Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, chiều nay đã dành cho Đài Truyền hình Việt Nam cuộc phỏng vấn nhìn lại toàn bộ chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn 2 chiếc máy bay và 11 quân nhân. Thượng tướng nhấn mạnh, qua sự việc này cần rút kinh nghiệm để quân đội mạnh hơn, lực lượng không quân tinh nhuệ hơn và an toàn hơn, và không để những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai.
- Thưa thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, 2 tai nạn máy bay liên tiếp xảy ra, đến thời điểm này, Bộ Quốc phòng đánh giá sự việc này như thế nào?
- Đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng đối với quân đội, với toàn quân. Tâm lý chung bấy giờ của các đồng chí lãnh đạo quân đội cũng như của toàn quân, toàn dân là rất tiếc, đau và rất xót xa.
Ở đây chúng tôi với tư cách là những người chỉ huy quân đội còn rất trăn trở, lo lắng cho các đồng chí của mình. Tôi muốn nói rằng suy nghĩ đầu tiên của Thường vụ Quân ủy TƯ, của Bộ Quốc phòng là nghĩ đến 11 đồng chí của chúng ta đang ở ngoài biển và gia đình của các đồng chí.
- Thượng tướng đánh giá thế nào về công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn hai máy bay trong những ngày vừa qua?
- Tôi cho rằng đây là thời gian rất nhanh với một nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị, toàn dân mà trong đó nòng cốt là quân đội. Trong những ngày vừa qua, toàn quân, từ Bộ trưởng, Tổng tham mưu trưởng đến các lãnh đạo Bộ, các binh chủng, các cơ quan đơn vị, những ai có thể tham gia được, tất cả trang bị có thể sử dụng được của quân đội đều đã được huy động.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Cảnh Toàn. |
Công tác tìm kiếm cứu nạn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của quân đội trong thời bình. Phải lấy bài học của việc giải quyết sự việc này để rút kinh nghiệm cho những sự kiện trong tương lai đặc biệt trong công tác tìm kiếm cứu nạn và cả công tác giúp dân trong thiên tai, bão lũ. Tôi cho rằng đây sẽ là bài học quý.
- Tức là sắp tới Bộ Quốc phòng sẽ nghiêm khắc để có thể rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm và cả tổng kết lại sự việc vừa rồi?
- Chúng ta cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm với mục đích không phải để kiểm điểm ai cả, mà để làm sao chúng ta làm nhiệm vụ tốt hơn, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tốt hơn, tăng cường sức mạnh hơn nữa cho không quân nói riêng và quân đội nói chung.
Không để sự việc này làm yếu đi, trước hết là tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ tại các binh chủng kĩ thuật để các cán bộ chiến sĩ tin tưởng hơn nữa trang thiết bị mà họ sử dụng là trang thiết bị tốt và họ cần phải làm như thế nào để tốt và an toàn hơn nữa.
Một vấn đề nữa cũng cần rút kinh nghiệm là vấn đề thông tin và truyền thông. Nếu chúng ta không có thông tin kịp thời, chính xác, có chừng mực thì bị loạn thông tin. Bên cạnh đó nó ảnh hưởng ngay lập tức đến tâm tư, tình cảm, trước hết của gia đình các đồng chí đang gặp nạn, sau đó đến toàn dân.
Tôi thấy Tổng cục Chính trị, Cục Tuyên huấn, đặc biệt là hệ thống báo chí đã cùng với quân đội làm rất tốt việc này.
- Với công tác hậu phương cho những quân nhân hy sinh ngay ở thời điểm này và sắp tới, Bộ Quốc phòng sẽ có những quan tâm, chỉ đạo như thế nào?
Quân đội sẽ có trách nhiệm với con cái các đồng chí ấy, các đơn vị đều được giao lo cho gia đình, con cái. Gia đình nếu khó khăn về công ăn việc làm, từng bước giải quyết theo nguyên tắc chung của quân đội và theo khả năng của địa phương.