Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service vừa thông báo về việc đưa 17 ngân hàng Việt Nam vào diện xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm trong kỳ sắp tới.
Thông báo được đưa ra sau một ngày hãng xếp hạng tín nhiệm này công bố việc xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam, hiện ở mức Ba3, dù Bộ Tài chính Việt Nam cho rằng việc này là không phù hợp.
17 ngân hàng chịu tác động khác nhau của tín nhiệm quốc gia
Theo lý giải từ Moody’s, hành động xem xét này hoàn toàn phụ thuộc vào việc xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam đưa ra hôm trước, và không phản ánh sự suy yếu trong hồ sơ tài chính của các ngân hàng.
Đáng chú ý, trong số các nhà băng Việt bị Moody’s đưa vào diện xem xét lần này có cả 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV. Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cỡ lớn hiện nay cũng nằm trong danh sách bị xem xét hạ tín nhiệm gồm MBBank, ACB, Techcombank, VPBank…
Danh sách 17 ngân hàng bị xem xét hạ tín nhiệm bởi Moody's:
Ngân hàng |
Tổng tài sản (đến ngày 30/6/2019) |
|
ABBank | 3,9 tỷ USD |
|
ACB | 15 tỷ USD |
|
HDBank | 9 tỷ USD |
|
Vietcombank | 48,1 tỷ USD |
|
BIDV | 60 tỷ USD |
|
LienVietPostBank | 8,1 tỷ USD |
|
MBBank | 17,2 tỷ USD |
|
NamABank | 3,6 tỷ USD |
|
OCB | 4,6 tỷ USD |
|
SHB | 14,7 tỷ USD |
|
TPBank | 6,2 tỷ USD |
|
Agribank (đến ngày 31/12/2018) | 55,3 tỷ USD |
|
Vietinbank | 50,7 tỷ USD |
|
VIB | 7 tỷ USD |
|
MSB | 6,2 tỷ USD |
|
VPBank | 14,9 tỷ USD | |
Techcombank | 15,5 tỷ USD |
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's, 17 ngân hàng này sẽ chịu sự ảnh hưởng khác nhau bởi đánh giá của hãng về xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam.
Trong đó, sức mạnh tín dụng của Việt Nam là đầu vào quan trọng trong xếp hạng của Moody's đối với các ngân hàng trong nước. Nguyên nhân do sức mạnh tín dụng của quốc gia ảnh hưởng đến khả năng cung cấp hỗ trợ cho các ngân hàng trong tình hình căng thẳng.
Theo đó, trường hợp Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam sẽ dẫn đến việc hạ thấp, hoặc thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ đối với một số ngân hàng. Do đó, bảng xếp hạng tín dụng thấp sẽ hạ thấp hơn trong một số trường hợp.
Ngoài ra, trong trường hợp BCA hoặc tín nhiệm dài hạn của các ngân hàng hiện bằng tín nhiệm quốc gia hoặc đã chạm trần, Moody’s cũng sẽ phải hạ các đánh giá này xuống để đảm bảo tính tương xứng.
Theo thông tin từ hãng này, tác động của việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia với mỗi ngân hàng sẽ khác nhau.
Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV sẽ bị đánh giá lại về xếp hạng tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ ngoại tệ và nội tệ. Nguyên nhân do các nhà băng này đang có cùng mức tín nhiệm với quốc gia.
Với nhóm ngân hàng tư nhân gồm ACB, MBBank, Techcombank các xếp hạng bị xem xét lại là BCA, tín nhiệm tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ bằng nội tệ/ngoại tệ, hiện cũng cùng hạng với xếp hạng quốc gia.
Trong khi đó, việc xem xét với nhóm ABBank, OCB, TPBank, VIB và VPBank chỉ giới hạn ở xếp hạng tiền gửi ngoại tệ B1, liên quan đến trần tiền gửi ngoại tệ B1.
Việc xem xét với 2 nhà băng HDBank và LienVietPostBank chỉ ảnh hưởng đến xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của các ngân hàng này. Đánh giá về MSB, NamABank và SHB ảnh hưởng đến CRR và CRA dài hạn của nhóm.
Moody’s cũng khẳng định có thể giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của 17 nhà băng trên với triển vọng ổn định, nếu tín nhiệm của Việt Nam cũng được giữ ở Ba3 với triển vọng tương tự.
Trong trường hợp ngược lại, nếu tổ chức này hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đi xuống thì xếp hạng của các nhà băng cũng sẽ đi xuống theo.
Bộ Tài chính: VN chưa bao giờ chậm trễ trong nghĩa vụ trả nợ
Ngày 9/10, Moody's đã phát đi thông tin về việc xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam, hiện ở mức Ba3.
Moody's cho biết cơ sở để tổ chức này đưa ra quyết định trên do đánh giá rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lý giải đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Theo đó, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Việt Nam chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Bộ cũng khẳng định việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp.