Theo thông tin từ PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện tại bệnh viện có 313 ca sởi trong đó có 75 bệnh nhi còn lại là người lớn.
Không chỉ tấn công trẻ em, PGS.TS Kính cho biết, căn bệnh này cũng đang có nguy cơ với người lớn. Tuy nhiên, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, các trường hợp ở người lớn năm nay có diễn biến lâm sàng giống như các ca sởi cổ điển. Biến chứng nguy hiểm nhất ở sởi người lớn là viêm não, dẫn tới rối loạn thần kinh trung khu, rối loạn tuần hoàn hô hấp và tử vong. Trong khi ở trẻ em là biến chứng gặp nhiều nhất là nhiễm trùng bội nhiễm ở đường hô hấp, dẫn tới suy hô hấp nặng và tử vong.
“Hiện tại có nhiều ca sởi người lớn diễn biến nặng đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhưng điều may mắn là đến giờ vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong”, PGS.TS Kính nói.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, dịch sởi đang tấn công cả người lớn. |
Theo ông Kính, mọi đối tượng chưa tiêm sởi, chưa mắc sởi đều có thể bị bệnh (ngay cả với trẻ dưới 9 tháng tuổi). Vì vậy, trẻ em từ 2 tháng tuổi, 6 tháng tuổi tới 9 tháng tuổi đều có nguy cơ.
Đối với trẻ em không được tiêm vắc xin phòng bệnh có nguy cơ mắc sởi và các biến chứng cao nhất, kể cả tử vong.
Phụ nữ mang thai không được tiêm phòng cũng có khả năng lây bệnh. Bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi.
Virus rất dễ lây qua ho và hắt hơi, tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết nhiễm bệnh của mũi hoặc họng. Virus hoạt động và dễ lây trong không khí hoặc trên các bề mặt bị nhiễm trong gần 2 giờ. Nó có thể lây truyền từ người mắc bệnh trong vòng 4 ngày trước khi bắt đầu phát ban cho tới 4 ngày sau khi phát ban. Dịch sởi có thể bùng phát làm nhiều người tử vong, đặc biệt là giới trẻ, trẻ em suy dinh dưỡng.
Để phòng, chống bệnh sởi, cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, người dân không nên nghe theo lời đồn thổi như tắm hạt mùi để phòng sởi, vì không hiệu quả.