Đại tá Nguyễn Thành Trung đánh giá sự cố hạ cánh của máy bay VietJet trong tối 29/11 là nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng hành khách.
Dựa vào những hình ảnh được ghi lại tại hiện trường, ông Trung cho rằng đây là sự cố liên quan đến thao tác hạ cánh máy bay.
2 giả thuyết về nguyên nhân sự cố
Cựu phi công của Quân đội Nhân dân Việt Nam nêu ra 2 giả thuyết dẫn đến hiện tượng bánh máy bay bị văng ra khỏi càng trong quá trình tiếp đất.
Đại tá - phi công Nguyễn Thành Trung. Ảnh: Báo Nhân Dân. |
Giả thuyết đầu tiên là máy bay gặp sự cố về kỹ thuật khiến bánh văng khỏi càng. Nếu lỗi này có từ trước khi máy bay cất cánh thì không thể quy trách nhiệm cho tổ bay, ngược lại phải đánh giá cao họ vì đã giải quyết sự cố một cách an toàn.
Tuy nhiên với việc máy bay Airbus 321 Neo mới được mua về, các khâu kiểm tra kỹ thuật thường được tiến hành cẩn thận nên khả năng này là không nhiều. Ông Trung nghiêng về giả thuyết phi công mắc lỗi kỹ thuật khi hạ cánh.
Về nguyên tắc khi hạ cánh, phi công sẽ điều khiển việc thả càng, quan sát đèn báo thả càng sáng mới tiến hành tiếp đất. Hai càng sau phải tiếp đất trước, sau đó đến càng trước.
"Thực tế có trường hợp phi công để máy bay tiếp đất với 3 càng cùng lúc, hoặc tệ hơn, càng trước tiếp đất đầu tiên rồi mới đến 2 càng sau", ông Trung chia sẻ.
Điều này khiến càng trước của máy bay phải chịu một lực tác động lớn hơn bình thường. Khi vượt ngưỡng chịu tải, bánh máy bay sẽ văng ra hoặc càng sẽ bị gãy.
Máy bay của hãng VietJet bị văng lốp khi hạ cáng. Ảnh: Tây Nguyên. |
Sau khi mất bánh, càng máy bay sẽ cày xuống đường băng. Do mặt đường băng rất mịn nên máy bay thường tiếp tục di chuyển theo quán tính mà không bị vấp, lật.
"Điều đáng lo là quá trình quét càng xuống mặt đường có thể tạo ra tia lửa gây cháy, nổ máy bay. Do đó ngay khi máy bay dừng lại, công tác sơ tán hành khách được thực hiện ngay lập tức", ông Trung phân tích.
Cảnh báo về kiểm soát an toàn bay
Ông Trung cho biết việc kiểm tra an toàn của máy bay trước mỗi lần cất cánh thường được hãng hàng không thực hiện độc lập, không có sự tham gia của cơ quan chức năng.
Là người thường xuyên theo dõi tin tức hàng không, ông Trung nhận thấy các sự cố của hãng hàng không VietJet xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Điều này là một tín hiệu cảnh báo để hãng siết lại các quy trình đảm bảo an toàn.
Hành khách ôm nhau, hoảng loạn sau sự cố. Ảnh: CTV. |
Tối 29/11, tại sân bay Buôn Ma Thuột, máy bay số hiệu VJ356 từ TP.HCM chở 207 khách tiếp đất trong tình trạng mất cân bằng, tạo ra tiếng động lớn. Phi hành đoàn lập tức phát thông báo khẩn cấp yêu cầu toàn bộ hành khách bỏ lại hành lý, thoát ra ngoài qua cửa thoát hiểm và phao trượt.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết bánh trước của máy bay văng ra cách đường băng 100 m. Máy bay di chuyển thêm 60-70 m trong tình trạng càng trước cày xuống đường băng.
Sân bay Buôn Ma Thuột phải tạm ngưng hoạt động khoảng 8 tiếng để xử lý sự cố của chuyến bay VJ356.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện tập đoàn Airbus cho biết họ đang chờ kết luận điều tra của cơ quan chức năng và thông tin từ phía hãng VietJet Air.
Vào năm 2013, cũng tại sân bay Buôn Mê Thuột, một máy bay cỡ nhỏ của hãng Vasco đã phải tiếp đất bằng bụng do phi công không thể thả càng. Sự cố khiến sân bay đóng cửa gần 3 tiếng đồng hồ. 9 người trên máy bay may mắn không bị thương.