Ngay cả khi bạn đã cài đặt quyền riêng tư cho Facebook, thì vẫn rất khó để kiểm soát bài đăng của mình trên trang mạng xã hội này. Dưới đây là một vài thứ mà bạn nên tránh.
Thông tin cá nhân và thông tin tài chính. Khi sử dụng Facebook, đừng bao giờ đăng địa chỉ nhà, số điện thoại, năm sinh, tên bố mẹ hay các thông tin tương tự. Việc công khai những thông tin này trên mạng xã hội giúp kẻ xấu dễ dàng giả mạo danh tính của bạn.
Gợi ý về mật khẩu tài khoản. Một lưu ý quan trọng khác để đảm bảo an ninh trực tuyến, đó là không đăng thông tin gợi ý về mật khẩu tài khoản, thông tin câu hỏi bảo mật mà một số dịch vụ yêu cầu khi bạn đăng ký tài khoản. Đừng bao giờ chia sẻ những thông tin dạng như tên thú cưng thời thơ ấu, nơi bạn lớn lên, tên người bạn gái/bạn trai đầu tiên của bạn... Những thông tin này có thể hỗ trợ kẻ xấu tấn công tài khoản của bạn.
Thông tin về vị trí. Nếu không cẩn trọng trong việc cài đặt quyền riêng tư tài khoản, bạn có thể vô tình tiết lộ vị trí của mình mỗi khi đăng ảnh hoặc bài viết/suy nghĩ lên mạng xã hội. Điều này không hề tốt nếu bạn không muốn ai đó theo dõi mình. Một bài post tại sân bay hay điểm đến của kỳ nghỉ dưỡng có thể là gợi ý cho kẻ xấu về việc bạn sẽ vắng nhà trong một khoảng thời gian.
Kế hoạch du lịch của bản thân. Đừng "khoe" với cả thế giới về việc bạn lên kế hoạch du lịch và bỏ trống ngôi nhà mình. Kẻ xấu có thể đang nằm vùng trên các mạng xã hội để tiềm kiếm các nạn nhân tiềm năng. Chẳng ai muốn sau một chuyến dã ngoại trở về phát hiện nhà mình bị trộm viếng thăm. Tương tự, việc khoe khoang tài sản trên mạng xã hội cũng không được khuyến khích.
Khoe ngầm. Dù có thể không nguy hiểm bằng khoe trực diện, nhưng việc bạn khoe ngầm để gây chú ý cũng không gây được thiện cảm với những người bạn trên Facebook. Do đó, nếu có tin vui, chuyện tốt, hãy chia sẻ trên mạng xã hội một cách chân thật nhé.
Bài viết nhằm gây chú ý. Những bài viết/chia sẻ lấp lửng nhằm chờ đợi mọi người sẽ hỏi "Bạn sao thế?", "Có chuyện gì à?" cũng được xếp vào dạng bài đăng câu like. Ít ai hứng thú với mấy câu than thở kiểu "Ngày tồi tệ", hay kể cả chia sẻ "Ngày tuyệt vời" cả. Do đó hãy cân nhắc và chia sẻ những gì đáng chia sẻ thôi nhé.
Bài viết tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân. Cho dù bạn vừa phải chia ly với một người quan trọng nào đó, hoặc nhận được tin xấu từ bác sĩ của mình, hoặc bị đổ bể kế hoạch thì cũng đừng chia sẻ quá chi tiết trên trang cá nhân. Trước khi đăng gì đó, hãy cân nhắc về việc sếp và đồng nghiệp của bạn cũng có thể thấy bài đăng đó. Nếu không phải là điều bạn muốn cho "cả thế giới" biết, thì tốt nhất không nên chia sẻ trên Facebook.
Ảnh xấu của bản thân hoặc người khác. Không nên đăng những bức ảnh có thể gây ấn tượng sai về bạn hay bạn của bạn. Việc này có thể gửi đi những thông điệp không đúng khi ai đó lướt qua thông tin trang cá nhân của bạn. Ngoài ra, những bức ảnh mà bạn chỉ định để cười vui một lúc đó lại có thể dễ dàng bị phát tán trên mạng.
Hình ảnh con cái hoặc bạn bè. Nhiều người lớn đăng ảnh trẻ lên mạng xã hội nhưng không hề cân nhắc đến tính riêng tư của những bức ảnh đó thế nào. Trong trường hợp trẻ không phải con mình, bạn nên xin phép cha mẹ trẻ trước khi đăng ảnh. Và khi đăng, đừng đưa những thông tin về vị trí, trường học hay tên của trẻ.
Ảnh riêng tư. Mọi người hầu hết đều biết không nên đăng ảnh riêng tư, nhạy cảm lên Facebook. Tuy nhiên, một lưu ý nữa là bạn cũng không nên gửi chúng qua tin nhắn trên mạng xã hội. Nếu đã là riêng tư thì bạn không nên gửi cho bất cứ ai hoặc tải lên bất cứ đâu.
Phàn nàn về công việc. Ngay cả phải trải qua ngày tồi tệ nhất nơi công sở thì bạn cũng không nên phàn nàn điều đó trên mạng xã hội. Người khác có thể đánh giá bạn vô trách nhiệm với công việc. Ngoài ra những bài đăng đó cũng có thể gây ra phiền phức cho bạn nếu sếp của bạn đọc được.
Thông tin công việc. Mặc dù ban đầu nghe có vẻ vô hại nhưng việc chia sẻ thông tin cụ thể về các dự án mà bạn đang thực hiện hoặc việc chậm tiến độ là không hề tốt. Sếp của bạn có thể sẽ không hài lòng khi bị nhắc tới trong những bài đăng đó. Ngoài ra, thông tin về dự án cũng có thể bị tiết lộ với các đối thủ cạnh tranh.
Tin tức về người khác. Cho dù đó là thông tin về việc người bạn thân nhất của bạn đính hôn, một người chị em họ hàng có bầu hay em trai của bạn đậu trường đại học như ý thì bạn cũng không nên là người đầu tiên khoe thông tin đó lên Facebook. Bạn có thể sẽ tạo ra một tình huống khó xử trên timeline của người đó, đặc biệt khi có thể người đó không hề muốn online.
Bình luận về chính trị. Nếu bạn lo lắng về việc có thể đụng chạm đến các nhà tuyển dụng tiềm năng, thì tốt nhất là không nên đăng những bài viết, bình luận liên quan tới chính trị hay tôn giáo lên Facebook. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đăng các thông tin nhạy cảm dạng như vậy.
Truyện cười không phù hợp. Những truyện cười thô tục hay xúc phạm có thể chọc cười một vài người một lúc nào đó nhưng không có ảnh hưởng tốt nếu được chia sẻ trên trang cá nhân của bạn.
Những câu chuyện ngồi lê đôi mách. Mặc dù mạng xã hội có vẻ như một nơi vô hại để phàn nàn về một người đồng nghiệp mà bạn không ưa hay về một người đã lừa dối bạn thì việc đăng những câu trách móc hay nói xấu lên Facebook là điều không nên. Kể cả khi bạn nói bóng gió ai đó trên mạng xã hội cũng có thể gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với người đó. Điều này cũng có thể khiến người khác bớt phần tin tưởng vào bạn.
Những trò lừa hoặc chơi khăm trên mạng. Bạn nên cảnh giác để không mắc bẫy những trò lừa chia sẻ, post đi post lại những bài viết lừa đảo hoặc chơi khăm trên mạng xã hội. Hãy tìm hiểu thông tin kỹ càng để không trở thành một người dùng cả tin.
Thông tin y tế không chính xác. Trừ khi bạn có bằng y khoa hoặc là một chuyên gia có trình độ, ngoài ra không nên đánh giá về các loại thuốc hay khuyên người khác dùng thuốc này thuốc nọ trên mạng xã hội.
Facebook là công ty đa quốc gia của Mỹ sở hữu mạng xã hội trực tuyến cùng tên, sáng lập bởi Mark Zuckerberg. Tháng 6/2017, Facebook công bố có hơn 2 tỉ người mỗi tháng dùng sản phẩm mạng xã hội của họ. Ngoài ra, công ty còn mua lại các sản phẩm phổ biến của giới trẻ khác như Instagram (mạng xã hội chia sẻ hình ảnh), Whatsapp (tin nhắn).
Bạn có biết: Facebook mở đầu là một phiên bản "Hot or Not" (một ứng dụng so sánh sắc đẹp) của Đại học Harvard với tên gọi Facemash.
Thời gian thành lập: 04/02/2004
Người sáng lập: Mark Zuckerberg, Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz, Chris Hughes
Sau khi tuyến metro đầu tiên của TP.HCM đi vào hoạt động, ứng dụng bản đồ được dùng nhiều nhất tại Việt Nam cũng nhanh chóng cập nhật đường đi theo lộ trình mới.
Dù" chiến thắng" Apple, câu hỏi đặt ra là liệu Indonesia có duy trì sức hút trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi các nước xung quanh đang đi rất nhanh trong cuộc đua FDI.