Nguyễn Tuấn Quỳnh hiện là Chủ tịch hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), Phó Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC), thành viên HĐQT công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Tháng 3 vừa qua, người đàn ông trung niên này ra mắt tập sách “Hãy sống ở thể chủ động”.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SFC. |
Đây là những trải nghiệm được anh tích lũy, đúc rút sau 20 năm lăn lộn trên thương trường. Một hình thức chia sẻ với cộng đồng, nhất là những người trẻ. Ở cương vị điều hành doanh nghiệp, Quỳnh quan niệm doanh nhân phải giỏi phép tính chia. Cụ thể là chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với những cộng sự. “Tôi rất tin vào luật nhân quả. Nếu bạn yêu thương và chăm sóc tốt nhân viên của mình thì chắc chắn họ sẽ thương bạn và nỗ lực làm việc vì công ty”, Quỳnh nói.
2 năm kiếm trên 1 triệu USD
Hơn 1 triệu USD là kết quả mà Quỳnh không ngờ mình đã đạt được chỉ 2 năm sau khi trở thành doanh nhân. Đó là một cơ duyên, Quỳnh chia sẻ. Giai đoạn 2005-2007, thị trường chứng khoán bùng nổ, hút mạnh dòng vốn ngoại. Lúc đó, Mekong Capital mua trên 26% cổ phần của Saigon Gas với điều kiện công ty phải chuyển đổi hoạt động kinh doanh từ gas công nghiệp sang gas dân dụng. Điều kiện thứ hai là mời Nguyễn Tuấn Quỳnh, đang là Phó phòng Kinh doanh gas của Saigon Petro, vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Saigon Gas với 20% vốn góp. Theo Mekong Capital, Quỳnh là một trong số rất ít những nhà quản lý có năng lực tốt nhất ngành gas Việt Nam thời điểm đó.
Để rời bỏ Saigon Petro, Doanh nghiệp Nhà nước mà người đảng viên trẻ Nguyễn Tuấn Quỳnh gắn bó từ lúc ra trường là điều không hề dễ dàng. Thời điểm đó, việc đảng viên làm kinh tế tư nhân vẫn đang được thảo luận hết sức nóng bỏng trên nghị trường. Tuy nhiên, khát khao trải nghiệm cảm giác làm “ông chủ” đã thôi thúc anh ra đi sau 11 năm gắn bó, mặc dù đã được quy hoạch là lãnh đạo trẻ tương lai của Saigon Petro. Đó là năm 2005.
Hồi tưởng lại quãng thời gian đáng nhớ khi về Saigon Gas, Quỳnh khởi đầu từ con số không. Không khách hàng. Không một bình gas dân dụng. Dấu ấn đầu tiên mà anh tạo dựng ở Saigon Gas là từ buổi hội nghị khách hàng của một doanh nghiệp trong ngành tổ chức tại Đà Lạt. Kết thúc chương trình, Quỳnh mời 14 tổng đại lý sang một phòng họp anh đặt trước, trình bày về chiến lược phát triển và các chính sách bán hàng của Saigon Gas; kèm theo là những bộ hợp đồng được soạn sẵn. “Kết quả cuối cùng ngoài mong đợi. Tất cả đều bị thuyết phục và trở thành đối tác của Saigon Gas”, anh kể lại.
Dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Tuấn Quỳnh, sản lượng tiêu thụ của Saigon Gas tăng theo cấp số nhân, đạt 1.800 tấn gas/tháng vào năm 2007. Đây cũng là thời điểm anh rời Saigon Gas, về đầu quân cho công ty Cổ phần Vàng bạc Ðá quý Phú Nhuận (PNJ) với vị trí Phó Tổng Giám đốc, phụ trách mảng Ðầu tư - Tiếp thị kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Vinagas, một công ty con kinh doanh gas của PNJ. Lý do anh bán cổ phần tại Saigon Gas là vì nhận thấy dấu hiệu thị trường gas bắt đầu bão hòa, cũng như để mở rộng kinh doanh thì cần đầu tư thêm rất nhiều trong khi biên lợi nhuận lại thấp. Trong khi đó, một cổ đông lớn là Mekong Capital cũng quyết định thoái vốn. Kết quả, Saigon Gas được bán toàn bộ cho Totalgaz vào cuối năm 2008.
Đến với PNJ, dù thừa nhận là “không thực sự phù hợp” với ngành nữ trang, ngành nghề kinh doanh chính của Công ty này, nhưng anh muốn trải nghiệm ở vị trí điều hành một công ty lớn và đặc biệt là thử sức ở mảng đầu tư. Dấu ấn đáng kể đầu tiên của Quỳnh ở môi trường làm việc mới là thương vụ bán vốn cổ phần PNJ cho hai quỹ đầu tư VinaCapital và Mekong Capital trước khi PNJ được niêm yết năm 2009. Cụ thể, tháng 12/2007, Mekong Capital đầu tư gần 12 triệu USD để sở hữu 6,7% trong số 300 tỷ đồng vốn điều lệ của PNJ khi đó. Cùng lúc đó, Vina Capital cũng đầu tư một số tiền rất lớn để sở hữu 11,6% vốn điều lệ của PNJ. Với khoảng thặng dư vốn lớn, PNJ đầu tư vào Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC). Đến tháng 4/2008, anh trở thành Chủ tịch HĐQT của SFC nhờ sự tín nhiệm của cổ đông, dù PNJ mới chỉ nắm giữ khoảng 8% vốn tại doanh nghiệp này.
Thể chủ động
Có thể nhận thấy Quỳnh rất “được lòng” khách hàng, đối tác, nhân viên và các cổ đông. “Nhờ sự tin tưởng của nhà đầu tư mà tôi có thể chủ động quyết định gần như mọi vấn đề. Kế đến chính là niềm tin của khách hàng. Đương nhiên, sự tin tưởng không đến trong một sớm một chiều. Nguồn lực quý báu này được tôi tích lũy trong hơn một thập niên làm việc ở Saigon Petro. Đó là hệ quả của thể chủ động.”, Quỳnh cho biết.
Theo anh, ngày trước khi còn làm việc trong môi trường cũ, việc chăm sóc khách hàng dễ bị mang tiếng là tư lợi. Quỳnh thì lại khác. Anh xem khách hàng là bạn đồng hành và sẵn lòng hỗ trợ mỗi khi cần. Chẳng hạn, khi một khách hàng lớn ở một tỉnh cao nguyên bị điều tra về hành vi giấu chi phí đầu vào nhằm trốn thuế giá trị gia tăng, Saigon Petro được yêu cầu cung cấp sản lượng và giá bán liên quan đến nhà phân phối này. Ngoài việc làm đúng nghĩa vụ cung cấp thông tin, Quỳnh còn chủ động trình bày những khó khăn của khách hàng với cơ quan điều tra. Nhờ vậy, khách hàng của anh có cơ hội giải trình. Mặc dù bị truy thu thuế và nộp phạt, nhưng họ không trách Quỳnh mà tình cảm đôi bên càng thêm gắn bó chặt chẽ.
Lại có thời điểm các tổng đại lý của Saigon Petro cạnh tranh khốc liệt về giá. Nguyên nhân là mỗi tổng đại lý được cung ứng cho nhiều đại lý cấp hai; và các đại lý cấp hai này lại được quyền mua từ nhiều tổng đại lý. Mạng lưới phân phối chồng chéo tạo cơ hội cho đại lý cấp hai ép giá tổng đại lý. Nhận diện cuộc đua xuống đáy đe dọa sự ổn định của hệ thống phân phối, Nguyễn Tuấn Quỳnh đề nghị các tổng đại lý ngồi xuống với nhau và phân chia lại khách hàng. Khi lợi ích giữa các bên được điều hòa, hoạt động của Saigon Petro ngay lập tức cải thiện. Sau bốn năm (2001-2004), sản lượng của Saigon Petro tăng gần gấp đôi lên mức 6.500 tấn gas/tháng. Những đóng góp này đưa anh trở thành một trong 10 gương mặt xuất sắc nhất Saigon Petro năm 2004.
Chặng đường mới, thách thức mới
Có vẻ như Quỳnh hữu duyên với ngành nhiên liệu. Sau 5 năm tham gia điều hành ở PNJ, anh dừng lại, tiếp nhận vị trí Tổng Giám đốc bên cạnh vai trò Chủ tịch HĐQT tại SFC.
Kết thúc Đại hội cổ đông năm 2014, Hội đồng Quản trị thống nhất Nguyễn Tuấn Quỳnh chỉ hưởng 80% lương cho đến khi SFC đạt lợi nhuận sau thuế 16,5 tỷ đồng. Khi được hỏi về tiến độ thực hiện chỉ tiêu này, Quỳnh trả lời: “Tôi bắt đầu nhận 100% lương từ tháng 7/2014”. Nghĩa là vị thuyền trưởng của SFC chỉ mất phân nửa thời gian.
Nhìn lại SFC năm 2013. So với các công ty trong ngành như công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu (COM), công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (PIT) thì kết quả kinh doanh của SFC là khá ấn tượng. Doanh thu thuần từ kinh doanh của SFC tuy chưa bằng một nửa của COM, cao hơn PIT một chút, nhưng tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu của SFC lại cao nhất (11,36%). Cũng trong năm này, SFC chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 16% trên mệnh giá. “SFC là một khoản đầu tư tốt của PNJ trong nhiều năm qua”, Quỳnh nhận xét.
Sự thành công này chắc phải kể đến sự chủ động và nhạy bén của Quỳnh trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực mà công ty hiện có. Trước hết phải kể đến nguồn lực bất động sản với 40 mặt bằng mà SFC có được từ khi còn là doanh nghiệp nhà nước. Ngoài phần lớn diện tích được sử dụng để kinh doanh xăng dầu thì phần còn lại được khai thác bằng hình thức hợp tác kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau. Sự nhạy bén đó còn được vị Tổng Giám đốc sử dụng trong việc tìm kiếm và tiếp cận được những nguồn tín dụng giá rẻ. Báo cáo tài chính năm 2013 của SFC cho thấy khoản nợ vay ngắn hạn từ ngân hàng (100% tín chấp) tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, khoản mục “tiền và tương đương tiền” cũng tăng mạnh. “Một phần tiền tạm thời nhàn rỗi được SFC gửi ngân hàng thương mại hưởng lãi suất”, Quỳnh cho hay. Nhờ đó, kết thúc năm tài chính 2013, SFC đạt 26 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Tuy nhiên, làm kinh doanh chưa bao giờ là con đường trải hoa hồng. Mảng kinh doanh nhiên liệu chiếm đến 98% doanh thu nhưng đóng góp 60% lợi nhuận trước thuế. Trái lại, mảng hợp tác kinh doanh dù chiếm tỉ trọng trong doanh thu rất thấp nhưng đóng góp đến 30% lợi nhuận. Điều này cho thấy biên lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu khá thấp. Đó là thách thức mà Nguyễn Tuấn Quỳnh phải vượt qua khi về điều hành SFC. Kết hợp thêm các dịch vụ khác tại các cây xăng là lựa chọn đầu tiên của Quỳnh để tăng thêm lợi nhuận cho công ty.
Thách thức tiếp theo mà Nguyễn Tuấn Quỳnh đang phải đối mặt là những khoản đầu tư dài hạn của SFC vào công ty Cà phê Petec và công ty Đầu tư Phát triển Gia Định. Tổng số vốn đầu tư chiếm gần 10% vốn điều lệ của SFC, phát sinh trước khi PNJ mua SFC. Quỳnh thừa nhận hai khoản đầu tư này không hiệu quả nhưng “bán chưa có ai mua”, nên hằng năm công ty vẫn phải trích lập một khoản dự phòng cho khoản đầu tư này.
Một thách thức nữa có lẽ là quyền chủ động trong các quyết định chiến lược và định hướng của công ty. “Nếu không phải là người quyết định thì mình có thể đề xuất các giải pháp và thực hiện các giải pháp đó khi người có quyền quyết định cuối cùng đã chọn lựa”, Quỳnh tâm niệm. Đảm nhiệm đồng thời chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc, quyền quyết định đã lớn hơn nhiều nhưng vẫn chưa phải là tuyệt đối. Sau anh vẫn là công ty mẹ PNJ (nắm giữ 50,02% cổ phần) và một cổ đông lớn khác, cũng là công ty mà Quỳnh đã từng gắn bó – Saigon Petro. Quỳnh vẫn phải tham khảo ý kiến và cân nhắc lợi ích của các cổ đông chi phối này.
Một điều đáng lưu ý là tại Đại hội cổ đông tháng 3 vừa qua, Chủ tịch PNJ là bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết sẽ thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Những tháng gần đây, Quỳnh đều đặn đăng ký mua thêm cổ phần của SFC. Liệu một vài động thái này có phải manh nha báo hiệu lộ trình Quỳnh trở thành cổ đông lớn - doanh chủ của SFC?