Lần đầu tham gia workshop làm gốm với tôi là một trải nghiệm thú vị. Tôi đã có gần 90 phút hoàn toàn thư giãn vào cuối tuần.
Biết đến các workshop gốm từ lâu nhưng mãi cho đến cuối tháng 11/2021, tôi mới có dịp trải nghiệm một lớp ở quận 7, TP.HCM. Vì sắp đến Giáng sinh nên tôi muốn sửa soạn một ít đồ trang trí nhà cửa.
Với 600.000 đồng, tôi đã có 2 tiếng lên ý tưởng, thực hiện và hoàn thành 8 món đồ gốm dưới sự hướng dẫn của giáo viên người Hàn Quốc. Tuy kết quả không hoàn hảo, tôi rất vui vì chúng "cộp mác" cá nhân và hơn nữa, tôi đã có khoảng thời gian xả stress hiệu quả.
Lớp học ấm cúng, vui vẻ
Tôi đăng ký tham gia khóa làm gốm chủ đề Giáng sinh của Haru Craft và cọc 50% trước ngày học. Khoản tiền này chủ yếu để giữ chỗ, bởi tiệm chỉ nhận tối đa 5 người/lần. Mỗi lớp gốm kéo dài khoảng 2 tiếng và thường diễn ra vào thứ 6, thứ 7.
Số lượng lớp cũng khá giới hạn vì dịch bệnh. Ngoài 3 khung giờ đã tổ chức, hiện từ 29/11 đến ngày Giáng sinh, studio dự kiến chỉ mở thêm 1-2 lớp tương tự.
Quãng đường từ nhà tôi đến Haru Craft khoảng 12 km. Địa điểm nằm trên đường số 17, quận 7. Khu vực này yên tĩnh và tập hợp nhiều quán ăn, cửa hàng theo phong cách Hàn Quốc.
10h sáng, tôi có mặt ở studio như lịch hẹn. Không gian của Haru Craft nhỏ hơn nhiều so với tôi tưởng tượng. Lớp chúng tôi hôm đó có 3 học viên bao gồm cả tôi, 1 giáo viên người Việt và 1 giáo viên người Hàn - cô chủ tiệm gốm.
Không khí Giáng sinh tràn ngập căn phòng khi Last Christmas, It's Beginning to Look a Lot Like Christmas được bật lên, theo sau là một số bài hát tiếng Hàn nhẹ nhàng, dễ chịu. Lắng nghe giáo viên giới thiệu các bước tạo gốm, trong lòng tôi háo hức lạ thường.
Sáng tạo với đất sét và màu nước
Sau màn giới thiệu, mỗi người được phát một tờ giấy trắng và bút chì, gôm. Ở bước một, chúng tôi sẽ dành 10-15 phút làm khuôn, nghĩa là phác thảo hình dạng 8 mảnh gốm mình muốn nặn.
Vốn không phải người khéo tay, tôi gặp bối rối ngay từ những nét vẽ đầu tiên và phải tẩy xóa liên tục.
Ngoài mẫu có sẵn ở tiệm, tôi lên mạng tìm các hình vẽ liên quan đến Giáng sinh như người tuyết, cây thông, tuần lộc,... để sao chép và biến tấu một chút cho đúng ý.
Kế đến, chúng tôi cắt những hình đã vẽ ra và chuyển sang bước nhào đất sét. Với tôi, đây là bước khó nhất. Nó không đòi hỏi sự khéo léo nhưng đòi hỏi cảm nhận và hiểu biết của người làm về đất nặn. Tôi phải nhào, đập, cán sao cho chất lượng cả cục đất sét đều nhau, không có chỗ dày, chỗ mỏng.
Haru - giáo viên người Hàn - đã giúp tôi ở công đoạn này vì thấy tôi khá loay hoay. Sau 10 phút, chúng tôi có những miếng đất sét tròn, dẹt sẵn sàng được tạo hình.
Chúng tôi được hướng dẫn đặt hình vẽ của mình lên đất sét và bắt đầu cắt theo mẫu. Từ những đường cắt nông làm dấu, chúng tôi dùng dao nhấn sâu hơn để tách từng mảnh riêng biệt. Vì đất sét chưa khô hẳn nên giáo viên chỉ chúng tôi mẹo cắt bỏ những khoản dư xung quanh.
Trong 20-30 phút, 8 miếng đất sét với hình thù khác nhau dần hiện ra khiến tôi phấn khích. Vậy là cả lớp đã đi được 1/2 chặng đường.
Để sản phẩm cuối cùng được bóng đẹp, chúng tôi dùng bông xốp thấm nhẹ nước lên các cạnh của đất sét, đồng thời đục lỗ để xỏ dây treo sau này.
Sau bước đó, chúng tôi có 10 phút nghỉ giải lao trong lúc chờ phơi đất sét. Lúc này, giáo viên sẽ xếp màu nước và cọ lên bàn. Người tham gia có thể chọn làm nền gốm theo 2 cách: Giữ nguyên màu nâu nhạt của đất sét, hoặc dùng đất sét trắng tô nhẹ 2-3 lớp để gốm mang màu trắng.
Một bạn học của tôi chọn cách hai và tốn nhiều thời gian hơn khi vẽ. Lý do là sau mỗi lần tô một lớp nền, bạn đều phải ngồi đợi màu khô.
Riêng tôi chọn giữ màu thật, vì vậy chỉ cần điểm thêm một ít họa tiết để tác phẩm hoàn chỉnh.
Điều thú vị là hầu hết hình vẽ không theo sát dự định ban đầu của tôi. Trong quá trình quẹt cọ, tôi nảy ra nhiều ý tưởng mới và hoàn toàn làm những gì mình thấy hợp lý, không có khuôn mẫu nào.
Tôi tô màu xong vào khoảng 12h và đưa sản phẩm của mình cho nhân viên. Haru Craft sẽ lo phần nung và hẹn gửi lại cả gốm, thanh gỗ, dây đèn trang trí cho tôi trong vòng 7 ngày.
Rời studio, tôi thấy nhẹ nhõm và rất mong đến ngày nhận thành phẩm. Chưa đầy 30 ngày nữa là đến Giáng sinh, tôi đang bắt đầu nghĩ mình sẽ treo gốm ở đâu trong nhà và chụp ảnh như thế nào.
Một số kinh nghiệm của tôi khi đi làm gốm:
- Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể liệt kê hay tìm sẵn hình muốn vẽ ở nhà.
- Đây là trải nghiệm phù hợp tham gia một mình. Để đảm bảo giãn cách, tiệm cũng không khuyến khích nhóm đông.
- Khi nung đất sét sẽ nhỏ lại một chút, do đó bạn nên vẽ khuôn to hơn kích thước mong muốn.
- Ngoài lớp Giáng sinh, Haru Craft vẫn thường xuyên tổ chức những workshop làm tô, dĩa gốm hay lớp kéo dài 1 tháng cho ai muốn tìm hiểu sâu về bộ môn này.