22 năm Việt - Mỹ: Từ cái bắt tay của Bill Clinton đến bún chả Obama
Thứ sáu, 26/5/2017 09:22 (GMT+7)
09:22 26/5/2017
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, quan hệ hợp tác Việt - Mỹ đã phát triển mạnh mẽ và trải rộng trên khắp các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hóa...
Ngày 11/7/1995, lãnh đạo Việt Nam và Mỹ thông báo trước thế giới rằng 2 nước chính thức bình thường hóa quan hệ, gác lại quá khứ để mở ra một chương mới trong lịch sử hai quốc gia. Đây là kết quả của những nỗ lực cải thiện quan hệ song phương được bắt đầu từ thập niên 1980. Trong ảnh, người dân ngồi xem bản tin Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam tại một tiệm bán tivi ở Hà Nội vào ngày 12/7/1995. Ảnh: AFP.
Một tháng sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher sang Việt Nam, ông nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân bên ngoài tòa nhà Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Đại sứ quán khi đó vừa được nâng cấp lên từ Văn phòng liên lạc sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ. Ảnh: AFP.
Từ ngày 16 đến 19/11/2000, Tổng thống Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam. Cuối năm 2001, Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ có hiệu lực. Trong 15 năm, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trưởng từ 1,5 tỷ USD năm 2001 lên 52 tỷ USD năm 2016. Ảnh: Reuters.
Ông Bill Clinton đến Hà Nội với tư cách tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam sau chiến tranh và là người quyết định bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ song phương. Trong ảnh, Tổng thống Clinton bắt tay người dân từ ban công một ngôi nhà sau khi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: AP.
Khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, Mỹ luôn là đối tác quan trọng và ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào ngày 7/11/2006, tư cách thành viên có hiệu lực từ ngày 11/1/2007. Trong ảnh, một cửa hàng giày tại Hà Nội vào năm 2006. Ảnh: AFP.
Cùng thời gian đó, vào ngày 29/12/2006, Tổng thống Mỹ George W. Bush ký thông qua Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn với Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong ảnh, ông Bush đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 22/7/2007. Ảnh: AFP.
Về hợp tác giáo dục, vào năm 2001, những sinh viên Việt Nam đầu tiên nhận học bổng du học tại Mỹ. Đến năm 2016, Việt Nam đã đứng thứ sáu về số lượng du học sinh đang theo học tại Mỹ. Trong năm học 2015-2016, 21.403 du học sinh Việt Nam đang học tại Mỹ, chiếm 2,1% số du học sinh tại nước này (tăng 14,3% so với năm 2015).
Trong ảnh, sinh viên đang đặt câu hỏi cho đại diện các trường đại học Mỹ tại một hội thảo giáo dục đại học Mỹ tổ chức ở Hà Nội vào tháng 10/2007. Ảnh: AFP.
Từ năm 1985 đến tháng 12/2016, Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) phối hợp cùng Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam
đã tìm được 711 bộ hài cốt người Mỹ tại Việt Nam. Hiện vẫn còn 1.261 trường hợp người Mỹ được coi là mất tích tại Việt Nam trong chiến tranh. Trong ảnh, lễ hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ lần thứ 139 tại Sân bay Quốc tế Nội Bài hồi tháng 12/2016. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Tháng 7/2013, trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama đã ra tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Quan hệ đối tác toàn diện thể hiện ở các hợp tác chính trị và an ninh, thương mại và đầu tư, ngoại giao nhân dân và hợp tác về môi trường. Ảnh: AFP.
Ngày 7/7/2015, trong chuyến thăm Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm cùng Tổng thống Barack Obama tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Đây là cuộc gặp lịch sử trong chuyến công du Mỹ nhân dịp 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, 2 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Ảnh: Reuters
Tháng 5/2016, Tổng thống Barack Obama sang thăm Việt Nam. Tại cuộc họp báo ngày 23/5/2016 ở Hà Nội, tổng thống Mỹ chính thức tuyên bố bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, xóa đi một trong những di sản cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Điểm nhấn trong chuyến thăm của tổng thống Obama còn là sự chào đón người dân dành cho ông. Cả ở Hà Nội lẫn TP.HCM, người dân tụ tập 2 bên đường để chờ đợi và vẫy chào khi xe chở tổng thống đi qua. Trong ảnh, người dân tại Hà Nội đợi để nhìn thấy và bắt tay với tổng thống Mỹ khi ông rời khỏi quán bún chả trên phố Lê Văn Hưu. Ảnh: AFP.
Cũng trong chuyến thăm của Tổng thống Obama, Đại học Fulbright Việt Nam đã được trao quyết định thành lập. Đại học Fulbright Việt Nam hướng tới mô hình trường đại học khai phóng, giúp sinh viên hoàn thiện bản thân và xin việc thành công sau khi tốt nghiệp. Trong ảnh, Ngoại trưởng John Kerry với các thành viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) tháng 12/2013. FETP là cơ sở để thành lập nên Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Thanh Tuấn.
Vào ngày 31/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là lãnh đạo ASEAN đầu tiên tới Nhà Trắng kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống. Hai bên dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề hợp tác song phương. Ngoài ra, theo dự kiến, ông Trump sẽ đến Việt Nam vào cuối năm nay để dự hội nghị APEC. Ảnh: Reuters - Hoàng Hà.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng chuyến công du Việt Nam và Philippines cuối năm nay của Tổng thống Donald Trump là rất quan trọng để củng cố vị trí của Mỹ tại ASEAN.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào ngày 31/5. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận những vấn đề hợp tác song phương và khu vực.
Việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ khiến tổ chức này mất nguồn tài trợ lớn nhất, từ đó ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như đại dịch COVID-19.