Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

20 tuyến đường ở TP Thủ Đức được đổi tên

Trong số 20 tên đường mới, nhiều danh nhân được lựa chọn có tên gắn liền với thời kỳ cách mạng và quá trình phát triển của đất nước như Nguyễn Thiện Thành, Trần Quý Kiên, Tố Hữu...

Ngày 25/4, TP Thủ Đức tổ chức lễ đặt và gắn tên cho 20 tuyến đường trên địa bàn. Buổi lễ được tổ chức tại nút giao các tuyến đại lộ vòng cung (R1), đường ven sông Sài Gòn (R3) và đường Châu Thổ (R4) thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM).

Trong số 20 tên đường mới, nhiều danh nhân, nhân vật lịch sử được lựa chọn có tên tuổi gắn liền với thời kỳ cách mạng và quá trình phát triển của đất nước như Nguyễn Thiện Thành, Trần Quý Kiên, Tố Hữu, Trần Bạch Đằng, Bùi Thiện Ngộ...

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết việc đặt tên đường mới ngoài phục vụ công tác quản lý đô thị, hành chính còn là nguyện vọng của người dân đối với việc ghi công những thế hệ đi trước, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Dat ten duong Nguyen Thien thanh anh 1

Ông Nguyễn Thiện Nhân dự lễ đặt tên đường tại TP Thủ Đức. Ảnh: Q.H.

Ngoài ra, việc triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông trọng điểm gắn với quy hoạch đô thị cũng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của TP Thủ Đức.

Phát biểu tại lễ đặt tên đường, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, thay mặt gia đình giáo sư Nguyễn Thiện Thành cùng gia đình các danh nhân cảm ơn HĐND thành phố đã có quyết định đặt tên đường nhằm ghi nhận những đóng góp trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước.

"Việc đặt tên danh nhân cho các tuyến đường sẽ là cầu nối lịch sử về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tên đường chính là để giáo dục cho thế hệ sau những giá trị lịch sử, văn hóa", ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.

Tại buổi lễ, ông Trần Quyết Chiến, con trai út của nhà cách mạng Trần Quý Kiên chia sẻ đây là giây phút thiêng liêng đối với gia đình khi những hy sinh của thế hệ trước được ghi nhận.

"Sau này, con cháu chúng tôi sẽ đi trên con đường mang tên cha ông mình, đó là niềm tự hào không thể đo đếm được. Chúng tôi sẽ giáo dục cho con cháu sống cho xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước và với sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và người dân thành phố", ông Trần Quyết Chiến chia sẻ.

Dat ten duong Nguyen Thien thanh anh 2

Gia đình nhà cách mạng Trần Quý Kiên dự lễ đặt tên đường. Ảnh: Q.H.

Con đường mang tên giáo sư Nguyễn Thiện Thành được đặt cho đường ven sông (R3) cũ dài gần 2,8 km. Đường Trần Quý Kiên được đặt cho tuyến đường không tên tại phường Thạnh Mỹ Lợi.

Đường mang tên nhà thơ Tố Hữu là tuyến ven hồ trung tâm (R2) và một phần đường ven sông Sài Gòn (R3) dài hơn 3 km trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đường Trần Bạch Đằng là đại lộ vòng cung cũ (R1) dài hơn 3,3 km.

Một số tuyến đường khác được đặt tên cùng ngày gồm đường Trần Văn Sắc, Thái Ly (phường Thảo Điền), đường Hồ Thị Nhung (phường Bình Trưng Đông), đường An Tư Công Chúa, Lưu Đình Lễ, Tinh Thiều, Bạch Đông Ôn, Phạm Văn Ngôn, Đặng Bỉnh Thành, Đặng Đình Tướng, Dương Lâm, Dương Thanh (phường Bình Khánh), Trần Đức Thảo (phường Phước Long A), Nguyễn Thị Thích, Nguyễn Thị Diệp (phường Bình Chiểu).

GS.TS Nguyễn Thiện Thành sinh ngày 30/9/1919 tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, Trà Vinh. Ông qua đời ngày 8/10/2013 tại nhà riêng ở TP.HCM, hưởng thọ 95 tuổi.

Ông được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng 16 huân chương, huy chương các loại; danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; danh hiệu Anh hùng lao động (1985); danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (1989).

GS.TS Nguyễn Thiện Thành là thân sinh của ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Nhà cách mạng Trần Quý Kiên (1911-1965) tên thật là Đinh Xuân Nhạ, nguyên Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh), Bí thư Đảng ủy Dân chính Đảng Trung ương, Phó ban Tổ chức Trung ương, Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi.

Tháng 10/1930, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam. Cuối năm 1936 ông được trả tự do. Về Hà Nội, ông cùng với các ông Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh thành lập Ủy ban sáng kiến, đây là cơ quan lãnh đạo lâm thời Xứ ủy Bắc kỳ. Đồng thời khôi phục lại Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Hải Phòng và các tổ chức đảng ở một số địa phương.

Năm 1938 ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội và được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ cùng hai người gồm Hoàng Văn Thụ và Lương Khánh Thiện.

Giai đoạn 1930-1940, ông là Bí thư Hà Nội duy nhất thoát được máy chém của thực dân Pháp. Ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ 1 vào tháng 6/1940 và bị luân chuyển qua 5 nhà tù tại miền Bắc. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ông vượt ngục và được cử làm Bí thư Khu ủy Chiến khu Quang Trung. Tháng 10 cùng năm, ông có công lãnh đạo giải phóng và thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh Sơn La và huyện Quỳnh Nhai (Lai Châu).

Trong khi hoạt động cách mạng, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2018, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng.

4 cây cầu bắc qua Thủ Thiêm được đề xuất tên mới

Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM kiến nghị đổi tên 4 cây cầu bắc qua Thủ Thiêm hiện tại thành Thủ Thiêm, Ba Son, Thủ Ngữ, Bến Nghé.

Quang Huy

Bình luận

Bạn có thể quan tâm