Văn phòng thường trực BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết đến sáng 23/7, mưa lũ đã làm 22 người chết (Yên Bái 11, Sơn La 1, Lào Cai 1, Phú Thọ 3, Hòa Bình 1, Thanh Hóa 2) cùng 12 người khác bị mất tích (Yên Bái 6, Sơn La 2, Phú Thọ 1, Thanh Hóa 3).
Bên cạnh thương vong về người, 231 ngôi nhà bị sập, hơn 5.800 căn ngập trong nước và hơn 4.200 nhà bị hư hỏng, cần di dời khẩn cấp.
Mưa lũ khiến 22 người thiệt mạng. Ảnh: Việt Linh. |
Theo Bộ Giao thông vận tải, đến 18h ngày 22/7, các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vẫn còn nhiều điểm bị ách tắc. Tại tỉnh Phú Thọ, quốc lộ 32 có 2 điểm nước ngập sau, quốc lộ 70B có 3 điểm sạt lở và bị ngập, dự kiến thông xe vào hôm nay.
Trong khi đó, quốc lộ 6 đi qua tỉnh Hòa Bình có 1 điểm ngập nước. Tại Sơn La, quốc lộ 6 có 2 điểm ngập nước gây tắc đường, quốc lộ 43 có 6 điểm sạt lở, mọt số tỉnh lộ bị ách tắc giao thông. Dự kiến, trong hôm nay (23/7), các tuyến đường sẽ cơ bản được thông xe.
Báo Yên Bái cho biết để khắc phục hậu quả, toàn tỉnh đã huy động trên 18.000 người thuộc các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ để tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Yên Bái ước tính thiệt hại trên 270 tỷ đồng, đây cũng là địa phương thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản trong đợt mưa lũ này.
Đóng 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình
8h sáng 23/7, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 104,67 m, cao hơn mức cho phép 3,67 m.
Căn cứ diễn biến mưa lũ và nhận định của cơ quan khí tượng, BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào 12h ngày 23/7 và tiếp tục duy phát điện tối đa các tổ máy.
BCĐ yêu cầu tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập để kịp thời báo cáo tình hình.