Hiện một tập đoàn đa quốc gia đã liên hệ ông Hoàng Tuấn Anh đặt làm 20 cây "ATM gạo" tặng Ấn Độ.
Đồng thời, ngày 16/4, Tham tán thương mại của Malaysia tại Việt Nam cũng đến thăm và tìm hiểu về cách sản xuất, vận hành máy phát gạo tự động. Ông Tuấn Anh cho biết phía Malaysia đang kêu gọi một số doanh nghiệp hỗ trợ để đưa "ATM gạo" đến nước này.
Trước đó, bản thân ông Tuấn Anh cũng đã liên hệ thông qua Bộ Ngoại giao để bày tỏ mong muốn gửi tặng máy đến một số quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan...
"Tôi hy vọng có thể đem sản phẩm của Việt Nam hỗ trợ các quốc gia khác, đồng thời để bạn bè quốc tế thấy được sức sáng tạo và lòng nhân ái của người Việt", ông chia sẻ.
Người dân nhận gạo miễn phí tại ATM gạo Tân Phú. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trong nước, khoảng 30 máy phát gạo tự động đã được đội ngũ của ông Hoàng Tuấn Anh lắp đặt tại nhiều tỉnh, TP. Tất cả máy được chuyển giao quy trình vận hành cho từng địa phương. Riêng tại "ATM gạo" đầu tiên ở quận Tân Phú (TP.HCM), số gạo phát ra đến nay đã lên tới hơn 30 tấn.
Trung bình, chi phí sản xuất một chiếc "ATM gạo" là 25-30 triệu đồng, chưa kể chi phí vận chuyển, vận hành. Mục tiêu của chủ nhân mô hình này là hoàn thành 100 máy để lắp đặt từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, hiện nay, anh cùng cộng sự chỉ có thể sản xuất tối đa 5-10 máy mỗi ngày do yêu cầu về kỹ thuật và nguyên vật liệu.
Sáng kiến của Hoàng Tuấn Anh đã gợi cảm hứng cho nhiều mạnh thường quân khác. Khoảng 1 tuần trở lại đây, rất nhiều cây "ATM gạo" khác đã mọc lên tại Hà Nội, Huế, Đắk Lắk, Đà Nẵng..., giúp đỡ hàng nghìn người dân khắp cả nước trong giai đoạn khó khăn do Covid-19.
Trước đó, ông Hoàng Tuấn Anh cùng cộng sự đã lắp đặt hàng trăm bộ chuông cửa camera ở bệnh viện dã chiến Củ Chi, Cần Giờ và các phòng xét nghiệm virus ở Viện Pasteur và dành tặng hàng nghìn chai nước rửa tay, khẩu trang cho nhân viên vệ sinh của các công ty dịch vụ công ích.