Trong 24 đội tham dự Euro năm nay, có hai đội sử dụng sơ đồ 3 trung vệ ngay từ những trận đầu tiên. Chỉ một đội (Xứ Wales) còn tiếp tục. Đội còn lại (Italy), bị loại trong một trận đấu mà đối phương (Đức) cũng quyết định chuyển chiến thuật từ sơ đồ 4 trung vệ sang chính sơ đồ 3 trung vệ, để đánh bại họ.
Điều đó có ý nghĩa gì? Liệu bóng đá cấp đội tuyển vẫn tồn tại những sự sao chép? Liệu mùa giải tới của bóng đá châu Âu sẽ chứng kiến sự lên ngôi của sơ đồ 3-5-2 mà Italy, Xứ Wales hay Đức đang áp dụng thành công? Có thể là không.
Ba trung vệ của Italy chơi rất hay tại Euro 2016. |
Sự khác biệt giữa bóng đá cấp câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia là rất lớn. Khác biệt từ cách làm việc của mỗi huấn luyện viên, từ cách mà mỗi cầu thủ thi đấu trong mỗi khoảng thời gian đều có độ vênh nhất định. Thành công của Italy và Xứ Wales, hai đội bóng có chất lượng đội hình trung bình, sử dụng một sơ đồ cũ mèm (3-5-2), không phải là sơ đồ thời thượng ở cấp câu lạc bộ minh chứng cho điều đó.
Tuy nhiên lẽ ra người ta không nên quá ngạc nhiên với điều đó. Một đội tuyển Hà Lan trung bình từng về đích thứ 3 tại World Cup 2014 với thứ bóng đá phản công khó chịu của Louis van Gaal.
Sơ đồ 3 trung vệ bùng nổ vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khi người ta không còn ưa thích sử dụng hai cầu thủ chạy cánh truyền thống, hay hai hậu vệ biên thuần túy. Thay vào đó là thêm hai người ở hàng tiền vệ. Việc phòng ngự sẽ được giành cho 3 trung vệ.
Tư duy của các huấn luyện viên khi đó, là dùng 3 trung vệ để ngăn chặn các sơ đồ tấn công có 2 tiền đạo. Ngoài hai trung vệ kèm theo kiểu một-một, trung vệ còn lại sẽ chơi như một libero, dâng lên tấn công khi được lúc.
HLV Joachim Loew cũng sử dụng hệ thống với 3 trung vệ trong trận gặp Italy. |
Bóng đá hiện đại trong vòng 10 năm trở lại đây ghi nhận một trào lưu mới. Trào lưu kiểm soát bóng. Xuất phát từ Pep Guardiola, tại Barcelona. Nhưng không phải ai cũng thích nắm giữ 65-70% thời lượng bóng trong mỗi trận đấu. Có những đội thoải mái hơn với việc cầm ít bóng, chơi lùi sâu, kiểm soát khoảng trống, cho phép đối phương chuyền qua lại và chờ đợi cơ hội phản công.
Mùa giải 2015/16 vừa qua là mùa giải ghi nhận sự trở lại của những sơ đồ xưa cũ. Khoan nói chuyện về 3-5-2, hãy nhắc đến 4-4-2, sơ đồ đặc trưng hai tiền đạo. Leicester City và Atletico Madrid là đại diện tiêu biểu. Một đội lọt vào tận chung kết Champions League. Đội còn lại, tạo nên cú sốc lớn nhất lịch sử Premier League.
Đó cũng là một phần lý do. 3-5-2 được sinh ra để khắc chế 4-4-2, và giờ cả hai sơ đồ đó đang trở lại. Sơ đồ 3 trung vệ được khai sinh, một phần để chống lại các đội bóng thường chơi với 2 tiền đạo hồi những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng lý do quan trọng nhất, vẫn là sự phù hợp về mặt con người.
Xứ Wales và Italy, hai đội chơi 3-5-2 nhuần nhuyễn ở giải năm nay, có những con người thích hợp nhất cho sơ đồ này. Với Antonio Conte, là lối chơi áp sát và gây áp lực ngay từ phần sân đối phương. Ở Bari, Atalanta và Siena, ông sử dụng sơ đồ 4 trung vệ. Nhưng tại Juventus, vị huấn luyện viên cá tính này đã tìm ra Andrea Barzagli, Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini. Hệ thống phòng ngự này được hai chuyên gia Thierry Henry và Danny Murphy của BBC nhận định là “bộ ba trung vệ hay nhất thế giới.”
Xứ Wales cũng từng đá với sơ đồ 3-5-2 tại Euro 2016. |
Với Chris Coleman, là bài toán giải phóng Gareth Bale. Ông cũng tổ hợp Joe Ledley, Joe Allen và Aaron Ramsey, 3 cái tên sáng giá nhất của hàng tiền vệ ở giữa, tạo điều kiện cho ngôi sao của Real Madrid thoải mái thi đấu với người đồng đội Robson Kanu, một trung phong.
Huấn luyện viên Joachim Loew toan tính gì khi đổi từ sơ đồ 4 trung vệ sang 3, ở trận gặp Italy. Lo lắng quá mức, hay dựa trên những tính toán khoa học? Không ai biết. Chỉ biết rằng người Đức vẫn đi tiếp, sau loạt đấu súng tệ hại của hai bên.
Nhưng thậm chí nếu Xứ Wales vô địch Euro 2016 bằng sơ đồ 3-5-2, hãy khoan nói về sự bùng nổ của nó trong mùa giải mới ở cấp câu lạc bộ. Hãy nhớ về Louis van Gaal trong mùa đầu tiên tại M.U. Antonio Conte hẳn phải rất dũng cảm, nếu tiếp tục sử dụng nó tại Chelsea.