Bác sĩ Nguyễn Chí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nhận xét hai ca bệnh này là hiếm gặp.
Theo bác sĩ Chí Dũng, số ca mắc bệnh tiêu chảy tại TP.HCM từ đầu năm đến nay gần 3.400 ca, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng trong khi cả năm 2013 TP.HCM không có trường hợp tiêu chảy nào tử vong, thì từ đầu năm đến nay TP.HCM đã có hai trẻ em mắc bệnh tiêu chảy tử vong.
Chùm ca bệnh tiêu chảy
Trong hai ca bệnh tiêu chảy cấp tử vong này, bác sĩ Chí Dũng cho biết ca đầu tiên, bé P.N.T. (10 tháng tuổi, ở xã Lê Minh Xuân) tử vong ngày 16/7 đã được người nhà tự cho uống thuốc trước khi đến bệnh viện điều trị. Còn ca thứ hai bé M.T.A.T. (30 tháng tuổi, ở xã Vĩnh Lộc A) tử vong ngày 27/7 đã mắc bệnh tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh. Kết quả cấy phân của bé A.T. tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy có nhiễm E.coli, loại vi trùng thường thấy trong các ca bệnh tiêu chảy.
Xung quanh nhà bé A.T. cũng có những trường hợp mắc bệnh tiêu chảy khác. Trung tâm Y tế dự phòng TP đã lấy mẫu bệnh phẩm của những người bệnh này đi xét nghiệm, đồng thời lấy mẫu nước giếng khoan đi xét nghiệm, dự kiến vài ngày nữa có kết quả.
Bác sĩ Lại Phước Hòa, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh, cho biết đã xuất hiện chùm ca bệnh tiêu chảy ở xã Vĩnh Lộc A. Điều tra dịch tễ quanh nơi bé A.T. ở có thêm năm trường hợp mắc bệnh tiêu chảy. Bác sĩ Hòa cũng cho rằng hai trẻ mắc bệnh tiêu chảy trong huyện tử vong là hiếm gặp, vì những năm gần đây huyện không có ca tiêu chảy nào tử vong. Cách đây 4-5 năm tại xã Bình Hưng có một ca tả bị tử vong.
Trẻ mắc bệnh tiêu chảy được điều trị tại phòng cấp cứu - khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1. |
Chăm sóc trẻ đúng cách
Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết tiêu chảy thường gặp ở trẻ, bệnh xảy ra quanh năm và có thể tử vong do bị mất muối, mất nước. Sở dĩ hiện nay trẻ bị tiêu chảy ít nguy cơ tử vong là do được điều trị đúng cách, kịp thời.
Khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 thường tiếp nhận điều trị những trẻ mắc bệnh tiêu chảy do bị nhiễm virút, vi trùng trong đường ruột. Nếu trẻ bị tiêu phân lỏng, không đàm máu, bệnh sẽ kéo dài từ 5-7 ngày. Nếu được chăm sóc đúng cách, những trẻ mắc bệnh tiêu chảy nhẹ có thể tự khỏi bệnh ở nhà, không cần đến bệnh viện điều trị. Cần cho trẻ uống thêm nhiều nước như nước đun sôi để nguội, nước khoáng, nước dừa tươi và tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp có nhiều đường. Ngoài ra có thể dùng dung dịch ORS để bù nước cho trẻ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Khi trẻ bị tiêu chảy nên chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần và đút chậm thức ăn bằng muỗng để tránh bị ói. Bệnh tiêu chảy lây qua đường phân - miệng, cần giữ vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi, rửa tay đúng cách và đúng thời điểm, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và kéo dài đến 18-24 tháng. Không nên cho trẻ bị tiêu chảy bò lê trên sàn nhà, ngậm tay hoặc ngậm đồ chơi. Trẻ tiêu chảy không bị mất nước có thể điều trị tại nhà và tái khám theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Tuy vậy, trẻ cần được theo dõi số lần, số lượng, màu sắc phân khi tiêu chảy, khả năng uống bù nước và ăn uống.
Bác sĩ Hoàng Lê Phúc nhấn mạnh tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy phần lớn là do nhiễm trùng đường ruột nên tiêu phân lỏng cũng là cách bảo vệ cơ thể giúp thải trừ vi trùng, chất độc. Ngoài ra, các thuốc cầm tiêu chảy là những loại thuốc làm giảm nhu động ruột, liệt ruột làm phân không được thải ra ngoài, trẻ vẫn bị “tiêu chảy” nhưng phân không bài xuất ra ngoài được, ứ lại trong ruột gây trướng bụng, viêm ruột, thậm chí làm tắc ruột, thủng ruột, tử vong.
Bác sĩ Chí Dũng cũng lưu ý mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng gây bệnh tiêu chảy phát triển. Do vậy người dân cần giữ vệ sinh ăn uống, đảm bảo ăn chín uống sôi để phòng bệnh tiêu chảy.