Loạt phim tài liệu Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel (tạm dịch: Hiện trường vụ án: Vụ biến mất ở khách sạn Cecil) đã đưa ra lời giải cho vụ án mất tích kỳ bí nhất thế kỷ 21, xảy ra vào năm 2013.
Nạn nhân đầu tiên trong vụ việc là Elisa Lam, 21 tuổi, người gốc Hoa. Cô mắc chứng rối loạn lưỡng cực nhưng không nhận được sự giúp đỡ từ người xung quanh.
Còn nạn nhân thứ hai là Pablo Vergana, du khách từng có mặt ở khách sạn Cecil, nơi xảy ra vụ án. Anh là nạn nhân của tấn công trên mạng, bị đổ lỗi là thủ phạm bởi các YouTuber, những "thám tử giấu mặt trên Internet".
Clip ghi lại hình ảnh cuối cùng của Elisa Lam vẫn gây tranh cãi cho tới tận ngày hôm nay. |
Nạn nhân của rối loạn lưỡng cực
Trước khi qua đời, Elisa Lam phải vật lộn với chứng rối loạn lưỡng cực trong thời gian dài. Thế nhưng, gia đình cô không hề hay biết.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rối loạn lưỡng cực gồm giai đoạn hưng cảm và trầm cảm. Giai đoạn hưng cảm liên quan đến trạng thái tăng động, cáu kỉnh, hoạt động quá mức, nói nhanh, khó ngủ. Ngược lại, giai đoạn trầm cảm khiến người bệnh rơi vào tình trạng trầm uất, buồn chán, thờ ơ.
Các giai đoạn này có thể cách nhau vài tháng hoặc vài năm sau, nhiều trường hợp xuất hiện cùng lúc.
Người bị rối loạn lưỡng cực dễ lạm dụng rượu bia hoặc thuốc an thần. Tình trạng hưng - trầm cảm khiến cho họ khó duy trì các mối quan hệ xã hội. Nhiều người xung quanh không thể thông cảm được vì cách ứng xử lạ lùng.
Rối loạn lưỡng cực gồm giai đoạn hưng cảm và trầm cảm. Ảnh: Everyday Feminism. |
Người mắc các bệnh lý tinh thần bao gồm rối loạn lưỡng cực rất khó để được gia đình hiểu và chấp nhận. Chính vì vậy, nhiều người lựa chọn im lặng, tự giải quyết vấn đề của mình.
Nếu không được hỗ trợ kịp thời, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn. Người bệnh còn có thể rơi vào hoang tưởng, thậm chí tự hoại bản thân và dẫn đến tự tử, theo WHO.
Do đó, việc chăm sóc, đồng hành với người bị rối loạn lưỡng cực là điều vô cùng cần thiết.
Rối loạn lưỡng cực có thể điều trị bằng thuốc kết hợp với liệu pháp trị liệu hành vi (CBT). Ngoài ra, người thân có thể thường xuyên trò chuyện, trao đổi với bệnh nhân và đưa ra góc nhìn giúp họ cân bằng lại cảm xúc.
Sự có mặt và đồng hành của người xung quanh sẽ khiến người mắc chứng rối loạn lưỡng cực cảm thấy sự sống của bản thân có ý nghĩa.
Bị tấn công trên mạng
Sự mất tích của Elisa Lam từng khiến cộng đồng mạng bàn tán và truy lùng hung thủ trong thời gian dài. Tuy nhiên, sự suy đoán vô căn cứ của nhiều “thám tử mạng” đã dẫn đến bi kịch của Pablo Vergana, nạn nhân thứ hai trong sự việc.
Người đàn ông Mexico này bị cư dân mạng kết án là hung thủ giết Lam. Mặc Vergana giải thích rõ ràng anh không hề liên quan đến chuyện này, làn sóng phẫn nộ cùng hàng trăm tin nhắn đe dọa, thù ghét ập đến với anh mỗi ngày.
Sự miệt thị dai dẳng trên mạng xã hội khiến Vergana rơi vào trầm cảm. Cuộc sống, công việc của anh bị đảo lộn và không thể trở lại như trước.
"Tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện tâm thần. Họ khiến cho cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi không còn làm nhạc được nữa. Tôi cố xây dựng lại cuộc đời nhưng thất bại. Sự việc này không bao giờ biến mất, nó hiện hữu với tôi đến cuối đời”, Pablo Vergana nói.
Pablo Vergana cảm thấy không còn lối thoát với sự thù ghét tiêu cực của cộng đồng mạng. Ảnh minh họa: Daily Jsto. |
Đặc điểm của vấn nạn miệt thị trên mạng xã hội là tính lan tỏa và có thể ẩn danh.
Nhà tâm lý, xã hội học Gustave Le Bon từng viết trong cuốn sách Psychology of Crowds (tạm dịch: Tâm lý học đám đông): "Đám đông luôn bị vô thức tác động, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng".
Do đó, một đám đông trên mạng xã hội là điều kiện thuận lợi cho việc miệt thị, chửi rủa và đe dọa người khác.
Theo tạp chí Psychology Today, Trung tâm nghiên cứu Pew của Đại học Elon (Mỹ) đã thu thập câu chuyện từ các chuyên gia và học giả về tác động của Internet.
Các chuyên gia cho biết vấn nạn miệt thị qua mạng là một trong số mặt trái của Internet. Hành vi này gây ra bạo lực tinh thần và sang chấn tâm lý tồn tại dai dẳng trong tâm trí nạn nhân. Sự thù ghét kéo dài của cộng đồng mạng khiến cho họ cảm thấy không còn lối thoát.
Nói cách khác, trở thành nạn nhân của một vụ tấn công qua mạng khiến cho cuộc của một người bị hủy hoại về tài chính, tình cảm và thể chất. Hậu quả tồi tệ nhất của miệt thị trên mạng là nhiều người trẻ tuổi tự kết liễu đời mình, theo Psychology Today.
Trong bài viết về miệt thị qua mạng đăng trên trang web Scary Mommy, nhà văn Christine Organ cho biết: "Tôi nghĩ rằng nhiều người hùa vào tấn công một cá nhân trên mạng vì cảm giác tức giận và thất vọng. Họ mong muốn lên án hành vi xấu và có nhu cầu thỏa mãn cảm xúc của mình. Không may, trong một số trường hợp, mong muốn của họ lại khiến cuộc đời một người hoàn toàn sụp đổ".
Hành vi tấn công trên mạng gây ra bạo lực tinh thần và sang chấn tâm lý tồn tại dai dẳng trong tâm trí nạn nhân. Ảnh: ChatterBlast. |
Sau khi sự thật về vụ mất tích của Elisa Lam được phơi bày, không một ai xin lỗi Pablo Vergana. Người đàn ông vô can này đã trở thành nạn nhân của cuộc tấn công trên mạng chỉ vì nhiều người tin rằng họ đang thực thi công lý.
Dù Vergana phải chịu đựng vết thương tâm lý khó có thể lành lại, đám đông từng chĩa mũi dùi vào anh vẫn không phải gánh chịu hậu quả gì.
Rất có thể, nhiều người trong số đó mãi không nhận thức được mình đã hủy hoại cuộc đời của người khác ra sao và cứ thế "hồn nhiên" tham gia vào các đám đông bạo lực tồn tại nhan nhản trong cộng đồng mạng mỗi ngày.