Trong đó, số người chết ở Lai Châu có 3, Lào Cai 10, Điện Biên 2, Lạng Sơn 2, Hà Giang 1, Sơn La 1, Thái Nguyên 3 và Vĩnh Phúc có 3. Hiện ở Lào Cai và Sơn La đều có 1 người mất tích. Người bị thương của tỉnh Lai Châu có 1, Lào Cai 12, Hà Giang 2 và Tuyên Quang 1.
Số liệu trên vừa được Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứ nạn trung ương công bố vào sáng nay 7/9.
Ngoài thiệt hại về người, còn có 139 ngôi nhà bị hư hỏng và 38 nhà sập đổ, cuốn trôi do lũ quét; 6.789 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; nhiều tuyến đê kè bị sạt lở; một số tuyến đường giao thông cũng bị sạt lở, ngập nước gây ách tắc.
Hiện các địa phương đang tập trung triển khai khắc phục hậu quả của lũ quét, ổn định đời sống cho người dân, thông đường, đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ cho công tác cứu trợ.
Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã suy yếu thành vùng thấp.
Sáng sớm ngày 7/9, sau khi đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hồi 7h sáng nay, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức dưới 39 km/giờ).
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía Tây và suy yếu dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Nhiều địa phương vẫn cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.