Tối 7/4, bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), xác nhận với Zing về việc trên địa bàn có 9 hộ dân với 20 nhân khẩu đóng cửa nhà vào khu vực nương rẫy để làm mùa, kết hợp tránh dịch Covid-19.
Theo đó, có 9 hộ dân người Mày ở bản Lòm, xã Trọng Hóa, quyết định rời khỏi nhà ở hiện tại, vào khu vực nương rẫy cách nhà khoảng 3-5 km trong rừng.
"Qua xác minh, 9 hộ dân này sau khi xem tin tức về dịch Covid-19 trên TV nên có phần lo lắng và quyết định vào nương rẫy vừa để làm mùa kết hợp với việc tránh dịch bệnh", bà Thoi nói.
Người Mày sinh sống trong những ngôi nhà sàn lợp lá ở bản Lòm, xã Trọng Hóa. Ảnh: Bùi Cường. |
Cũng theo bà Thoi, thời gian đầu tháng 4 hàng năm, đồng bào Mày ở bản Lòm thường vào khu vực nương rẫy để làm đất, gieo hạt cho mùa vụ mới. Phong tục này được người dân địa phương duy trì đã nhiều năm nay.
Chiều cùng ngày, chính quyền xã Trọng Hóa phối hợp với Đồn biên phòn Ra Mai đã vào tận rẫy của 9 hộ dân để động viên mọi người giữ bình tĩnh. Xã Trọng Hóa cũng thông tin cụ thể về tình hình dịch bệnh ở Quảng Bình cho toàn bộ người dân bản Lòm để mọi người yên tâm sinh hoạt, tránh tâm lý hoang mang trước dịch bệnh.
Trao đổi với Zing về vụ việc, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, khẳng định việc 20 người Mày ở bản Lòm vào nương rẫy là theo thói quen canh tác lâu nay.
"Họ có rẫy ở trong rừng nên vào làm mùa cho kịp thời vụ chứ không phải bỏ đi trốn dịch. Họ vào rẫy ở lại một đến hai ngày rồi về bản sau khi xong việc", ông Tuấn nói.
Đến tối cùng ngày, xã Trọng Hóa đã có báo cáo chi tiết vụ việc cho huyện Minh Hóa. Một số hộ dân đã trở về nhà sau khi hoàn thành việc gieo hạt. Số còn lại vẫn tiếp tục ở lại do chưa hoàn thành công việc.
Bản Lòm (xã Trọng Hóa) hiện có 82 hộ dân với 426 nhân khẩu, đa phần là người Mày. Hàng năm, người dân đều vào rừng làm rẫy, ở lại qua đêm. Tùy theo diện tích canh tác mà mỗi hộ dân có thể ở lại trong rẫy từ 2 đến 3 ngày, dài nhất là một tuần để hoàn thành việc gieo hạt, trồng lúa, ngô, sắn.