Dự tính, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây mới 13 trụ sở sau di dời vào khoảng 17.000 tỷ đồng. Các bộ ngành đã gửi ý kiến góp ý cho việc thực hiện chủ trương này.
17.000 tỷ đồng xây 13 trụ sở bộ ngành
Bộ Xây dựng đang xây dựng và hoàn thiện phương án triển khai quy hoạch trụ sở 13 bộ ngành sau khi di dời để hoàn thiện báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, xem xét.
Dự kiến có 2 phương án lựa chọn triển khai đầu tư.
Một là, Chính phủ đầu tư xây dựng toàn bộ các trụ sở xong giao các bộ ngành khai thác sử dụng. Các bộ ngành bàn giao lại toàn bộ cơ sở trong nội thành để quản lý, khai thác sử dụng chung.
Hai là, Chính phủ giao các bộ ngành chủ động xây dựng trụ sở của bộ ngành trên các lô đất được phân chia theo quy hoạch được duyệt, cụ thể là tại Mễ Trì và Tây Hồ Tây.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nằm trong diện di dời. Ảnh: L.Bằng . |
Khu trụ sở bộ ngành tại Mễ Trì quy mô 55 ha, gồm có 6 cơ quan thuộc khối văn xã là Bộ VH-TT&DL, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tổng nhu cầu vốn dự kiến là trên 9.400 tỷ.
Khu trụ sở bộ ngành tại Tây Hồ Tây là 20 ha, gồm 5 bộ ngành thuộc khối kinh tế là Bộ KH-ĐT; Bộ NN-PTNT; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ GTVT và Bộ Xây dựng, bình quân 2-3,5 ha/cơ quan. Tổng nhu cầu vốn dự kiến là hơn 8.500 tỷ.
Theo tính toán sơ bộ, dự tính tổng nhu cầu vốn đầu tư xây mới 13 trụ sở sau di dời vào khoảng 17.000 tỷ đồng.
Là một trong 5 bộ ngành thuộc khối kinh tế dự kiến di dời khỏi trung tâm nội thành, góp ý cho các phương án di dời, Bộ Công Thương cho biết: Trụ sở làm việc của Bộ này đã ổn định, đủ diện tích bố trí cho khoảng 1.500 người làm việc đến năm 2030. Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục được sử dụng các trụ sở hiện có đến năm 2030, không di chuyển đến khu Tây Hồ Tây.
Tuy nhiên, trong trường hợp chủ trương chung của Chính phủ “bắt buộc phải di chuyển” về địa điểm mới tại khu Tây Hồ Tây, Bộ Công Thương muốn được quy hoạch theo phương án 2, tức phân lô đất.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị nên lựa chọn phương án 2, theo lô đất cho cả khu Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Cơ quan này còn đề nghị bố trí cho mỗi khu một cơ sở lưu trú để phục vụ cho khách ngoại tỉnh đến làm việc.
Trong 2 phương án đầu tư mà Bộ Xây dựng đưa ra, Bộ KH-ĐT cũng nghiêng về phương án 2.
Bộ KH-ĐT cho rằng 2 phương án này đều sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách và quản lý dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, phương án chia lô có tính khả thi hơn về mặt huy động nguồn lực thực hiện theo phân kỳ đầu tư.
“Trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, việc kết hợp các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn từ chuyển đổi các trụ sở cũ, kết hợp theo hình thức đối tác công tư theo đề xuất của Bộ Xây dựng là phù hợp”, Bộ KH-ĐT cho ý kiến.
Xây trụ sở mới, phải trả lại trụ sở cũ
Trong khi đó, Bộ Công an cho rằng quy hoạch trụ sở xây dựng mới dự kiến bố trí 8 bộ ngành tại Tây Hồ Tây, 4 bộ ngành tại khu vực Mễ Trì nhưng chưa nêu được lý do và các tính toán cụ thể thuyết phục, để đưa ra phương án bố trí này, chưa đảm bảo mục tiêu, còn gây mâu thuẫn ở một số nội dung.
Đơn cử, khu vực Tây Hồ Tây có diện tích đất được thu xếp là 35 ha, chỉ bằng 63% so với 55 ha diện tích đất của khu vực Mễ Trì, nhưng được bố trí 8 bộ ngành có tổng số người làm việc là 13.000 người, gấp hơn 3 lần so với 4.000 người làm việc tại khu vực Mễ Trì. Việc bố trí đó làm mất cân bằng giữa 2 khu, gây áp lực lên hạ tầng xung quanh khu vực Tây Hồ Tây.
Bộ Công an góp ý, không nêu chung chung về trách nhiệm của Bộ Xây dựng là “quản lý về quy hoạch, kiến trúc xây dựng trụ sở các cơ quan Trung ương”, mà cần làm rõ hơn để đảm bảo thống nhất về quy hoạch, kiến trúc các trụ sở nhằm khắc phục nhược điểm của phương án 2 là “không đảm bảo quy hoạch kiến trúc tổng thể, mỗi cơ quan xây dựng theo phong cách kiến trúc riêng, mâu thuẫn nhau”.
Bộ Công Thương không muốn di dời trừ khi chủ trương bắt buộc. Ảnh: L.Bằng . |
Bên cạnh đó, việc trụ sở bộ ngành sau khi di dời sử dụng ra sao cũng là điều nhiều người quan tâm.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung có lần đã “than” rằng: Việc di dời các cơ quan ra khỏi các quận nội thành được thực hiện theo quyết định của Chính phủ có từ năm 1997. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội chưa thu được một khu đất nào để xây dựng công viên hay bãi đỗ xe.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng: "Tôi tin chắc đã xây dựng trụ sở mới, thì trụ sở cũ sẽ thừa ra. Nếu có sử dụng cũng chỉ sử dụng một phần, phần nào thừa phải trả cho bộ phận quản lý công sản để điều phối, tính toán hoạt động vào mục đích khác cho phù hợp.
Hơn ai hết, các đồng chí được giao trách nhiệm đó phải phát hành văn bản. Khi phát hành văn bản, mà không trả lời thì mình được quyền đề nghị đến cấp cao hơn.
“Nếu như họ không thực hiện thì mạnh dạn báo với Chính phủ. Thủ tướng sẽ không bao che bất cứ sai phạm gì nếu chúng ta làm mạnh làm đúng. Kể cả các nhà công vụ cũng thế, khi hết nhiệm vụ thì phải thu lại”, ông Trương Minh Hoàng nói.