Ở Liệp Tuyết ngoài làm ruộng, vài năm trở lại đây nghề mộc trở thành “cần câu cơm” của nhiều gia đình trong xã. Thấy nghề cho thu nhập khá, ông Hồng đến các xưởng mộc học nghề và về mở xưởng.
“Năm 2009, sau khi học nghề thành thạo, với 30 triệu vốn tự có cộng 80 triệu đồng vay Ngân hàng Nông nghiệp, tôi mở xưởng làm đồ nội thất”- ông Hồng nhớ lại.
Theo ông Hồng, làm đồ gỗ nội thất quan trọng nhất là thị trường đầu ra và tay nghề kỹ thuật, giải quyết được 2 vấn đề đó sẽ “giành phần thắng về tay”. Còn nguyên liệu từ gỗ xoan và keo thì ông không lo thiếu, vì đã có các xưởng xẻ trong xã cung cấp.
Xưởng mộc của ông Hồng. |
Ban đầu chưa có nhiều khách hàng, ông chỉ sản xuất với số lượng ít, đi rao bán cho bà con trong xã và các xã lân cận. Một thời gian, tay nghề tinh xảo, các mặt hàng của xưởng ông sản xuất nhận được ngày càng nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi trong thành phố. “Các sản phẩm xưởng sản xuất phần lớn do tôi tự thiết kế mẫu mã nên luôn có nét riêng, đó là lý do vì sao khách hàng ưa chuộng” - ông Hồng lý giải.
Hiện, mỗi tháng xưởng của ông làm 30 - 35 bộ bàn, ghế, bán với giá 2,6 triệu đồng/bộ. Xưởng của ông còn đào tạo nghề và tạo việc làm cho 5-7 lao động địa phương, mỗi ngày được trả công từ 90.000- 150.000 đồng. Sau 3 tháng học nghề, học viên có thể làm được các sản phẩm bàn, ghế đòi hỏi kỹ thuật.
Chia sẻ bí quyết thành công, ông Hồng bảo: “Để có những sản phẩm đẹp trước hết phải đam mê nghề, không ngừng tìm tòi, học hỏi nắm vững kỹ thuật mới, tạo ra những mẫu mã đa dạng, tinh tế thì những sản phẩm gỗ đơn điệu sẽ trở nên có hồn cốt”.