ra khỏi màn hình để tham gia các hoạt động khác cũng quan trọng không kém.

Thế nhưng, điều này dường như đang dần trở thành "cuộc chiến" căng thẳng trong các gia đình, khi các "cơn giận dữ công nghệ" ở trẻ có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Lý do có "cơn giận giữ công nghệ"

Theo Conversation, chuyển đổi từ việc xem thiết bị điện tử sang hoạt động khác, hay còn gọi là chuyển đổi công nghệ, cũng tương tự những bước chuyển tiếp khác mà trẻ trải qua trong ngày.

Đó có thể là tạm dừng chơi để thay quần áo, hoàn thành bữa ăn sáng để lên xe đi học, hay rời khỏi xích đu khi rời công viên.

Những bước chuyển này có thể phức tạp vì chúng đòi hỏi kỹ năng tự điều chỉnh - thứ mà trẻ em học hỏi và phát triển trong quá trình trưởng thành.

Đối với trẻ em, việc chuyển từ màn hình điện tử sang các hoạt động khác có thể diễn ra nhiều lần trong một ngày.

Thông thường, chuyển đổi công nghệ có vẻ khó khăn hơn các hoạt động khác vì thiết bị điện tử rất "gây nghiện". Các nhà phát triển và thiết kế phương tiện truyền thông sẽ liên tục tìm cách giữ chân người dùng, ví dụ tự động phát các chương trình tiếp theo hoặc hiển thị nội dung tương tự.

Phương án khả quan nhất

Đặt giới hạn thời gian

Tương tự người lớn, trẻ em có thể cảm thấy khó chịu và bực bội khi phụ huynh tắt ngang tivi hoặc giật điện thoại lúc trẻ xem phim hoặc chơi game.

Để tránh những "cơn giận giữ công nghệ" không đáng có, bí quyết nằm ở việc chuẩn bị tâm lý trước cho trẻ. Bạn hãy cho con biết trước khi nào thời gian sử dụng thiết bị của chúng sẽ kết thúc.

Một số cách hiệu quả có thể áp dụng như "Con có thể xem 2 tập phim" hoặc "Khi chơi xong ván này, con sẽ sẽ dừng nhé". Những câu nói này giúp trẻ hiểu được thời gian sử dụng thiết bị và biết rằng chúng có thể tự kết thúc hoạt động đang tham gia.

Hãy nhớ, việc tắt thiết bị đột ngột không những gây khó chịu cho trẻ mà còn có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Bằng cách chuẩn bị và thấu hiểu, bạn có thể giúp trẻ có quá trình chuyển đổi công nghệ suôn sẻ, duy trì bầu không khí hòa hợp trong gia đình.

tre su dung dien thoai anh 1

Bạn hãy đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị và cho trẻ biết trước. Ảnh: Pexels.

Tạo các hoạt động thay thế

Một trong những cách hiệu quả để giúp trẻ "cai nghiện" màn hình là tận dụng chính những nội dung chúng yêu thích để dẫn dắt sang các hoạt động ngoài đời thực.

Nếu con bạn mê mẩn một nhân vật trong phim hoạt hình, hãy thử rủ chúng cùng hoàn thành một bức tranh về nhân vật đó. Bạn cũng có thể cùng con hóa thân thành các nhân vật trong phim để tham gia các hoạt động con thích.

Các bài hát, giai điệu từ những chương trình yêu thích cũng có thể trở thành công cụ cho quá trình chuyển đổi. Cha mẹ có thể bật nhạc phim để cùng con nhảy múa, hát theo, hoặc biến nó thành nhạc nền cho một hoạt động khác. Tiếng nhạc vui vẻ sẽ giúp trẻ hào hứng và quên đi màn hình.

Phụ huynh hãy kết nối với sở thích của trẻ và biến những trải nghiệm trên màn hình thành những hoạt động ở đời thực. Bằng cách này, cha mẹ không chỉ giúp con giảm thiểu thời gian sử dụng thiết bị điện tử, mà còn xây dựng tuổi thơ và tạo ra những khoảnh khắc gắn kết gia đình.

Cho con lựa chọn

Đối với trẻ em, nhiều thứ phải tuân theo quy định như giờ đi học, đồng phục, thắt dây an toàn... Điều này hoàn toàn hợp lý, đảm bảo an toàn và nề nếp cho con.

Tuy nhiên, trao cho trẻ quyền lựa chọn trong một số tình huống nhất định có thể mang lại hiệu quả bất ngờ. Để trẻ rời khỏi màn hình dễ dàng, cha mẹ có thể đưa ra các lựa chọn như "Con muốn xem 2 hay 4 tập phim?", "Con muốn tự giác dừng chơi game khi hết thời gian hay muốn mẹ nhắc?".

Những câu hỏi mang tính lựa chọn này giúp trẻ cảm thấy mình có quyền kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị điện tử, giảm cảm giác bị áp đặt và dễ dàng chấp nhận việc chuyển sang hoạt động khác.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

10 cách kỷ luật trẻ mới biết đi

Nuôi dạy con hiệu quả đòi hỏi phải có kỷ luật, ngay cả với trẻ mới biết đi. Trang Parents đưa ra 10 lời khuyên giúp bạn dạy dỗ con có hiệu quả, tránh đòn roi.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm