19 NGÀY MẤT ĂN MẤT NGỦ CỦA HỆ THỐNG PHÂN PHỐI THỰC PHẨM TP.HCM
19 ngày giãn cách xã hội tại TP.HCM cũng là 19 ngày hệ thống phân phối toàn thành phố gặp khó khăn vì lệch nhịp cung cầu. Để đảm bảo cung ứng hơn 5.000 tấn rau củ, thịt cá cho người dân, nhân viên các siêu thị, chợ, nhà thuốc, cửa hàng mỹ phẩm và hệ thống logistics nỗ lực đến mất ăn, mất ngủ.
Khuôn mặt đỏ lên vì hơi nóng bếp lửa, hai tay chăm chút cho hộp xôi cuối cùng, Lệ Trinh - tổ phó tổ thực phẩm tươi sống siêu thị Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh) - vừa hoàn thành xong nhiệm vụ chuẩn bị hơn 100 suất ăn sáng cho khu cách ly.
Hai bàn tay Trinh đầy vết chai cứng, xù xì, bao phủ là mủ rau xám đen bám kĩ vào da và cả những vết cắt đang dần liền.
Trinh cười bảo: "Tay chị xấu lắm, nhiều khi làm việc cả ngày, nắm tay không còn cảm giác gì. Phải lấy miếng chà nồi inox chà mà tay cũng không còn thấy đau nữa".
Những ngày dốc hết sức lực
4h30 phút sáng, tiếng chuông báo thức reo lên cũng là thời điểm Trinh bắt đầu một ngày mới. Vội vã sắp xếp lại đồ đạc, đeo găng tay, choàng thêm áo khoác, cô nhân viên trẻ nhanh tay chuẩn bị để kịp chuyển chuyến hàng đầu ngày vào siêu thị.
Hành trang cho mỗi ngày làm việc 12 tiếng chỉ vỏn vẹn là chai nước và hộp cơm đã chuẩn bị từ tối hôm trước.
"Từ khi dịch bệnh trở nên căng thẳng, TP giãn cách xã hội, công việc bận gấp trăm lần trước, thời gian ăn, ngủ hay nghỉ ngơi cũng chẳng có nhiều", Trinh cười xòa rồi vội bước ra cửa.
5h sáng, đường phố vắng ngắt, đèn đường vẫn sáng trưng, chỉ có Trinh và những chuyến xe tải chở rau củ, thịt cá vào thành phố. "Dù vất vả nhưng cũng ráng vì khách hàng đang chờ mình, cần mình", cô gái 25 tuổi nhoẻn miệng cười.
Khẩn trương, hối hả, dốc hết sức lực là những hình ảnh của Trinh và nhiều nhân viên siêu thị những ngày qua. "Mình mà gục thì làm gì có ai thay thế thời điểm này", Trinh nói.
Căng mắt kiểm tra từng khay rau, củ, trái cây từ kho về siêu thị, cô kể: "Mọi nhân lực từ bảo vệ, thu ngân, kho thực phẩm đến cả những nhân viên giao hàng phải tăng tốc để luôn đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ".
Công việc quá tải, hàng dài người xếp hàng chờ mua sắm, thời gian để nghỉ ngơi đối với Trinh và hàng trăm, hàng nghìn nhân viên siêu thị là gần như không thể.
5h34 phút sáng, các kệ hàng đã được sắp xếp gần đầy.
Lúc này chiếc áo xanh cũng đã ướt đẫm, chân mỏi nhừ và đôi tay chai sạn, rướm máu vẫn phải liên tục vệ sinh sát khuẩn để không ảnh hưởng đến tiến độ công việc.
Bà Bùi Thị Giáng Thu - Giám đốc siêu thị Co.opmart Chu Văn An - cho biết siêu thị đã chủ động phát phiếu hẹn giờ cho khách để hạn chế việc người dân dồn về siêu thị cùng lúc.
Song song đó, để điều phối lưu lượng khách bên trong hợp lý, siêu thị bố trí chỗ ngồi và mời mỗi lượt 10 khách vào mua sắm và quy định mỗi lượt khách chỉ mua sắm từ 20- 40 phút để nhường cho lượt khách kế tiếp.
Mô hình phát phiếu hẹn giờ tại siêu thị Co.opmart Chu Văn An đang tỏ ra khá hiệu quả, giảm lượng khách dồn về cùng lúc đáng kể.
"May mắn thời gian gần đây đi siêu thị không phải xếp hàng chờ lâu, tôi mua đủ dùng 1-2 ngày rồi quay lại mua tiếp, để phần cho người đến sau", chị Mai (quận Bình Thạnh) nói.
Phía sau những đơn hàng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường chính là cuộc đua thầm lặng, nỗ lực hết mình của từng nhân viên các hệ thống bán lẻ. Họ đang từng ngày, từng giờ chạy đua để cung ứng đủ nhu cầu cho người dân.
"Sợ chứ, mình cũng sợ nhiễm chẳng kém gì người dân vì mỗi ngày phải tiếp xúc cả nghìn người, mặc dù đã được tiêm ngừa nhưng nguy cơ vẫn rất cao", Trinh tâm sự.
"Nhưng nếu ai cũng sợ khó, sợ khổ thì ai sẽ là người phục vụ nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con những ngày dịch bệnh? Ai sẽ cung cấp thức ăn, nước uống đến các khu cách ly?", cô khẳng định.
Những ngày này, căn bếp của Co.opmart luôn đỏ lửa từ tờ mờ sáng đến khi trời đã tối mịt. Trong cái nóng hầm hập, các nhân viên tại bếp vẫn luôn tay với nồi cơm, chảo thịt...
Ai cũng chăm chút cho từng hộp cơm ấm nóng, tươi ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả công dân đang cách ly, lẫn các lực lượng phòng chống dịch đang thực hiện nhiệm vụ.
"7h30 chúng tôi phải xong hết 120 đơn hàng phục vụ khu cách ly, sau đó lại vội vã chuẩn bị nấu thực phẩm cho kịp bán bữa trưa. Nhiều lúc ăn sáng cũng là lúc ăn trưa", nhân viên tổ thực phẩm tươi sống nói.
12 tiếng làm việc của Trinh và nhiều nhân viên tổ thực phẩm tươi sống là 12 tiếng vội vã. Vội dậy sớm đi làm, vội chế biến, đóng gói suất ăn cho khu cách ly, vội sơ chế rau, củ, thịt cá cập nhật kệ hàng rồi lại vội xử lý các công việc của khối văn phòng.
Dù vậy, nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi cô gái trẻ, Trinh bảo: “Dù công việc rất vất vả nhưng được sự quan tâm từ ban giám đốc, ban lãnh đạo nên anh chị em đồng nghiệp luôn làm việc rất vui vẻ nhằm lan toả năng lượng tích cực đến cho khách hàng”.
Rau củ lần đầu lên kệ bưu điện, hàng mỹ phẩm, xe bus
Thành phố có 238 chợ truyền thống, cung cấp hơn 70% nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân. Sau chục ngày ngắn ngủi, Covid-19 đã khiến con số ấy rút ngắn chỉ còn hơn 30 chợ được hoạt động.
Lúc này, siêu thị, cửa hàng thực phẩm dù đã cố gắng gấp 10 lần sức lực vốn có vẫn không thể đáp ứng đủ "cơn khát" thực phẩm của người dân thành phố. Bài toán phân phối hàng hóa ngày càng trở nên khó khăn gấp bội.
Ngay lập tức, nhiều cuộc họp, nhiều giải pháp được đặt ra nhằm giải quyết kênh phân phối thực phẩm. Những mô hình bán hàng mới xuất hiện, từ bưu điện, hàng mỹ phẩm, nhà thuốc đến cả xe bus được huy động tận dụng những điểm bán sẵn có để lập tức giảm tải áp lực cho kênh bán lẻ hiện đại.
Buổi sáng ngày cuối tuần, tại góc đường Lê Quang Ðịnh đối diện chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), một chiếc xe tải đưa xuống nhiều loại hàng hóa, từ rau, củ, quả, trái cây đến thịt, cá…
Nhân viên nhanh chóng bày hàng lên bàn, treo bảng giá; bên ngoài, người dân đã xếp hàng sẵn chờ vào mua.
"Mua rau mấy nay vất vả, giờ thấy đầy đủ rau củ, thịt, cá, giá cả ổn nên cũng mừng. Nay tôi chủ yếu mua rau cải về ăn", chị Ánh (quận Bình Thạnh) vừa mua hàng vừa cười tươi hớn hở khi có một điểm bán thực phẩm tươi sống gần nhà.
Ðó là một trong nhiều chuyến xe bán hàng lưu động do Trung tâm thương mại Aeon phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM tổ chức đưa thực phẩm đến tận tay người dân tại khu dân cư.
Liên tiếp nhiều ngày sau đó, 798 điểm bán hàng thực phẩm lưu động tại các quận, huyện và TP Thủ Đức đã được Bưu điện, Viettel post, Con Cưng, Guardian, The Face Shop, Pharmacity... được triển khai.
415 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô... ) và 120.700 quả trứng gia cầm đã được cung cấp cho người dân TP.HCM chỉ trong 12 ngày.
Không phải là con số nhiều so với hàng chục nghìn tấn hàng hóa cung cấp cho người dân thành phố, nhưng 798 điểm bán đó nhen nhóm lên trong họ niềm tin rằng chính quyền đang từng bước gỡ khó về nguồn cung thực thẩm thay vì những chỉ đạo trên trang giấy.
Tại các điểm bán, các loại rau củ được bán khá thông dụng trong bữa cơm của các gia đình như cải ngọt, mồng tơi, bí đỏ, bắp cải, cà rốt.
Nhanh nhẹn gói túi cà rốt, bắp cải cho khách, chị Dung, nhân viên cửa hàng mỹ phẩm Guardian (TP Thủ Đức) cho biết các sản phẩm rau tại Guardian được chia túi nhỏ khoảng 0,5-1 kg và bán đồng giá để người dân dễ dàng chọn lựa.
Covid-19 khiến mọi thứ đảo lộn. Covid-19 cũng khiến xe bus thành điểm bán bí xanh, cà rốt, dưa leo... lưu động. Những nhân viên phụ xe cũng "biến" thành người bán hàng. Những chiếc ghế vốn dành chở khách nay là chỗ của những bó rau.
Nhiều hoạt động cung ứng hàng hóa mới hình thành, khó tránh khỏi thiếu hụt các loại thực phẩm như ngày thường.
"Nhưng mỗi người hy sinh một chút, rau này không có mình ăn rau khác, ăn ít thịt đi một chút nhường cho người đến sau. Có như vậy mới có thể thoát ra khỏi cảnh giãn cách này, mới lại nhìn thấy Sài Gòn 'không ngủ' như thường ngày", anh Cát (quận 1) vui vẻ nói khi kệ rau ở hiệu thuốc chỉ còn vài loại.
- "Gà 50.000 đồng/con, mua nhanh kẻo hết"
- "Lấy tôi 2 con nhé"
Bà Bảy cùng hàng xóm đứng sát ban công nói vọng xuống khi biết tin có xe bán lưu động đến. "May quá, có xe hàng bán lưu động, mua được ít rau với thịt. Người già khó mua thực phẩm lắm", bà than.
Nỗ lực mở lại chợ
Thành phố đã trải qua 18 ngày giãn cách, cả hệ thống đang căng mình chống dịch. Ngành công thương cũng khẩn trương chỉ đạo, kiểm tra, lên kế hoạch cụ thể sớm mở lại một phần chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn.
Song song đó, kế hoạch mở lại một số chợ truyền thống cũng được cân nhắc. Phát phiếu đi chợ, nhận đặt hàng qua điện thoại, "đi chợ dùm" người dân bị phong tỏa... được gấp rút triển khai.
Lãnh đạo các sở, ban ngành đang khẩn trương tìm mọi biện pháp tạo điều kiện cho các chợ truyền thống mở cửa trở lại, nhằm giảm áp lực phân phối hàng hóa cho các kênh siêu thị và tạo điều kiện cho người dân khi mua hàng.
Chợ An Đông, Nguyễn Tri Phương, Bình Thới lần lượt mở lại với nhiều biện pháp phòng chống dịch nghiệm ngặt. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày cả 3 chợ phải tiếp tục đóng cửa.
Covid-19 lại một lần nữa phá vòng vây, xâm nhập vào chợ. Lúc này, bài toán mở lại chợ truyền thống không hề dễ dàng đối với cơ quan chức năng.
- Chợ Bà Chiểu bao giờ mở lại thế cô?
Xung quanh khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) bị căng dây tứ phía, ngay mặt tiền chợ ở ngã ba đường Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Bạch Đằng cũng chằng chịt dây khiến nhiều người nhầm tưởng chợ đã tạm đóng.
Tuy nhiên, khu chợ lớn này vẫn còn hoạt động, ban quản lý chợ chỉ để một lối vào, yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi mua hàng.
Bà Huỳnh Ngọc Thanh - Trưởng ban quản lý chợ Bà Chiểu - nói với Zing rằng mở lại một số khu bán rau, thịt cá ở chợ là một điều rất khó khi xung quanh chợ đều có ca nhiễm phức tạp. Chợ chỉ còn khu trái cây vẫn được mở bán và tập trung bảo vệ nghiêm luồng xanh này.
"Mong mở lại nhiều khu rau, thịt cá lắm chứ, người dân nghèo có chỗ mua sắm, người bán có nơi kiếm thu nhập, nhưng điều đó rất khó. Nhất là khu 5 bán rau củ, nếu mở sẽ không thể quản lý nổi", bà giãi bày.
Tháng 7/2021 là những ngày chưa từng có của chợ truyền thống ở TP.HCM. Những ngày chợ chằng chịt sợi dây giãn cách, những ngày chợ im lìm. Và dù có dừng đi một vài nhịp nhưng người dân Sài thành đều mong rằng chợ sẽ mau chóng hồi phục, lành lặn trở lại.
"Giãn cách thì mình chấp hành nghiêm chỉnh, đi siêu thị hơi tốn kém chút nhưng không sao cả. Chỉ vài ngày nữa thôi Sài Gòn sẽ khỏe lại. Người dân tự giác, chính quyền đỡ vất vả", bà Liên (quận Bình Thạnh) xách túi rau, củ, mắt long lanh ánh lên niềm hy vọng.
TP.HCM đã bước chậm suốt hơn 1 tháng qua. Những gương mặt mệt mỏi, những đôi mắt đỏ ngầu, những bàn tay chai sần và chi chít trầy xước của nhân viên kho bãi, vận chuyển hàng hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chỉ mong đổi lại người dân thành phố có đủ lương thực đảm bảo nhu cầu cốt lõi.
Chắc hẳn đó sẽ là một trong những câu chuyện đẹp nhất mà người dân "thành phố không ngủ" này sẽ cùng kể cho nhau nghe về một thời đồng lòng chống dịch.