Chiều 19/3, Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam phát đi thông cáo về một nghiên cứu đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của Covid-19 đến tình hình lao động trên toàn cầu.
Theo đánh giá mới nhất của ILO, tác động của dịch bệnh có thể tiếp tục mở rộng khiến hàng triệu người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và rớt xuống dưới chuẩn nghèo.
"Cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu", báo cáo của ILO cho biết.
Nhiều kịch bản khác nhau
Dựa vào các kịch bản khác nhau mà tác động của Covid-19 có thể gây ra đối với tăng trưởng GDP toàn cầu. Ước tính cho thấy số người thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 triệu người (kịch bản "thấp”) đến 24,7 triệu người (kịch bản “cao”).
Đây là số lượng tăng thêm so với nền số người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019.
Tình trạng thiếu việc làm cũng được dự báo tăng theo diện rộng khi nhìn những tác động về kinh tế của Covid-19 sẽ khiến cả thời gian làm và tiền lương bị giảm.
Tại các nước đang phát triển, nhóm lao động tự làm được coi như tấm đệm giúp làm nhẹ bớt độ xung của những tác động do những thay đổi đột ngột mang lại. Tuy nhiên, trong đợt dịch Covid-19, nhóm người này không còn tác dụng vì những hạn chế di chuyển đối với con người và hàng hóa.
Tổ chức lao động Quốc tế ILO cho biết 25 triệu người trên thế giới có thể mất việc vì Covid-19 do các hoạt động kinh doanh đình trệ. Ảnh minh họa: CNN. |
Giảm số lượng việc làm cũng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động. Nghiên cứu ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Điều này dẫn tới giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, từ đó tác động tới triển vọng của doanh nghiệp và các nền kinh tế.
Tình trạng lao động nghèo được dự báo cũng gia tăng đáng kể, bởi “việc giảm thu nhập do suy giảm các hoạt động kinh tế sẽ ảnh hưởng xấu tới những người lao động cận nghèo hoặc sống dưới chuẩn nghèo”.
Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính rằng sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới, so với mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người ).
"Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể đưa ra giải pháp chính sách đối phó với tình hình này một cách đồng bộ ở tầm quốc tế, thì tác động của dịch bệnh đến tình trạng thất nghiệp toàn cầu có thể giảm đi đáng kể", đại diện ILO cho biết.
Chính sách nhanh chóng và đồng bộ
Theo ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO, Covid-19 không còn chỉ là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nữa, mà còn là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với thị trường lao động và kinh tế, tác động lớn tới con người.
Ông cũng cảnh báo rằng tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều làm gia tăng bất bình đẳng. Những người bị ảnh hưởng lớn bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi.
Trong số đó, lao động di cư dễ bị tổn thương vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động và an sinh xã hội. Ngoài ra, phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp và các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.
Nhiều quốc gia châu Âu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Ảnh: Getty. |
Vì vậy, đại diện ILO cho rằng trong những lúc khủng hoảng như hiện nay, con người có hai công cụ chính có thể giúp giảm bớt những tác động tiêu cực và giúp phục hồi niềm tin của công chúng.
Thứ nhất là đối thoại xã hội, đó là đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ. Công cụ này đóng vai trò quan trọng để xây dựng niềm tin của công chúng và hỗ trợ các biện pháp mà chúng ta cần thực hiện để vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Thứ hai là các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Các tiêu chuẩn này cung cấp một nền tảng đã được thử nghiệm và khẳng định dành cho các phản ứng chính sách tập trung vào việc phục hồi một cách bền vững và công bằng.
Theo đại diện ILO Việt Nam, ông Chang Hee Lee, Việt Nam đã làm rất tốt công tác kiềm chế dịch Covid-19. Sự quyết tâm được thể hiện rõ qua thông điệp của Thủ tướng rằng Chính phủ chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân.
"Khi cuộc chiến chống COVID-19 có khả năng sẽ còn kéo dài, bây giờ chính là lúc bắt đầu hành động để giảm thiểu những tác động tiêu cực của virus tới doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của phần lớn người lao động, bao gồm cả khu vực kinh tế phi chính thức", ông Chang Hee Lee cho biết.